Đây là một vấn đề khá nhạy cảm và gây chia rẻ trong đạo Phật. Nhiều người, sau một thời gian tìm hiểu Phật pháp, nghe một vài vị thầy mà sinh ra tâm phân biệt giáo pháp. Điển hình là tư tưởng "Kinh Phật nói và không phải Phật nói" rồi đả phá, chia rẻ giữa các trường phái với nhau.
Học trò đánh nhau ông Thầy lãnh đủ. Không một thế lực bên ngoài nào có thể hủy diệt Phật pháp, chỉ có nội bộ là đủ khả năng làm việc đó thôi.
Bản thân mình vừa là một người tu tập vừa là một người nghiên cứu Triết học Phật giáo. Không như những Phật tử khác chỉ nghe một chiều, mình đi sâu vào nghiên cứu nhiều vấn đề về tư tưởng và cả nguồn gốc kinh điển.
Mình biết khá rõ nguồn gốc hình thành, khoảng thời gian mà các kinh điển Đại thừa xuất hiện. Đồng thời mình cũng biết kinh nào do Phật nói kinh nào không do Phật nói. Những vấn đề này, đối với những người nghiên cứu không phải là chuyện khó.
Tuy nhiên, không vì vậy mà mình chê bai đả phá. Ngược lại, càng tìm hiểu về Phật pháp, từ những bản kinh Pali nguyên thủy nhất cho đến những bản kinh đậm dấu ấn Phật giáo Trung Hoa như kinh Địa Tạng, mình thấy được một sợi dây xuyên suốt về tư tưởng triết lý. Rõ ràng, kinh điển Phật giáo tuy đa dạng, nhưng nếu hiểu rõ sẽ thấy giáo nghĩa không sai khác.
Trăm sông đổ về một biển là vậy. Người tu học Phật lấy sự lợi lạc thân tâm làm đầu, đừng như người thế gian lấy sự tranh cãi mà chia rẽ nhau.
Đã là người tu thì hãy tu cho đáng công sức bỏ ra, còn nếu muốn làm học giả thì hãy nghiên cứu cho sâu cho kĩ. Đừng nửa này một chút nửa kia một chút, tu không tới mà hiểu biết cũng không xong thì chỉ uổng phí con đường mình đi mà thôi.
Đôi điều chia sẻ cùng những vị hay phân biệt giáo pháp.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
- Cư sĩ Pháp An -