“Tăng đồ lô” cách nói trại danh hiệu của ngài Tân-đầu-lô, chỉ cho những vị Tăng (giả Tăng) không mời mà đến, là một trong những vấn đề khó xử của Phật giáo hiện nay. Giữa lúc mọi người đang tìm cách để giải quyết vấn đề này thì ngạc nhiên thay, vẫn còn một số Phật tử do chưa hiểu nên tiếp tục cúng dường cho những người giả làm Tăng này với lý do là kính chiếc áo họ đang mặc.
Đối tượng giả sư khất thực ở đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, ngày 7-7-2015,
sau đó bắt các tuyến xe buýt về bến xe Long An (TP.Tân An) - Ảnh: ND
Một nhóm Phật tử đến viếng chùa, trong lúc đàm đạo đã kể cho tôi nghe về sự tu học và thực hành giáo pháp của họ, trong đó có vấn đề cúng dường chư Tăng. Họ nói rằng dù là biết trong pháp hội trai tăng đó có những vị Tăng giả mạo nhưng họ vẫn cúng hết vì “họ đã dám cạo đầu thì mình dám cúng”, hơn nữa mình kính là kính bộ đồ họ đang mặc, chiếc y họ đang đắp chứ không phải kính bản thân người đó. Còn người đó làm sai thì họ chịu luật nhân quả. Các Phật tử nói như vậy và rất tự hào về việc làm của mình, nghĩ rằng như vậy là họ có niềm tin sâu sắc đối với Tam bảo, rằng họ đã đạt đến ba-la-mật trong tu tập. Thật ra thái độ và việc làm đó của họ để lại những hậu quả vô cùng không hay cho cả Phật pháp và những vị giả làm Tăng kia.
Cái hại đối với Phật pháp là quá rõ ràng. Tệ nạn “Tăng đồ lô” thật sự đã và đang làm đau đầu nhức óc đối với những người con Phật chân chính có tâm huyết đối với tình trạng Phật giáo. Khi Đức Phật còn tại thế, không phải không có lý do mà Ngài không cho phép những người thiếu tiêu chuẩn (như lục căn không đủ…) xuất gia, vì Ngài không muốn thấy tình trạng nhếch nhác của Tăng đoàn cũng như sự gièm pha, coi thường của mọi người về tình trạng ấy. Và những gì Đức Phật từng lo lắng đã xảy ra, qua hình ảnh những vị giả làm Tăng đang xảy ra ngày càng nhiều không cách gì ngăn chặn nổi. Có khi cả gia đình, từ chồng vợ cho đến mấy đứa con đều cạo đầu hết rồi mặc y áo người tu đi dự trai tăng. Ngôn ngữ thô tháo, hành vi khiếm nhã, còn y áo thì xốc xếch do không biết cách đắp. Thấy thật đau cho Phật pháp không biết bao nhiêu mà nói.
Những Phật tử cúng dường cho những tu sĩ giả như thế nghĩ rằng tâm họ rất tốt, bất quá là trên cúng dường chư Tăng thật, còn dưới bố thí chư Tăng giả, đằng nào cũng có phước. Nếu như họ không nghĩ đến cái hại cho Phật pháp mà làm như vậy thì cũng có phước đấy, vì Đức Phật dạy bố thí thức ăn thừa cho con kiến còn có phước mà, huống chi cho con người. Hơn nữa, họ nghèo khổ nên họ mới làm như vậy thôi. Vâng, người bố thí sẽ có phước, còn được tiếng là từ bi thương người nữa, nhưng chúng ta có nghĩ đến những hậu quả nặng nề mà ta đem lại cho người nhận thí không?
Cái gì giả mạo đều là biểu hiện của sự không có đạo đức, như công an giả, bác sĩ giả… nhưng giả làm người tu lại càng không có đạo đức. Chúng ta cúng dường cho họ là ta khuyến khích họ làm người không có đạo đức. Giả mạo tu sĩ để sinh sống là tà mạng. Người Phật tử thực hành lời Phật dạy, nuôi sống mình bằng những nghề nghiệp chân chánh (chánh mạng) nhưng lại khuyến khích, ủng hộ người khác (qua việc cúng thí cho họ) sống tà mạng thì có nên chăng? Đó là chưa kể những đứa trẻ đáng lẽ phải đi học và kiếm việc làm thì chúng lại theo cha mẹ làm nhà sư giả để kiếm tiền, tương lai của chúng sẽ như thế nào, về cả nhân cách lẫn năng lực lao động? Còn nói theo luật nhân quả nghiệp báo thì những người này sau khi chết sẽ đi về đâu? Chư Tổ dạy rằng hạt cơm tín thí nặng như núi Tu-di, đời này nếu không đắc đạo thì đời sau mang lông đội sừng mà trả nợ. Người tu thật mà còn như vậy thì người tu giả còn đọa lạc đến mức nào.
Đức Phật dạy có 4 hạng người ở đời, đó là người từ ánh sáng ra ánh sáng, từ ánh sáng vào bóng tối, từ bóng tối ra ánh sáng và từ bóng tối vào bóng tối. Là Phật tử, chúng ta thực hành lời Phật dạy và đem lời dạy ấy đến với thế gian, sao chúng ta không khiến cho người khác từ bóng tối ra ánh sáng mà lại làm ngược lại, đẩy họ vào bóng tối vĩnh viễn. Đây có thể gọi ba-la-mật được chăng? Thử hình dung, những tu sĩ giả này ngày càng đông, có mặt mọi lúc mọi nơi, ở đâu cũng có, đi đâu cũng gặp, và luôn làm những việc phi pháp trong hình thức tu sĩ thì Phật pháp sẽ như thế nào? Chúng ta kính chiếc áo người tu thì phải làm sao cho chiếc áo ấy đừng bị lợi dụng để nó luôn luôn là biểu hiện của sự thanh cao, trong sáng vậy.
Thích Trung Hữu