Sự lưu truyền giáo pháp bằng cách truyền khẩu tiếp tục kéo dài cho đến khoảng trên dưới 400 năm sau khi Thế Tôn nhập diệt mới được ghi chép. Kinh tạng Nikaya (Pali) được xem là văn bản sớm nhất ghi chép lời Phật dạy. Tương đương với kinh tạng Nikaya là kinh tạng A-hàm (Sanskrit) và khá nhiều kinh luận được biên soạn, trước tác rất muộn về sau.
Ngay trong thời Thế Tôn, đã có không ít người nghe pháp lõm bõm, nên khi thuật lại không đúng lắm với lời Phật. Những vị nói thiếu sót hoặc nói sai lạc với Chánh pháp thường được Đức Phật gọi đến răn nhắc, chấn chỉnh, có khi quở trách nặng nề. Và Ngài đã dự liệu cho vấn đề này ở đời vị lai nên khi sắp nhập Niết-bàn đã khéo nhắc lại cho bốn chúng đệ tử biết rằng phải hết sức cẩn thận “không nên vội tin, cũng không nên bài bác đối với bất cứ quan điểm nào mà phải đối chiếu với Kinh-Luật”.
Lời Thế Tôn dạy thật rõ ràng, nếu ai đó nói rằng tôi được nghe pháp này từ Đức Phật hay bất cứ ai đều phải “Không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo Kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo Luật, nương theo Pháp mà xét rõ gốc ngọn”.
Hiện nay, những tuyên bố nhân danh Phật pháp nhiều vô số kể, trong đó nhiều quan điểm chống trái nhau khiến cho không ít người nghe hoang mang, thối thất đạo tâm. Giải pháp cho vấn đề này là cần tỉnh táo, không tin liền cũng không vội bài bác mà nương vào Kinh và Luật để đối chiếu, thẩm định. Sự thật sẽ rõ ràng hơn khi thực hiện thao tác so sánh này, những quan điểm nào mà trái với Kinh Luật hay giáo pháp nói chung thì mạnh dạn loại trừ.
Mới hay, Đức Phật tuy đã nhập diệt nhưng Kinh và Luật (hiện thân của Ngài) vẫn còn ở đời.
Người đệ tử Phật cần nương vào Kinh, Luật để thẩm định lại tất cả những giáo huấn, tuyên bố, thuyết giảng của tất cả những ai nhân danh lời Phật dạy. Hãy nương tựa Pháp, hãy mở to đôi mắt tuệ, gạt bỏ tất cả chấp thủ tông môn hệ phái và tình cảm sùng bái thầy tổ cá nhân thì sẽ phân biệt đúng sai, chính tà để giữ vững tín tâm Tam bảo và tiến tu thành tựu giải thoát.
Quảng Tánh /Báo Giác Ngộ