Phóng viên: Anh có thể cho biết cơ duyên cũng như động lực nào khiến anh thực hiện chuyến đi xuyên Việt 7000km săn hơn 3000 bức ảnh về rác?
- Anh Nguyễn Việt Hùng: Suốt 20 năm cầm máy, tôi đã chụp rất nhiều đề tài. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra, nhiếp ảnh có khả năng mang lại nhiều giá trị hơn những gì trước đó tôi từng hình dung về thể loại này.
Đôi khi tôi nghĩ, con người không xứng đáng với hành tinh mà chúng ta đang sống. Có nhiều người hỏi tôi: “Mệt không, sao lại chụp rác thải nhựa, những thứ bẩn thỉu, xấu xí như thế?”… Một khi đó là thôi thúc từ nội tâm, khi ta có niềm say mê, ý tưởng và thấy mình cần phải đi, ta sẽ thấy mọi thứ đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều.
Lần đầu tiên tôi biết đến câu chuyện của rác thải nhựa cách đây 5 năm sau 1 biến cố không mong muốn của gia đình, khi tôi biết mẹ tôi bị ung thư. Tôi đã tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh và từ đó mới biết đến các tác hại vô cùng to lớn của rác thải nhựa với môi trường với sức khoẻ con người với đại dương. Đó cũng chính là 1 trong những lý do thôi thúc tôi lên đường và thực hiện chuyến đi.
Phóng viên: Trong suốt hành trình gần 7.000 km qua 28 tỉnh thành ven biển từ Bắc đến Nam, nơi nào đã để lại cho anh câu chuyện ám ảnh nhất về vấn đề ô nhiễm môi trường?
- Anh Nguyễn Việt Hùng: Một bãi biển dài hàng km toàn rác thải nhựa ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là 1 trong những nơi tôi cảm giác ám ảnh và ngỡ như không có cảnh đó trong sự thật.
Phóng viên: Sau những bức ảnh của anh đã tạo nên một hiệu ứng rất mạnh mẽ về các hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Cảm nhận của anh với những hiệu ứng này?
- Anh Nguyễn Việt Hùng: Máy ảnh của tôi đã ghi lại những vùng toàn rác. Những con người, những dòng sông oằn mình trong rác. Khi những bức ảnh được chia sẻ, rất nhiều nơi đã được dọn dẹp, tôi được bạn bè gửi lại những bức ảnh tại chính những nơi đó, chỉ khác là không còn rác.
Nhiều bạn trẻ đã hành động và tôi nhận ra một điều rằng: Chỉ HÀNH ĐỘNG ta mới có thể làm nên thay đổi. Tôi thực sự rất vui và điều tôi vui nhất là có rất nhiều người mà trong bản thân học thực sự đã yêu môi trường và bảo vệ môi trường rồi.
Phóng viên: Những bức ảnh của anh có thể nói đã trở thành “sứ giả” truyền tải thông điệp hiệu quả, mô tả sinh động thực trạng ô nhiễm môi trường, vậy thì anh có thể đánh giá như thế nào về vai trò của những bức ảnh tới vấn đề bảo vệ môi trường?
- Anh Nguyễn Việt Hùng: Các cụ ta đã có câu “trăm nghe không bằng một thấy” đó. Còn với tôi là 1 nhiếp ảnh gia và là người mở trung tâm đào tạo về nhiếp ảnh (LPA). Tôi cho rằng nó rất quan trọng bởi đây không chỉ là phương tiện ghi nhận khách quan về thực trạng môi trường hiện tại mà một tấm ảnh - như người ta vẫn nói – bằng ngàn lời nói, còn giúp người xem nhanh chóng và dễ dàng tiếp nhận thông tin, giúp truyền tải những thông tin mà văn bản chưa thể nói hết được. Hình ảnh có khả năng truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến người xem bởi tính chân thật và thông tin chứa đựng trong đó.
Tất cả những điều đó sẽ có tác dụng thay đổi nhận thức dần dần của người dân, các nhà quản lý và lãnh đạo các doanh nghiệp…Từ nhận thức sẽ mới dẫn đến thay đổi hành vi và hành động hợp lý nhằm bảo vệ môi trường.
Phóng viên: Đức Phật có dạy: “thiểu dục tri túc”, theo nguyên nghĩa là ít ham muốn, tức biết đủ thì không khổ. Và có nhiều người đã đánh giá rằng: “Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là do lòng người chẳng thiểu dục tri túc. Anh suy nghĩ như thế nào về nhận định trên?
- Anh Nguyễn Việt Hùng: Tôi cho rằng câu nói này không chỉ đúng mà rất hay. Con người vẫn luôn bon chen kiếm tìm giàu có và hạnh phúc.
Chúng ta làm việc cật lực để có đủ tiền sở hữu những căn nhà tiện nghi nhất, những chiếc xe thời thượng nhất, những mẫu quần áo thời trang nhất, và những món đồ chơi tối tân nhất... Theo lời Phật dạy, nếu con người sở hữu ít đi, ít sự đòi hỏi ham muốn, sẽ có nhiều niềm vui trong cách sống tối giản. Nhiều người lầm tưởng khi sống đơn giản hơn và với ít hơn nghĩa là họ phải bỏ đi mọi thứ của cải. Thật sự không phải thế, đó chỉ là bỏ đi những thứ không cần thiết và rườm rà cho cuộc sống của bạn. Hãy ngưng sử dụng đồ nhựa một lần, ngưng thải rác ra đại dương.
Nếu như ta cần tới 7000 lít nước để sản xuất ra một chiếc quần jeans và 2700 lít nước để làm ra một chiếc áo thun thì mỗi năm trên thế giới lãng phí đến 500 tỉ USD cho những sản phẩm thời trang không bao giờ được bán hay sử dụng. Mỗi chiếc áo bạn mặc tạo cho nhiều CO2 cho trái đất khi sản xuất hay vận chuyển lẫn xử lý nó khi biến thành rác.
Phóng viên: Sau chuyến đi xuyên Việt, những hành động, dự án anh tiếp tục thực hiện để bảo vệ môi trường là gì ạ?
- Anh Nguyễn Việt Hùng: Sau chuyến đi xuyên Việt, tôi đã tổ chức triển lãm ảnh Rác thải nhựa tại một số tỉnh thành và các trường học nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và đặc biết hướng tới các học sinh, sinh viên.
Tôi cũng sẽ ra sách Du Ký xanh kể về hành trình của mình, cuốn sách mong muốn truyền cảm hứng cho người đọc. Và tôi vẫn tiếp tục chụp rác thải nhựa dọc biển và các hòn đảo Việt nam.
Phóng viên: Được biết sau khi thực hiện chuyến đi xuyên Việt săn ảnh rác, anh đã mở các lớp dạy nhiếp ảnh cho các bạn trẻ. Vậy thì anh có thể cho biết hiện tại thì lớp học của anh có bao nhiêu thành viên và anh muốn truyền tải thông điệp gì tới các bạn trẻ?
- Anh Nguyễn Việt Hùng: Lớp học của tôi từ trước tới nay có rất nhiều trẻ em và các bạn trẻ tham gia học. Và nay là dịp hè nữa nên cũng đông hơn.
Thường với các bạn trẻ tôi cho rằng không có gì truyền tải tốt nhất bằng chính hành động của chúng ta. Và tôi đã làm, đang làm không chỉ để nói tới sức mạnh của nhiếp ảnh mà còn bằng hành động giảm thiểu nhựa dùng một lần mỗi ngày, ngay tại lớp học.
Phóng viên: Thông qua đây, anh có thể nhắn nhủ một điều mà anh tâm niệm nhất tới cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường?
- Anh Nguyễn Việt Hùng:
Chúng ta chỉ có một hành tinh
Chúng ta chỉ có một đại dương
Vì vậy chúng ta chỉ có chung một nhiệm vụ
Đó là nhiệm vụ giảm rác thải nhựa đổ ra đại dương.
Tôi nhận ra 1 điều rằng: Chỉ HÀNH ĐỘNG ta mới có thể làm nên thay đổi.
Và để kết thúc, tôi muốn nếu 1 thử thách để chúng ta có thể hành động. Đó là thử thách một ngày không sử dụng nhựa dùng 1 lần (bao gồm túi ni lông, chai nước, ống hút, cốc nhựa, dao, thìa). Và thách đố tiếp những người thân quen của mình. Tôi mong muốn Việt nam sẽ có ngày không có rác thải nhựa, thế giới có ngày không rác thải nhựa. Nhưng trước hết mỗi chúng ta hãy có cho mình 1 ngày không rác thải nhựa.
Xin cảm ơn anh. Chúc anh tinh tấn!
Duyên Lê