Năm 1964, một lớp chuyên khoa, học về kinh điển, được mở ra với khoảng 80 học tăng được đưa từ Ấn Quang ra Huệ Nghiêm, do quý Hòa thượng Thiện Hoa và Hòa thượng Thiện Hòa chủ trương; Hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Thiền Tâm và Hòa thượng Thanh Từ được mời đảm trách việc quản lý. Qua năm 1965, Phật học viện Huệ Nghiêm chính thức ra đời với 400 học tăng theo học; đến năm 1971 thì được nâng lên thành Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm.
Từ năm 1964 cho đến nay, theo với thời cuộc, Huệ Nghiêm cũng có rất nhiều thay đổi. Thời kỳ đầu, sự phát triển như đã nhắc ở trên. Sau năm 1975, lớp cao đẳng được duy trì một thời gian cho đến năm 1979 thì mãn khóa. Lớp cao học được mở thêm tiếp 3 năm sau đó, rồi quý giáo thọ sư dần vắng mặt gần hết, chỉ còn Hòa thượng Trí Tịnh đứng lớp. Lớp cao học này được duy trì đến năm 1981 thì kết thúc. Sau năm 1981, Phật học viện Huệ Nghiêm trở thành chùa Huệ Nghiêm. Mãi đến năm 2007, khu giới đài và nội viện được xây dựng, các lớp luật được chúng tôi thiết lập, trở thành Luật viện Huệ Nghiêm như hiện nay.
Phật học viện Huệ Nghiêm là chiếc nôi đào tạo ra rất nhiều vị Tăng về sau trở thành giáo phẩm đảm đương trọng trách quan trọng trong Giáo hội, cả ở Trung ương và các tỉnh thành, đương nhiệm hiện nay có như Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự và Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự.
Luật viện mà chúng tôi thiết lập hiện nay, trải qua 9 khóa, với tâm nguyện tiếp nối sứ mạng và chí nguyện giáo dục của quý vị tiền nhơn. Tại Huệ Nghiêm hiện nay, trên pháp lý được tổ chức với hình thức tự viện, tuy nhiên, về nội dung, chúng tôi cố gắng gìn giữ nề nếp của một Phật học viện với sự sinh hoạt, học tập đặc thù. So với thuở sơ khai chỉ là những nếp nhà mái tôn vách lá, Huệ Nghiêm hiện nay đã được kiến thiết khang trang, quy củ hơn với các công trình như chánh điện, giảng đường, giới đài,…
Có được như ngày hôm nay, công lao lớn phải kể đến là ở Hòa thượng Bửu Huệ. Trong sự hình thành và phát triển của Phật học viện Huệ Nghiêm, Hòa thượng đóng vai trò nòng cốt, gắn bó chặt chẽ với Huệ Nghiêm từ ban đầu cho đến ngày nhắm mắt về Phật. Ngài là một vị có đức độ cao trọng, sự tu học hết sức tinh cần và sức nhiếp phục đại chúng rất lớn. Quý thầy lớn ở Huệ Nghiêm trưởng thành cũng là nhờ học và thấm nhuần hạnh nguyện của Hòa thượng thể hiện trong đời sống hàng ngày.
Cũng như trăn trở của Hòa thượng Thiện Hoa rằng ‘chỉ sợ tre tàn mà măng không mọc’, chúng tôi hôm nay luôn cố gắng hết sức mình để nối tiếp sứ mạng giáo dục của chư giáo phẩm tiền bối năm xưa, đào tạo thế hệ Tăng Ni tiếp nối, am tường giới luật, có thực tu, thực học. Đó cũng chính là bản hoài lớn nhất trong cuộc đời của chúng tôi.
Quảng Hậu ghi/Báo Giác Ngộ