Giáo sư Hà Văn Tấn viết về: Mùa An Cư Kiết Hạ & Ngày Rằm Tháng Bảy

Thứ sáu, 09/08/2019, 11:46 GMT+7

Giáo sư Hà Văn Tấn viết về:

MÙA AN CƯ KẾT HẠ (Ở YÊN TRONG MÙA HÈ)

     VÀ NGÀY RẰM THÁNG BẢY (VONG NHÂN XÁ TỘI)

 

     Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ là một mặt của văn hóa. Văn hóa còn bao gồm nhiều mặt khác. Nhưng ngôi chùa cũng không phải chỉ biểu hiện cho tín ngưỡng. Ngôi chùa phản ánh nhiều mặt khác của văn hóa.

An-cu-kiet-ha


     Chúng tôi muốn nói về một ngôi chùa đang sống thật sự giữa các cộng đồng làng xã Việt Nam. Nơi đây "đất vua, chùa làng" mà! Làng Việt Nam là làng của những người nông dân trồng lúa nước, với hai vụ thu hoạch. Sinh hoạt của các ngôi chùa không thể nào tách rời khỏi cái nhịp điệu mùa của làng. Chúng ta biết rằng, trong các ngôi chùa, đều có mùa an cư kết hạ (ở yên trong mùa hè) tức là mùa mà các chư tăng họp nhau tịnh tu trì giới, học tập giáo lý, trong ba tháng không đi ra ngoài. Lễ kết hạ có nguồn gốc từ lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Người ta nói rằng, đức Phật trong cuộc đời hoằng pháp của mình, đã đi nhiều nơi, nhưng đến mùa mưa thì nghỉ lại, chỉ giảng dạy cho các đệ tử gần gũi của mình. Lễ kết hạ là tiếp tục truyền thống đó. Ở Việt Nam, theo các ghi chép, lễ kết hạ đã thấy có từ thời Lý. Trong các chùa Việt Nam, mùa kết hạ bắt đầu vào ngày rằm tháng tư Âm lịch và được kết thúc (gọi là xuất hạ hay giải hạ) vào ngày rằm tháng bảy Âm lịch. Thế nhưng, ngay ở Hà Nội hiện nay, các chùa ở các huyện ngoại thành bao giờ cũng được phép kết hạ muộn hơn một tháng. Lý do thật đơn giản, đó là vì ngoại thành Hà Nội đã là làng quê, mà trong tháng tư, tháng năm thì gặt hái đã xong đâu! Chừng đó thôi cũng đã thấy sự gắn bó giữa ngôi chùa Việt Nam với làng xã Việt Nam.
 
1__1__380292391

 

     Và mùa kết hạ cũng không thể kéo dài. Ngày rằm tháng bảy là ngày lễ quan trọng của Phật giáo, đó là ngày hội (Vong nhân xá tội). Từ thời Lý-Trần đã thấy chép đến ngày lễ này. Lễ Vu Lan được tổ chức dựa vào kinh Vu Lan Bồn (Ullambana) để cầu nguyện cho người chết được siêu độ. Nhưng vì người Việt Nam là những người thờ cúng tổ tiên nên ngày lễ này trở thành có ý nghĩa đặc biệt. Người ta tin là vào ngày đó, linh hồn ông bà cha mẹ hay người thân thích đã chết được xá tội trở về (chỉ được tự do trong một ngày mà thôi!) và con cháu phải bày lễ cúng tế cẩn thận. Ở các chùa thì chư tăng thường làm lễ phóng sinh (như thả tự do cho chim, cá), nhưng đặc biệt là làm lễ chẩn tế cô hồn. Cô hồn là hồn những người chết bơ vơ, không nơi nương tựa, trở về xin "miếng cháo lá đa". Lễ chẩn tế còn gọi là lễ thí thực (cho ăn) là vì vậy. Những áng văn Nôm được truyền tụng như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, được coi là của Lê Thánh Tông, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du đều là lấy cảm hứng từ việc chẩn tế cô hồn ngày rằm tháng bảy.

     (*) Nguồn: Sách Chùa Việt Nam in lần thứ 5, Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự , Phạm Ngọc Long. Nxb Nhà Xb Thế Giới, tr: 46,47

Ý kiến của bạn