Trong cái nhìn duyên sinh của đạo Phật, không có gì được sinh ra một cách ngẫu nhiên, mọi sự đều có nguyên nhân của nó, liên hệ trực tiếp tới hành vi, lối sống hàng ngày của chúng ta.
Không bảo vệ môi trường sinh thái là tác nhân tạo nên sự biến đổi khí hậu và thiên tai
TP.HCM và một số tỉnh thành vừa trải qua một trận mưa lịch sử, ảnh hưởng từ cơn bão số 9. Chỉ một người đi đường bị cây bật gốc đè tử vong, nhưng nhiều nơi chìm trong biển nước, cuộc sống bị rối loạn.
Cơn bão số 9 có đường đi và diễn biến phức tạp, không như dự báo ban đầu của nhiều cơ quan khí tượng. Khi đổ bộ vào nước ta, hoàn lưu của bão ảnh hưởng đến hàng chục triệu người.
Với sự phát triển của khoa học, chúng ta thấy thiên tai không chỉ là chuyện của… “ông trời”, mà liên đới tới con người, trực tiếp là từ lòng tham khai thác nguồn lợi từ tự nhiên, thói quen hưởng thụ… đã làm mất đi sự cân bằng vốn có của thiên nhiên.
Chính sự ích kỷ và lòng tham của con người đã góp sức làm gia tăng sự khốc liệt khó lường của các hiện tượng tự nhiên. Những thảm họa thiên tai gần đây, với tần số xuất hiện ngày càng cao, độ tàn phá lớn hơn đã phản ánh điều đó.
Đã có nhiều cảnh báo, phân tích về hiện tượng trên, nhưng ở nước ta, điều đó dường như vẫn chưa được nhận thức một cách sâu sắc. Chính vì thế, các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái chỉ dừng ở phong trào, mà chưa đi vào nếp sống hàng ngày của người dân.
Chỉ câu chuyện về rác, tại TP.HCM chưa lâu, các công nhân làm vệ sinh các đường cống thoát nước ở một số tuyến đường khu vực trung tâm lấy lên hàng đống rác không tiêu hủy được khiến nhiều người ngỡ ngàng. Không biết có ai trong chúng ta cảm thấy hổ thẹn vì mình đã có phần trong đống rác ấy để ý thức không còn việc ném rác bừa bãi và quyết tâm sử dụng vật liệu thân thiện?
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và có chính sách nhằm điều chỉnh sự phân bố dân cư hợp lý để bảo đảm sự ổn định, an cư lạc nghiệp cho người dân là trách nhiệm của chính quyền. Tuy nhiên, quan trọng không kém, nếu không nói là nền tảng cho sự phát triển, đó là thái độ sống của người dân, ý thức bảo vệ di sản, môi trường sinh thái tự ngay lối sống hàng ngày.
Nó không chỉ là trách nhiệm, hơn thế nữa, trở thành giá trị đạo đức thiêng liêng. Việc giáo dục để cho nhận thức về lối sống này không là một đặc quyền của riêng ai, mà cần sự chung tay, trong đó có các tôn giáo cùng mục tiêu phụng sự nhân sinh.
Với đạo Phật, việc giáo dục nhận thức được thực hiện trước mỗi bữa ăn, qua nội dung quán niệm gọi là “tam đề, ngũ quán”. Những nội dung này đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh chuyển nghĩa gần gũi.
1. Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời, của muôn loài và công phu lao tác;
2. Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này;
3. Khi ăn, xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những tâm hành xấu, nhất là tật ăn uống không có chừng mực;
4. Xin nguyện ăn như thế nào để giảm thiểu khổ đau của muôn loài, bảo hộ được trái đất và chấm dứt những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu bất thường;
5. Vì muốn xây dựng Tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ và chí nguyện độ đời nên chúng con xin thọ nhận thức ăn này.
Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, cần phải có chương trình giáo dục nhận thức lối sống duyên sinh, mới tạo nên nền tảng cho mục tiêu phát triển bền vững, lối sống văn minh nghĩa tình mà thành phố đã đặt ra.
Pháp Hỷ