Đức Tăng như hải

Thứ bảy, 19/10/2019, 15:02 GMT+7

    Đức Tăng như biển, có thể hiểu phẩm hạnh, công đức của chư Tăng lớn như biển cả. Có thể hiểu nước biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp chỉ có một vị là vị giải thoát.

    Nói thế, có người sẽ bảo đây là lời ca tụng biện hộ thái quá, thậm chí có người nói giờ chỉ tin Phật bảo, Pháp bảo, không còn tin nhiều ở Tăng bảo.

    Tăng bảo trong mười phương là tập thể thanh tịnh, không bị ràng buộc bởi một người không thanh tịnh. Tăng bảo vừa là phẩm mạo tăng tướng hữu hình ở thế gian, vừa là nguồn năng lượng của pháp thân vô lượng.

IMG_6038

    Trong kinh điển Nguyên thuỷ có ví Tăng bảo - một tập thể thanh tịnh như nước hồ trong mát. Tỳ kheo không thanh tịnh như người mang bùn đất. Người mang đầy bùn đất ấy lội xuống hồ nước rồi đi lên, không kì cọ tắm rửa, vậy thân thể có hết dơ dáy không?

    Đương nhiên là không! Vậy thân thể vị tỳ kheo kia không hết dơ dáy, lỗi ấy thuộc vị tỳ kheo hay lỗi tại cái hồ nước trong?

    Có người sẽ bảo trách nhiệm của Tăng đoàn là phải chọn người tốt để cho đi xuất gia thì sẽ bớt đi những tỳ kheo dơ dáy. Nhưng khổ nỗi có người ban đầu vào rất tốt nhưng sau lại xấu, có người khi vào xấu nhưng ngày lại thêm tốt hơn lên. Văn tư tu nhiều đời nhiều kiếp và nghiệp lực của mỗi người vốn rất khác nhau, nhân quả mới cũ liên hoản không lường hết được.

    Vì thế trong kinh nói hành nghiệp và môi trường cũng có tương quan. Nhưng với một người dính đầy bùn dơ muốn xuống hồ tắm, không cái hồ nào lại bảo người đó hãy về nhà tắm rửa sạch sẽ trước đi rồi hãy xuống tắm hồ này.

    Nếu thế hồ này không phải hồ gạn đục khơi trong, không phải là nơi chứa nước công đức gột rửa tam nghiệp.

    Người xuất gia hoàn tục sớm giống như người dính đầy bùn đất vừa lội xuống hồ đã vội đi lên. Người xuất gia hoàn tục muộn như người trầm mình xuống hồ nhưng không kì cọ bùn đất, thân thể chưa sạch đã vội đi lên...

    Người xuất gia thanh tịnh thì sẽ đồng nhất với hồ nước mát trong, có công năng làm sạch hết bụi bặm, xa lìa cấu tịnh. Vì thế Tăng bảo còn có ý nghĩa là Đức, là Lực, là Niệm là xuất thế gian.

    Hiểu được tính của nước vốn là hoà, là rửa trôi, là làm sạch..., thì sống trong đức Tăng mới hưởng được vị của giải thoát, an lạc vậy!

    P/s: Với cá nhân người viết Tam bảo là tự lực cũng là tha lực, là ảnh tượng Phật, là ban thờ, mỗi khi trong tâm khởi niệm tham sân si, quỳ trước Tam bảo, khởi niệm sám hối, sẽ lấy ngay lại được quân bình nơi thân tâm. Chỗ nào không có ảnh tượng ban thờ thì hướng về nơi có ánh sáng, quán tưởng đạo tràng thánh chúng mười phương, hướng tâm sám hối, tâm tĩnh lại thì thân sẽ an. Tâm tĩnh thì dưỡng thần, thân động thì lợi khí. Cứ đem nguyên tắc ấy mà điều chỉnh động tĩnh thì sẽ nhanh lấy lại quân bình thôi ạ!

    Nguồn: Thích Thanh Thắng

Ý kiến của bạn