ĐỨC PHẬT DẠY NHỮNG QUY TẮC TRONG KINH DOANH
Trích bài phát biểu của đại đức Thích Trí Chơn trong một hội thảo về kinh doanh
Có một lần đức Phật đang đi khất thực, một bác nông dân chặn đường lại hỏi. Này ông thày.Tôi là một nông dân, mỗi ngày phải lam lũ bán mặt cho đất bán lưng cho trời để có được hạt lúa để ăn. Ông ngày nào cũng đi hết xóm này, nhà nọ. Lo mà về đi cấy cầy mà ăn.
Đức Phật mỉm cười: "Thưa ông tôi đang là nông phu, tôi đang đi cầy cấy đây."
Người nông dân hỏi. Ông là nông phu thế thì con trâu của ông đâu? Cái cầy đâu? Phân bón cuả ông đâu?
Đức Phật nói: tâm tôi là mảnh đất, trí tuệ của tôi là cái cầy. Sự nỗ lực không mệt mỏi của tôi là con trâu và lòng từ bi là hạt giống. Mỗi ngày ông đi cày đi cấy, giạ lúa ông có được là để nuôi thân và nuôi gia đình. Còn hạt giống tôi cày cấy đêm ngày là để xoa giải tình thương đến tất cả mọi loài, mọi chúng sinh, giúp mọi người được thương yêu nhau, dẹp bỏ những tham lam sân hận và ghen ghét. Gột rửa nhiững uế tâm, những mê lầm có trong tâm thức để đem lại cuộc sống bình an thịnh vượng cho xã hội đầy phiền não này. Khi nghe đức Phật nói như thế thì bác nông dân sững lại và xin làm đệ tử. Từ mấy nghìn năm trước đức Phật đã xuất hiện và cứu chữa tâm thức của những con người có tâm hồn đang bị ô nhiễm. Trong xã hội hiện đại hôm nay thì tâm thức con người càng bị ô nhiễm trầm trọng hơn. Do vậy, đạo giác ngộ cần được nâng cao hơn nữa trong việc tháo gỡ niềm đau và dựng lên những tình cảm tốt đẹp của xã hội mà con người do thiếu chánh niệm tỉnh giác gây ra.
* Nguyên tắc thứ nhất phải GIỮ TÂM TRONG SÁNG. Có một lần Bạch Cư Dị là một thi sĩ nổi tiếng của đời Đường đến tham vấn với thiền sư Ô Sào. Bạch Cư Dị nói: thưa thày. Thày hãy nói một cách vắn tắt cho tôi biết là toàn bộ hệ thống tư tưởng giáo lý mà thày đang theo là cái gì. Ô Sào thiền sư mới nói: " Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo". Nghĩa là: Không làm những điều ác. Chỉ làm những việc lành. Giữ tâm trong sáng. Đó là lời Phật dậy. Thì lúc đó Bạch Cư Dị mới nói: Câu nói của thày đứa tám tuổi cũng nói được. Thiền sư trả lời: Thưa ngài, đưa tám tuổi nói được nhưng mà người tám chục tuổi chưa chắc đã làm xong. Cốt lõi của bài kệ này là ở chỗ giữ tâm trong sáng. Bởi vì điều ác thì ai cũng tránh xa. Điều thiện thì ai cũng mong làm. Nhưng mà làm với hai tâm hoàn toàn khác xa. Những con người, những nhân vật tham nhũng siêu lừa lọc luôn luôn là những con người khuôn vàng thước ngọc cho đến trước khi tâm ô nhiễm bị đưa ra ánh sáng. Do đó tâm trong sáng là yếu tố hàng đầu và cực ky quan trọng. Những con người tạo ra đồng tiền luôn phải tiếp cận với tài chánh với tiền tệ. Có người sẽ đặt vấn đề nếu mà nói tinh thần đạo Phật là giữ tâm trong sáng thì phải phơi bầy hết sự thật hàng hóa của mình thì làm sao kinh doanh. Đây là câu hỏi được đặt ra ở nhiều nơi. Xin thưa. Kinh doanh không phải buôn bán một lần rồi trốn khỏi cuộc đời này. Nếu buôn bán lâu dài chúng ta phải khẳng định uy tín của mình, khẳng định được chất lượng hàng hóa của mình và mình phải bảo đảm chất lượng hàng hóa. Có những doanh nghiệp trên thế giới tồn tại hai trăm năm, ba trăm năm với uy tín rất cao là nhờ chất lượng hàng hóa. Nếu chúng ta kinh doanh theo dạng ăn xổi ở thì thì chúng ta chỉ bán được một lần duy nhất rồi tên tuổi uy tín của chúng ta cũng đi theo món hàng đó.
* Nguyên tắc thứ hai là TỰ LỢI VÀ LỢI THA. Tự lợi là làm lợi cho bản thân mình. Lợi tha là làm lợi cho tất cả mọi loài và mọi người. Nếu phương pháp kinh doanh mà đôi bên cùng có lợi, đây là phương pháp bền vững tốt đẹp. Còn kinh doanh mà ta có lợi và người có hại thì kinh doanh khômg tồn tại lâu dài. Trong tương quan vi khởi. Sự tồn tại của mình đặt trên sự tồn taj của người khác. Trong kinh A Hàm có câu:
"Nhược thử hữu tắc bỉ hữu
Nhược thử sinh tắc bỉ sinh
Nhược thử vô tắc bỉ vô
Nhược thử diệt tắc bị diệt."
Có nghĩa là A có thì B có. A không thì B không. A sinh thì B sinh. A diệt thì B diệt. Với câu kinh này cho ta một công thức sống là sự tồn tại của anh chính là sự tồn tại của tôi. Và sự thất bại của anh cũng chính là sự thất bại của tôi. Nếu soi sáng bằng tuệ giác ta sẽ thực tập câu kinh này và thấy rõ rằng giá trị cuả cuộc sống đôi bên cùng có lợi là vô cùng cao quý. Nó còn quý hơn cả cái tư lợi mà chúng ta có được nếu học thuộc lòng quy tắc này chúng ta sẽ không phải mất ăn mất ngủ. Chúng ta sẽ đỡ khổ rất nhiều. Bởi vì trong nghề nghiệp kinh doanh ta chỉ thấy thương trường là chiến trường. Và chính vì thế chúng ta không mệt mỏi quyết tử cho lợi nhuận quyết sinh. Chính vì thế mà chúng ta mệt nhiều, chúng ta khổ nhiều, chúng ta cân não quá nhiều. Chúng ta biết rằng nền kinh tế của các nước Âu Mỹ hiện nay quá quen thuộc với phương châm tất cả cùng thắng. Trong khi đó phương châm của ta đang như là thánh kinh là "thương trường là chiến trường". Cho nên chúng ta mệt mỏi là vậy. Và sân chơi WTO để tạo ra cho thế giới đó cũng là một cách để mà công bằng kinh tế và tạo sự hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực để đem lại tất cả cùng thắng. Nếu chúng ta áp dụng phương pháp thương trường là chiến trường không chỉ lỗi thời mà chúng ta đánh mất những cái to tát hơn, lớn lao hơn. Kể cả trong kinh doanh chúng ta sẵn sàng sát phạt nhau và chúng ta loại trừ nhau. Chúng ta mất đi tình thân của bạn bè, quyến thuộc.
* Nguyên tắc thứ ba là PHƯƠNG TIỆN VÀ CỨU CÁNH. Mục đích cuối cùng của lợi nhuận kinh tế là để phục vụ cho nhu yếu cuộc sống. Như vậy mục đích của vật chất chỉ giúp đem lại an vui, hạnh phúc mà không phải mục đích của vật chất là an vui, hạnh phúc. Không ít người đã đồng hóa vật chất với niềm vui và hạnh phúc, an lạc. Cho nên ta bị vật chất chi phối một cách rất nghiêm trọng. Trong khi niềm hạnh phúc chân thật của chúng ta là gì? Là sống cho sâu sắc với chính ta, với những người mình yêu thương và với hoàn cảnh với cuộc sống quanh ta. Chúng ta có được mấy giờ, mấy phút để sống thảnh thơi, để sống an lạc với bản thân mình với những người mình yêu thương. Nhiều khi cả tháng không gặp được vợ, không gặp được con. Chúng ta mải mê với công việc. Một bữa ăn mấy chục cuộc gọi điện thoại. Hóa ra chúng ta không ăn cơm mà ăn điện thoại. Chúng ta không có thời gian để nhìn lại chính mình để thấy được trời xanh mây trắng nắng vàng. Không có cơ hội để ngắm mẹ mình, vợ mình và những đứa con thân yêu của mình. Và nếu chúng ta không tận hưởng được những tình cảm thân yêu của mẹ, của vợ, của con làm sao chúng ta có được hạnh phúc chân thật. Không biết ai đó đã nói một câu:
"Có tiền ta có thể mua được nhà nhưng không mua được tổ ấm. Có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian.
Có thể mua được gường nhưng không mua được giấc ngủ. Có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe. Có thể mua được địa vị nhưng không mua được sự trọng nể."
* Nguyên tắc thứ tư là TÍNH VÔ THƯỜNG. Vạn vật luôn chuyển biến không ngừng nghỉ. Có những chuyển biến tạo nên sự hình thành, sự hun bồi, sự gây dựng và cũng có những sự chuyển biến mang tính phá vỡ, đạp đổ. Nhưng nếu nhìn một cách xuyên suốt trong dòng đời thì ta sẽ thấy rằng sự hình thành nào mà không đi đến tan vỡ và sự sụp đổ nào mà không hình thành nên cái mới. Ta thường vui sướng với cái ta gọi là được nhưng mà ta hay tắc cổ với những cái ta mất. Điều đó là dĩ nhiên. Nhưng mà, nếu chúng ta đau khổ quá, chúng ta tuyệt vọng quá đến nỗi tìm đến cái chết thì hết sức đáng tiếc. Chúng ta hãy nhìn cậu bé đang xây thành giữa biển. Cứ mỗi lần cậu xây xong thành bằng cát thì sóng vỗ òa lên cậu ta hí hửng cười và tiếp tục xây mới. Chúng ta không đủ can đảm để cười bởi vì trò chơi của chúng ta quá lớn, chúng ta đầu tư quá nhiều thời gian nay bị đánh đổ chúng ta không đủ can đảm để cười nhưng ít ra chúng ta phải đủ bình tĩnh đủ can đảm để gây dựng nên cái mới. Cái vật chát chúng ta có thể tạo được nhưng sự sống của chúng ta không có cơ hội để sống lần thứ hai. Tính vô thường chúng ta phải thấy được hai mặt và chúng ta phải hiểu được bản chất của vấn đề. Vô thường để hủy hoại và vô thường cũng để hình thành.
* Nguyên tắc thứ năm là TÍNH NHÂN QUẢ. Nhân quả là quy luật tồn tại khách quan trong cuộc sống, không do bất cứ một ai tạo dựng. Đức Phật là người phát hiện ra qui luật nhân quả nhưng không phải là người tạo dựng ra luật nhân quả. Khi một người hiểu và tin vào luật nhân quả thì người đó sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Và nếu chúng ta ý thức một cách sâu sắc về quy luật nhân quả, chúng ta sẽ tránh được những sai lầm có thể xẩy ra. Luật pháp của xã hội là ngăn chặn cái phần ngọn đem lại công bằng xã hội khi hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng không thể ngăn chặn tội lỗi trong tâm thức của mỗi con người. Có một doanh nhân một lần đến với đức Phật và ông ta nói: Thưa ngài Cồ Đàm. Những người đời như chúng tôi là người có phước báu đi trên con đường lành và làm những điều chân chính. Chúng tôi có sự nghiệp, chúng tôi kinh doanh, chúng tôi làm công tác tổ chức và đầu tư tâm nguyện vào sự nghiệp của chúng tôi.Trong khi đó các ông thày không có sự nghiệp, không có công tác, không có đầu tư trí tuệ, quả báo chắc không có gì. Đức Phật nói. Vấn đề không phải sự nghiệp lớn hay nhỏ, không phải là người đời hay người tu mà cái chính là người đó hành động chân chính hay bất chính. Nếu người đó hành động chân chính thì sẽ có quả báo tốt đẹp và hành động bất chính thì quả báo tồi. Cho nên tôi muốn thưa với quý vị rằng. Doanh nhân là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng đất nước. Hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Doanh nhân làm việc với tâm trong sáng, làm việc lợi mình, lợi người, thấy được cái chân, cái giả, thấy được những quy luật và những chuyển biến của cuộc đời và ứng dụng cái thấy vào trong cuộc sống thì chúng ta sẽ có được nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc. Ngược lại, cho dù hiệu quả công tác chúng ta tốt, thành quả chúng ta đạt được rất là cao nhưng nếu mình không có được cái an lành trong nội tâm, không thấy được bản chất cuộc đời, lấy giả làm chân, lấy phương tiện làm cứu cánh thì doanh nhân suốt cuộc đời mãi mãi là NGƯỜI NGHÈO: NGHÈO TÌNH THƯƠNG, NGHÈO HẠNH PHÚC, NGHÈO NIỀM VUI trong gia đình và cuộc sống của mình.