Đôi điều về chuyện cúng sao, giải hạn

Thứ bảy, 02/02/2019, 20:29 GMT+7

       Có bạn trẻ hỏi: Con nghe quý thầy giảng pháp là người có chánh kiến thì không nên cúng sao giải hạn, mà đầu năm chỉ cần lên chùa dự lễ cầu an, tụng kinh Dược Sư thì mới là đúng pháp. Nhưng thực tế con thấy có nhiều chùa những ngày đầu năm (khoảng từ mùng 8 đến rằm) vẫn làm lễ cúng sao giải hạn cho những ai đến ghi danh. Theo thầy thì con có nên cúng sao hay không?

cungsao.jpg

       Chưa tới Tết mà chúng ta có vẻ “lo lắng” về việc cúng sao giải hạn rồi. Tôi nghĩ vấn đề này quý thầy trụ trì các chùa thừa biết việc cúng sao chỉ là “phương tiện”. Những năm gần đây, tôi nhận thấy khá nhiều chùa (cả 3 miền) đều quyết tâm (bản lĩnh) bỏ tập tục cúng sao, giảm bớt việc đốt vàng mã, đây là một tín hiệu tốt, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều chùa chưa mạnh dạn bỏ được. 

       Đức Phật có dạy (trong kinh Tiểu bộ, tập 4, HT. Thích Minh Châu dịch):

“Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hỏng điều lành,
Ðiều lành chiếu điều lành,
Sao trời làm được gì?”.

       Trong quyển "Mê tín, chánh tín", HT.Thích Thanh Từ có nói: “Lệ cúng sao hạn, thật là lạc hậu lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng! Tục lệ các chùa quê, vào ngày mùng chín tháng Giêng là cúng sao Hội. Người Phật tử nào không gửi tên cúng sao, xem như năm ấy không được bảo đảm an ninh. Song người chủ cúng sao cho quý vị, có bảo đảm an ninh chưa? Có lẽ quý vị ấy quên ghi tên mình trong bài sớ cúng sao chớ gì? Thật là vô lý, đạo lý nhân quả đức Phật dạy rành rành trong kinh, mà người ta bất chấp. Thân tổng báo của chúng ta có lẫn lành với dữ, khi nhân lành đến thì hưởng quả lành, khi nhân dữ đến thì chịu quả dữ, không thể chạy trốn được. Chỉ có tạo nhân lành nhiều, khi quả dữ đến sẽ nhẹ đi hay giảm bớt”.

       Nhà nghiên cứu Trịnh Sinh thì cho rằng: “Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.(...). Trong đạo Phật không có dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, vẫn có một số ít chùa, nơi người dân chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải (gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng)”. (Trích trong bài viết “Không có nghi lễ dâng sao giải hạn trong giáo lý nhà Phật” đăng trên báo Vietnamnet).

       Đại đức Chúc Phú với bài viết “Khảo sát về tín niệm cúng sao giải hạn” có nêu rõ nguồn gốc của tục cúng sao: “Bà-la-môn giáo là một tôn giáo đa thần (ở Ấn Độ). Trăng sao đối với người Bà-la-môn là những vị thần có năng lực đặc biệt. Trong vô vàn những vì tinh tú, trăng sao, thì niềm tin vào chín vị sao, Phạn ngữ gọi là Navagraha, Trung Hoa dịch là Cửu diệu, là một tín niệm có lịch sử hình thành rất sớm, có cơ sở lý luận rõ ràng và hiện còn được tiếp tục duy trì tại một số khu vực ở Ấn Độ.

       Theo cách hiểu xưa nay, khi bàn về thờ tự trăng sao, cụ thể là tín niệm cúng sao giải hạn, phần lớn đều cho rằng đó là một tín niệm có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên, căn cứ theo William Monier, William Edward Soothill, thì tập tục phụng cúng các vì sao cũng như quan điểm về chín vị sao (Cửu diệu) vốn có mặt từ lâu trong triết học về thiên văn và ngành chiêm tinh của Ấn giáo. (...)

       Đức Phật đã chỉ rõ: Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu. Nghiệp có thể thay đổi. Con người hoàn toàn có thể làm chủ vận mạng của mình, thông qua những nỗ lực chuyển hóa bản thân mà không phải cầu xin một vị thần thánh, hay phụng cúng một vì tinh tú nào. Đó là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa Phật giáo và các triết phái tư tưởng tôn giáo khác tại Ấn Độ nói chung và Bà-la-môn giáo nói riêng”.

       Nói thật thì hay mất lòng, tôi xin kết lại bằng lời kinh xưa mà Đức Phật đã căn dặn:

“Môn đệ của ta sẽ không ếm bùa chú,
không giải mộng, không chiêm tinh, 
không đoán lành dữ từ tiếng thú kêu, 
không làm phép chữa bệnh, hay trị vô sinh”. 

(trích "Tuvataka Sutata" Kinh Lối đi nhanh chóng).

       Mong mọi người luôn vững đạo tâm, tìm hiểu thấu rõ hơn pháp Phật, để hạn chế niềm tin lệch lạc.

                                                                                                                                                                 Thích Nhuận Thường

Ý kiến của bạn