Đi chùa hãy hiểu đúng về đạo Phật

Thứ hai, 11/03/2019, 04:40 GMT+7
       Xuân đến, người dân Việt Nam thường có phong tục đi lễ chùa. Đó là sự độc đáo trong văn hóa nước ta, nhưng ngày nay, không ít người có những tư tưởng sai lệch về việc đi lễ chùa, dẫn đến hiểu sai về đạo Phật. Vậy điều chúng ta cần làm là hãy đến lễ chùa cùng với lòng hướng Phật và hiểu đúng về đạo Phật, nhìn nhận lại bản thân.

dichuadauxuan.jpg
Đi chùa đầu xuân tại chùa Quán Sứ - Hà Nội

       Tôi nhớ một lần đến chùa, có đoàn người mang theo rất nhiều lễ, họ cầu tiền tài địa vị to đến mức ai cũng nghe thấy. Sau đó, có thầy đến khuyên nhắc nên họ đã hiểu ra. Đây là quan niệm hết sức sai lầm, từ hiểu sai dẫn đến có hành động sai và kéo theo người khác cùng sai. Chùa không phải là nơi xin tài xin lộc, cũng như xin bất cứ tư lợi nào khác. Nhiều người đến chùa để mong muốn Đức Phật sẽ ban cho nhiều tiền hay có chức tước cao. Thậm chí nhiều người còn vung tiền lẻ đặt lên các bàn lễ bừa bãi, tạo hình ảnh xấu, đi ngược lại tư tưởng của đạo Phật. Trước tình trạng đó, nhiều ngôi chùa đã phải thông báo đến Phật tử, du khách không nên rải tiền lẻ để giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của chùa.

       Việc hiểu sai về Đức Phật như một vị thần có khả năng ban phát bất cứ điều gì đã khiến cho lượng người lễ chùa đông đảo hơn. Nhưng người đi lễ chùa cần phải hiểu rằng chính tư tưởng, giáo lý nhà Phật mới là điều chúng ta cần học tập và noi theo. Những tư tưởng đó mới là giá trị thực chất trong cuộc sống, chứ không phải là chúng ta thu được gì khi đi lễ chùa. Lòng thành là điều mà chúng ta luôn hướng tới, chứ không phải mưu cầu lợi ích cho bản thân.

       Một việc hiểu sai nữa về đạo Phật chính là so sánh giữa chùa này với chùa khác, nơi đâu thiêng hơn, nơi đâu cầu xin được nhiều tiền tài, vật chất hơn. Dù là chùa nào cũng  đều thờ Đức Phật nên không thể so sánh Phật ở chùa này với Phật ở chùa kia, bởi sự từ bi hỷ xả của Đức Phật để phổ độ chúng sinh, không thiên vị nơi đâu. Suy nghĩ sai rồi lặn lội mang lễ vật cầu cúng chỉ để mong xin được nhiều hơn không phải là tư tưởng của Phật tử thực sự.

       Ngày nay, những quan điểm của nhà Phật càng thể hiện rõ hơn với mọi người thông qua các công nghệ hiện đại, phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đó là một điều đáng mừng với tất cả chúng ta - những người có tấm lòng hướng Phật. Những tư tưởng lớn của Đức Thích Ca Mâu Ni luôn được chúng ta tự nhắc nhở trong lòng, chứ không phải là thứ để thể hiện, để ra oai với người khác. Chẳng hạn như khi ta thành tâm đi lễ chùa, xong lại còn chụp ảnh, khoe khoang trên mạng xã hội rằng “Hôm nay em đi mấy chùa đấy, mặc bộ quần áo mới đấy, em đã ủng hộ chùa nhiều lắm”. Đó không phải là những gì chúng ta nên làm, bởi chúng ta đi chùa bằng sự thành tâm, cầu nguyện chân thành chứ không phải cúng tặng chùa tiền bạc để rồi mong sự nổi tiếng, hay chỉ để lấy cái danh. Lời Đức Phật khuyên răn chúng ta hướng thiện, siêng làm việc tốt tu nhân tích đức, cũng là để giúp đời, tự nhiên chúng ta sẽ nhận lại những việc tốt đẹp, chứ đâu phải làm việc tốt chỉ để lấy danh, rồi từ danh để kiếm lợi.

       Đất nước Việt Nam ngày nay đang trong giai đoạn phát triển. Sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã khiến cho việc lan tỏa những tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo được dễ dàng hơn trong cộng đồng. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy, tải từ trên mạng những đoạn video, audio về kinh Phật, về các buổi giảng pháp. Tuy vậy, cũng chính vì sự tương tác và liên kết giữa con người trở nên dễ dàng hơn mà nhiều tư tưởng sai lệch về đạo Phật xuất hiện, âm thầm len lỏi trong nhân dân. Tác động của cuộc sống vật chất, đặc biệt là sự kém hiểu biết, tâm lý đám đông đã làm tư tưởng Phật giáo bị hiểu sai lệch trong một số người, dẫn đến hành động lệch lạc, ảnh hưởng không nhỏ đến tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc. 
 
       Như vậy, chúng ta cần nhìn nhận lại bản thân xem mình đã hiểu sai điều gì, rồi tự sửa sai và nói với người khác để họ sửa chữa lại, có thể dùng kết nối nhanh của mạng xã hội để lan truyền những điều tốt đẹp, đúng đắn của đạo Phật.

Đinh Thành Trung

Ý kiến của bạn