Một lễ cưới được thực hiện tại chùa - Ảnh minh họa
Chuyện cưới hỏi: thoát lối mòn
Mình sống càng đơn giản thì đời mình càng thanh thản, theo đó, việc cưới hỏi của chúng ta cần “đơn giản hóa” để tiền bạc và thời gian được sử dụng đúng nơi, đúng lúc, đúng việc.
Thứ nhất, trang phục chụp hình, đám hỏi, đám cưới của chúng ta thuần Việt với áo dài, bà ba giản dị chứ không cần Âu phục - soa-rê, comple cưới hoặc sườn xám Trung Hoa cầu kỳ. Trang phục dùng xong trong đám cưới chúng ta còn tái sử dụng được hoặc biếu tặng vẫn còn giá trị, mà lại không tốn kém với ước mơ hoang phí “chỉ để nổi bật một lần trong đời”.
Thứ hai, nếu chồng đã có tiền đi hỏi vợ rồi thì chúng ta đâu cần phải nhận phong bì mừng đám của người khác nữa. Hạnh phúc bền vững của chúng ta được đặt trên chính đôi vai, bàn tay, trí óc của mình. Hạnh phúc cá nhân cũng tương quan hạnh phúc tập thể, chúng ta đã nợ thế gian này nhiều rồi, từ cái ăn - cái mặc - nơi ở - và cả sự có mặt của chúng ta lúc này... thì vợ chồng mình không nên mượn nợ thêm nữa (dù trong đời sống hôn nhân, người ta khỏa lấp từ “mượn nợ” bằng từ “tiền mừng”).
Thật ra, chúc mừng có nhiều hình thức, đâu chỉ nhất nhất là tiền, phải không chồng? Họ có thể chúc mừng chúng ta bằng lời nói dễ thương, từ tâm hoặc hành động dễ thương như làm thiện nguyện, phóng sanh... và hướng tâm gửi phúc lành đến cuộc hôn nhân này.
Thứ ba, tiệc cưới không đãi đồ mặn, chỉ món chay, vừa đủ dùng, không thừa thãi. Không phải vợ keo kiệt, mà vì ngày vui của chúng ta mà giết sinh mạng của kẻ khác để thết đãi nhau rồi đòi hạnh phúc mãi về sau, vợ thấy có điều gì đấy rất sai. Cho nên, chỉ ai thật sự thương chúng ta, thì dành thời gian quý báu đến chung vui, chúc phúc từ tâm, như một buổi họp mặt ấm cúng của một gia đình nhỏ, không xô bồ, hoạt náo “một trăm phần trăm”...
Thứ tư, vợ không cần hình cưới chụp kiểu “gà công nghiệp”, tốn vài chục triệu “hành xác” ngoài nắng, rồi tàn tiệc cưới, album bị quăng vô một xó xỉnh trong nhà. Thay vào đó, mình về quê nội - ngoại hai bên, bởi trong tình cảm lứa đôi cần có sự chứng kiến của cả dòng tộc, tổ tiên - sợi dây kết nối càng khắng khít...
“Đầu tư” cho con cái
Người ta rất coi trọng việc hùn hạp, đầu tư làm ăn, sợ thua lỗ, đến mất ăn mất ngủ, trong khi việc sinh con và nuôi dạy con trong hôn nhân, mới là sự hùn hạp lớn nhất trong đời mỗi người, không thể xem thường được.
Đứa con là một “tác phẩm sống: một con người, một cá nhân” - từ này vợ mượn của BS Đỗ Hồng Ngọc, trong cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng. Cho nên để tạo dựng “tác phẩm sống” này thành công, chúng ta phải trang bị, học hỏi rất nhiều, chứ không chỉ giao phó cho bản năng.
Chúng ta đều là những con người với đầy dẫy các khiếm khuyết, cho nên “tác phẩm sống” của chúng ta chắc chắn không thể hoàn hảo được. Điều này thúc đẩy chúng ta, nếu muốn con mình hoàn thiện, chúng ta cũng cần học tập để hoàn thiện chính mình từng ngày, bằng việc: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu hay sử dụng các chất kích thích.
Và cuối cùng, chỉ cần chồng tử tế!
“Tử tế” có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé”.
Người mà vợ muốn chồng tử tế đầu tiên là chính chồng, tiếp theo là người sanh thành ra chồng, và sau nữa là tất cả mọi người, môi trường xung quanh, trong đó có vợ.
Mộc Mộc
Địa chỉ: 419/11 Cách Mạng Tháng 8, Phường 13, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0918 205 182 - Email: buudapagoda@gmail.com