Phật giáo là một tôn giáo ngày càng được nhân loại đón nhận một cách rộng rãi. Từ Ấn Độ, Phật giáo lan truyền khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt ở các nước Á Đông, Phật giáo ăn sâu vào văn hóa bản địa, trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc cho toàn bộ đời sống tinh thần của người dân. Hiện nay, Phật giáo đã lan dần tới các quốc gia phương Tây và để lại ấn tượng mạnh mẽ cho nền văn hóa này.
Điều gì khiến Phật giáo có một sức sống và lan tỏa mạnh mẽ trong suốt hơn 25 thế kỷ như vậy. Để làm được điều đó Phật giáo có những đặc trưng như sau:
Không như một số các tôn giáo khác, lịch sử truyền bá Phật giáo là lịch sử vì mục đích hạnh phúc đích thực của con người. Chính vì vậy, nơi đâu có Phật giáo đi qua, nơi đó chưa từng có những hành vi cưỡng bức, bạo hành, tàn sát hoặc bằng thức này, hoặc bằng hình thức khác, nhằm mục đích lôi kéo tín đồ.
Ngay từ khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã đi qua nhiều xứ sở khác nhau của Ấn Độ lúc bấy giờ để thuyết phục, soi sáng và khai mở tâm trí cho tín đồ, thậm chí cả những người lãnh đạo đồ chúng của các hàng “tà giáo”, “ngoại đạo” bằng lẽ phải và lòng từ bi. Chưa bao giờ Đức Phật có một lời khiếm nhã để nhục mạ người khác, dù người đó có những quan điểm bất đồng, thậm chí hành vi thóa mạ Ngài. Nhân cách của đức Phật là nhân cách của một người vĩ đại, sống và làm chủ hoàn toàn tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của bản thân mình.
Từ Ấn Độ, Phật giáo truyền sang các quốc gia khác cũng bằng con đường hòa bình. Chưa từng có một cuộc chiến tranh tôn giáo nào trên con đường truyền bá của Phật giáo suốt gần 3.000 năm qua. Đơn giản vì bản chất của Phật giáo là tôn giáo hòa bình, từ bi, không làm hại bất kỳ chúng sinh nào khác. Người ta đến với Phật giáo bằng tâm thức tự nguyện, muốn dấn thân vào con đường hoàn thiện đạo đức, thiền định và trí tuệ. Do đó, mọi hành vi vi phạm vào các nguyên tắc đạo đức Phật giáo như cưỡng bức, ép buộc, sát hại… vốn rất xa lạ với truyền thống truyền bá của Phật giáo.
Hiện nay, trên thế giới, nhiều tôn giáo đã và đang dùng nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích thu hút, thậm chí lôi kéo tín đồ. Trong chiều hướng đó, nhiều người cho rằng Phật giáo thiếu hẳn chủ trương chống lại, hay ít nhất cũng làm chậm lại quá trình này. Tuy nhiên, trên thực tế, Phật giáo không cần phải có những chủ chương chống lại bất kỳ một tôn giáo nào trong chiều hướng thu hút và lôi kéo tín đồ. Mọi chủ trương chống lại bất kỳ nào đó đều khiến cho Phật giáo không còn giữ đúng bản chất. Phật giáo đến với con người bằng giá trị chân thật và tinh thần cao thượng của mình.
Khác với các tôn giáo khác, Phật giáo không tô hồng hay bôi đen thực tại, mà luôn nhìn nhận nó một bằng cái nhìn khách quan. Cái nhìn đó khái quát thành chân lý, rằng khổ đau hay không toại nguyện là một trong các biểu hiện phổ biến nhất của cuộc đời.
Trong Tứ đế – giáo lý nền tảng của Phật giáo, Đức Phật đề cập tới Khổ đế hay chân lý về sự khổ như là biểu hiện phổ biến của cuộc đời; nhưng đồng thời đức Phật cũng đề cập tới Diệt đế hay Niết bàn, tức trạng thái an lạc, hạnh phúc chân thật. Bản chất của Phật giáo là nhìn nhận khổ đau như là một thực tại và vượt thoát nó bằng con đường hoàn thiện đạo đức – thiền định và trí tuệ.
Là người con Phật chân chính, ta cần nhận thức rõ vấn đề để không rơi vào tình trạng nghi hoặc, rồi từ đó thiếu những nỗ lực cần thiết để hoàn thiện đạo đức, thiền định và trí tuệ như là con đường đưa tới đời sống giác ngộ, giải thoát mà Đức Phật đã tự thân chứng đắc và giới thiệu tới chúng ta.
Niềm tin là một vấn đề quan trọng trong giáo lý của các tôn giáo. Phật giáo cũng đề cập tới niềm tin như là yếu tố tiên quyết của việc hoàn thiện nhân cách, đạo đức con người. Trong các yếu tố đưa tới giác ngộ, niềm tin hay tín đóng một vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói không có niềm tin thì những nỗ lực của chúng ta trên con đường tu học, phát triển đời sống đạo đức thực sự rất khó đi đến kết quả mong muốn.
Tuy nhiên, niềm tin của Phật giáo không phải là thứ niềm tin mang tính chất phó mặc, bắt buộc con người phải tin theo một cách thiếu cân nhắc hay mù quáng. Niềm tin trong Phật giáo luôn đi kèm theo sự thể nghiệm thực tế bằng cái nhìn chân chính. Nói cách khác niềm tin của Phật giáo luôn luôn đặt trên nền tảng trí tuệ, tức phải cân nhắc, thẩm thấu, quan sát tường tận trước khi tin bất kỳ điều gì liên quan tới con đường đưa tới giác ngộ, giải thoát. Nếu chưa được cân nhắc, thẩm thấu và quan sát thì dù điều đó là điều gì, do truyền thống để lại hay bất kỳ một người nào nói, kể cả vị đạo sư của mình cũng không nên tin.
Đặt niềm tin trên nền tảng trí tuệ không chỉ là sự khác biệt giữa giáo lý Đức Phật và giáo lý của các tôn giáo, giáo phái khác ở Ấn Độ thời bấy giờ mà còn là sự khác biệt giữa đức giáo lý Phật giáo và giáo lý của các truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay. Niềm tin đó mang tới cho con người một sự lựa chọn chính đáng trên nền tảng nhận thức của chính bản thân mình. Nhờ đó, con người không bị rơi vào các hố sâu tín điều hay các chủ nghĩa, hoặc bằng hình thức này, hoặc hình thức khác. Đặt niềm tin trên nền tảng trí tuệ như thế, Phật giáo giúp con người xác lập một niềm tin chân chính, hướng thượng, dấn thân vào các hoạt động ích lợi cho cá nhân và cộng đồng cả về phương diện vật chất lẫn đạo đức, tinh thần.
Hướng con người tới đời sống tỉnh thức là mục tiêu cao nhất của Phật giáo. Tỉnh thức tức làm chủ bản thân mình trong mọi hoàn cảnh, không bị bất kỳ một thứ gì trên cuộc đời này chi phối, khiến cho tâm bất an, loạn động. Bản chất của đời sống tỉnh thức chính là chánh niệm.
Chánh niệm giúp con người sống ý thức với từng trải nghiệm đi qua cuộc đời của mình, và như thế giúp con người có trách nhiệm hơn với giây phút hiện tại của đời sống. Trong Phật giáo, có thể có nhiều truyền thống khác nhau, nhưng tất cả các truyền thống đều đặt pháp tu của mình trên nền tảng chánh niệm. Nhờ yếu tố chánh niệm mà đời sống tỉnh thức của hành giả được duy trì, trở thành nền tảng cho sự giác ngộ, giải thoát như là mục đích tối hậu mà Phật giáo hướng đến.
Phật giáo tồn tại và ngày càng tiến sâu vào đời sống con người là vì Phật giáo luôn luôn xem tình thương là yếu tố căn bản kết nối con người với con người, con người với thế giới xung quanh. Thiếu tình thương Phật giáo sẽ mất đi sức sống vốn có của nó. Trong Phật giáo từ bi hay tình thương được xem là phẩm chất cao thượng mà bất kỳ ai muốn thể hiện trọn vẹn đời sống giác ngộ, giải thoát cũng phải hoàn thiện nó.
Trong Phật giáo, tình thương được dịch từ khái niệm từ bi, một khái niệm kép với nội hàm là sự thương yêu đưa tới một đời sống đạo đức cao đẹp. Tình thương không đưa tới một đời sống đạo đức cao đẹp thì không phải là tình thương mà Phật giáo nói đến. Tình thương mà Phật giáo khơi mở nơi con người là tình thương gắn liền với hành động thiết thực, nhằm nâng đỡ con người, hướng con người đến sự thực tập con đường đưa tới an lạc, hạnh phúc đích thực, ngoài ra không còn mục tiêu nào khác.
Để có tình thương đích thực, Phật giáo cho rằng cần phải có trí tuệ soi sáng. Tình thương không có trí tuệ là thứ tình thương mù quáng, gắn liền với bất hạnh, khổ đau. Trong Phật giáo, người ta thường ví tình thương theo nghĩa Phật học với tình thương của người mẹ. Đó là một cách ví von mang tính tượng trưng. Tình thương trong Phật giáo, thậm chí còn cao cả hơn tình thương của một người mẹ dành cho con. Bởi vì tình thương mẹ dành cho con, mặc dù rất thiêng liêng, cao cả, nhưng suy cho cùng, xuất phát từ ái, một yếu tố gắn liền với bất hạnh khổ đau. Trong khi tình thương trong Phật giáo là thứ tình thương tươi mát, không gắn liền với ái, mà đưa tới trạng thái tâm hỷ lạc.
Không chỉ có tình thương với con người, Phật giáo còn hướng tình thương con người tới thế giới xung quanh. Vì bản chất của tồn tại là duyên sinh, là tương tác đa chiều giữa con người và thế giới. Do đó dành tình thương cho thế giới xung quanh cũng chính là dành tình thương cho con người. Và đó cũng chính là sự biểu hiện sâu sắc nhất nội hàm tình thương của Phật giáo trong tương quan với trí tuệ như là yếu tố soi sáng, dẫn đường.
Đây là điểm nổi bật của Phật giáo. Đạo đức là những giá trị mang tính lành mạnh, trong sáng và hướng tới việc tách rời đời sống ô uế, thiết lập đời sống phạm hạnh. Không thể chỉ xem đạo đức của Phật giáo là một hệ thống các giá trị luân lý. Trong ý nghĩa bao hàm cả luân lý, đạo đức Phật giáo còn hướng tới giá trị giải thoát. Nếu không hướng tới giá trị này, có thể đạo đức Phật giáo chỉ dừng lại ở ý nghĩa luân lý, vốn là những giá trị thống thường trong hệ thống đạo đức của các tôn giáo khác.
Nội dung của đạo đức Phật giáo có thể tìm thấy ở giới luật. Đó là các nguyên tắc được thiết lập trên nền tảng của tình thương, không mang tính giáo điều mà thể hiện tính tự nguyện của người tu học trong việc hướng tới đời sống lành mạnh, chuẩn mực, thậm chí giác ngộ, giải thoát.
Điểm thiết yếu của đạo đức Phật giáo là gắn liền với những nỗ lực thực hành hơn là một hệ thống các nguyên tắc tiêu cực chỉ hướng tới việc ngăn cắm. Bởi vì, theo quan điểm của Phật giáo, đạo đức chỉ là phương tiện dẫn đến mục tiêu cuối cùng của hạnh phúc tối thượng, tức đời sống giác ngộ giải thoát. Ngay cả đức Phật cũng chỉ là vị thầy chỉ đường, người soi sáng, để mỗi cá nhân tự nỗ lực hướng đến hoàn thiện con đường mà mình đã chọn. Đức Phật trong Phật giáo chưa bao giờ được quan niệm là người sáng tạo và nắm toàn quyền quyết định vận mạng của con người. Giá trị đạo đức tâm linh phải tự con người nỗ lực hoàn thiện. Trong kinh Pháp Cú. 183 có ghi:
“Chớ làm các việc ác
Hãy làm các việc lành
Tự thanh lọc tâm ý
Đó là lời Phật dạy”.
An lạc và hạnh phúc là mục đích cao nhất của con người khi đến với Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo không chỉ hướng tới đời sống hạnh phúc cá nhân cho một thiểu số mà luôn luôn hướng đến hạnh phúc cộng đồng.
Khi mới thành lập Tăng đoàn, số lượng các tỳ kheo chưa đông, Đức Phật đã dạy họ chia nhau mà đi mỗi người một hướng để chia sẻ an lạc, hạnh phúc với cuộc đời. Và trước khi nhập diệt, Đức Phật vẫn không quên dặn dò các đệ tử ra sức truyền bá chánh pháp, vì lợi ích chung của trời người.
Chính nhờ vào tinh thần này mà ngày nay, Phật giáo đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Và như nhà khoa học lỗi lạc, Albert Einstein đã nói, “Phật giáo còn tiến xa hơn, sẽ trở thành tôn giáo của tương lai nhân loại”.
Minh Chính (Tổng hợp)