Chiều ngày 22/04/2023, tại chùa Bửu Đà đã diễn ra buổi giao lưu giữa chư tăng bổn tự cùng sinh viên Khoa Công tác xã hội trường Đại học Mở Tp HCM. Tại buổi giao lưu này các bạn sinh viên đã được giới thiệu về thiền Chánh niệm và ứng dụng thiền Chánh niệm để ứng phó với những khó khăn của con người trong đời sống hiện đại (stress).
Mở đầu buổi giao lưu, các bạn sinh viên trường Đại học Mở đã nêu lên thực trạng đời sống và những khổ đau của con người trong xã hội hiện đại. Với vai trò là người học hỏi, tìm hiểu và ứng dụng những phương pháp để đối trị với những khổ đau đó. Các bạn đã bày tỏ mong muốn tìm hiểu về thiền chánh niệm và phương pháp ứng dụng thiền chánh niệm để giải quyết những khổ đau trong đời sống.
Để giải đáp những nghi vấn của các bạn sinh viên, thầy Không Tú đại diện Chư tăng chùa Bửu Đà và thầy Nhuận Khai thuộc Tăng thân Làng Mai đã có buổi chia sẻ ngắn về ứng dụng thiền Chánh niệm để chuyển hóa những khổ đau trong đời sống. Dưới cái nhìn của Phật giáo Chánh niệm là chìa khóa để giải quyết những khổ đau mà con người đang gặp phải. Thiền Chánh niệm không chỉ là phương pháp tọa thiền để quán chiếu mà còn là phương pháp thực tập sinh động có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày. Khởi nguyên của thiền Chánh niệm được Đức Thế Tôn giới thiệu trong bài kinh “ Tứ Niệm Xứ”, hay kinh “ Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm”. Bốn lĩnh vực quán niệm này bao gồm quán niệm về thân thể, quán niệm về cảm thọ, quán niệm về tâm hành và quán niệm về các pháp. Khi quán niệm sâu sắc về một lĩnh vực thì sẽ có cái nhìn sâu sắc để nhìn nhận những vấn đề trong đời sống hằng ngày. Người Phật Tử khi thực tập thiền chánh niệm tức là sống sâu sắc ngay trong đời sống hiện tại, nhìn rõ bản chất của khổ đau và nhận diện những hạnh phúc mà ta đang có. Cũng tại buổi giao lưu này các bạn sinh viên đã được Thầy chia sẻ về phương pháp thực tập thở chánh niệm.Nội dung của phương pháp này chủ yếu nhấn mạnh về “Hơi Thở Chánh Niệm – Đời Sống Tỉnh Thức”. “Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta ai cũng thở nhưng chúng ta quên rằng mình đang thở, thân ta tuy ở đây nhưng tâm lại ở một nơi khác. Thường ta bị ràng buộc bởi quá khứ, bị lôi kéo về tương lai hay đắm chìm trong những cảm xúc hiện tại. Cho nên ta không tiếp xúc được với những gì lành mạnh và nuôi dưỡng. Khi đó ta có thể trở về thực tập với hơi thở ý thức để nhiếp phục lại tâm ý. Sự thực tập đem sự chú ý vào hơi thở vào- ra là phương pháp để hợp nhất thân và tâm, giúp ta có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Khi thân và tâm đã có mặt ta có thể tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm tươi mát của cuộc sống. Điều này tuy có vẻ đơn giản nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn. Sự thực tập này được gọi là thực tập chánh niệm hay hơi thở có ý thức. Những bài tập này do chính Đức Phật chỉ dạy, thật dễ dàng để có được niềm vui và sự an lạc trong khi cuộc sống có quá nhiều bận rộn.”
Sau thời chia sẻ của các thầy, các bạn cũng đã được giải đáp những thắc mắc khác về vấn đề làm sao để sử dụng thiền Chánh niệm để giải quyết khổ đau cho những người đang gặp phải vấn đề về tâm lý như stress. Để giải đáp những thắc mắc này, các thầy đã chia sẻ rằng các bạn sinh viên ngành công tác xã hội phải là người thực tập thiền chánh niệm trước hết. Bởi vì khi bản thân là người có hạnh phúc nhờ việc thực tập thiền chánh niệm thì các bạn sẽ có phương pháp ứng dụng thực tế để chữa lành cho những người đang khổ đau.
Buổi giao lưu kết thúc chiều cùng ngày trong niềm hoan hỷ của tất cả mọi người !
Một vài hình ảnh được ghi nhận: