/

Chia sẻ của một tu sĩ trẻ được chọn vào Harvard

Thứ năm, 12/04/2018, 20:12 GMT+7

ĐĐ.Thích Tâm Tiến được nhiều bạn trẻ biết đến và yêu mến qua các pháp thoại tại khóa tu mùa hè ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM) cùng nhiều video clip được đăng trên YouTube. Bài giảng của thầy thường là những câu chuyện bình dị nhưng thu hút cảm động, trong đó có không ít câu chuyện khiến bạn trẻ cười “muốn xỉu”...

Mới đây, thầy được nhận học bổng tại hai đại học hàng đầu là Harvard và Yale. Nhận tin vui, ĐĐ.Thích Tâm Tiến hoan hỷ chia sẻ với PV Giác Ngộ:

1tt.jpg

ĐĐ.Thích Tâm Tiến trong một buổi chia sẻ với bạn trẻ - Ảnh: NVCC

- Được nhận vào Harvard, tôi nghĩ đó là “phần thưởng” đáp lại sự cố gắng của bản thân. Ban đầu mới nộp hồ sơ tôi khá chắc “cơ hội”… rớt, nhưng nghĩ, nếu không thử thì mình sẽ hối hận, còn thử mà không thành thì cũng biết được rằng mình đã cố gắng và an lòng.

Khi làm hồ sơ, tôi nộp hai trường để “phòng hờ” nếu rớt trường này thì sẽ còn trường kia. May mắn là tôi được hai trường nhận. Ở Yale, tôi nộp hồ sơ để học thạc sĩ chương trình 3 năm, gọi là Master of  Divinity. Tôi không chọn Yale vì họ chỉ hỗ trợ 50% học bổng. 

Còn với Harvard, họ hỗ trợ 100% học bổng trong năm đầu tiên và nếu học tốt tôi sẽ tiếp tục đăng ký học tiến sĩ. Nếu được nhận vào học tiến sĩ, tôi sẽ được hỗ trợ hoàn toàn trong vòng 5 năm nghiên cứu. Ngành tôi học là ngành Phật giáo Việt Nam đương đại tại Mỹ: Phật giáo và Thanh thiếu niên, Tâm lý học Phật giáo với thế hệ con cháu Việt sinh ra ở Mỹ. Tôi chưa dám xác định nhưng sẽ làm những gì liên quan đến Phật giáo và giới trẻ. Tháng 8 này tôi sẽ nhập học Harvard.

* Để nhận một lúc hai học bổng, vậy trưc đó thầy từng bị từ chối chưa? Lần này thầy chuẩn bịnhư thế nào, điều gì đã tạo nên sự khác biệt trong hồ sơ của thầy?

- Hai năm trước, tôi từng nộp vào Harvard và bị từ chối. Tôi cũng từng xin học bổng một vài nơi và cũng bị từ chối. Nếu tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản bởi những điều không vui đó thì thực sự đã thất bại. Bản chất của thất bại là đến rồi đi, nhưng nếu tôi từ bỏ mọi cố gắng thì thất bại đó sẽ là mãi mãi. Tôi lấy những thất bại đó làm bài học để giúp cho những lần sau được tốt hơn.

Quá trình làm hồ sơ cũng khá vất vả. Điều kiện căn bản nhất các trường ở Mỹ yêu cầu sinh viên quốc tế là tiếng Anh. Tôi thi IELTS lần đầu vào năm 2016, kết quả chưa được như mong muốn. Tôi thi tiếp lần 2 vào năm 2018 và cũng chưa thực sự vừa lòng nhưng đủ chuẩn để nộp (điểm là 7.5).

Điều quan trọng nữa, khi muốn nộp trường nào thì phải tìm hiểu kỹ các thông tin mà họ yêu cầu, càng chuẩn bị sớm chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Đối với hồ sơ của tôi, điều khác biệt quan trọng nhất: tôi là tu sĩ, đã từng học cử nhân tại International Buddhist College ở Thái Lan và đang học thạc sĩ Trường Đại học Naropa ở Mỹ. Bài viết về cá nhân là điều mà tôi trình bày cho trường biết mình khác biệt như thế nào. Bài viết này là cầu nối giúp họ hiểu mình hơn. Đó là điều khác biệt giữa những ứng viên nộp đơn xin vào.

* Nhiều tu sĩ trẻ và bạn trẻ cũng có ưc mơ đưc đi du học, thầy chia sẻ phương pháp và quá trình đ đt đưc điều ấy?

- Ước mơ không tốn tiền, tại sao không mơ lớn. Hơn nữa, mình còn trẻ, còn khỏe, còn nhiều năng lượng, tại sao không nắm bắt cơ hội đó để làm điều mình muốn. Tôi tin chắc mỗi người đều có những khả năng riêng và cũng có thể làm những điều lớn hơn. Tôi rất thích hình ảnh người cùng tử trong kinh Pháp hoa - đó là mình có viên ngọc quý, có tài năng, tiềm năng, có sức mạnh trong mình, tại sao lại chạy tìm điều đó ở đâu xa. Hãy khám phá bản thân, chúng ta sẽ thấy những điều mình chưa bao giờ thấy.

* Trên bưc đường ấy, hẳn sẽ có những “thử thách”…

- Thử thách là chuyện mà ai cũng gặp hàng ngày. Khi có thử thách, tôi đều lấy tấm gương của thầy mình (TT.Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp) để làm động lực vượt qua. Tôi nghĩ mình mang ơn thầy, ơn đàn na tín thí, có chút khó khăn này mà không qua nổi thì “làm ăn” gì nữa.

Tôi nghĩ các bạn sinh viên, học sinh khi gặp thử thách, điều nên làm là hãy ngồi thiền mỗi ngày. Khi ngồi thiền tâm mình được bình an, mọi lo toan được lắng xuống và mình thấy được cuộc sống rõ hơn. Tôi thường ngồi thiền mỗi đêm để trước hết là lắng tâm và sau đó là suy nghĩ về một ngày vừa qua, sau đó nếu thực sự có khó khăn gì thì mình cũng phải đối mặt và chia nhỏ nó ra để giải quyết. Phải ngồi mới thực sự biết mình nên làm như thế nào!

* Người tu thời nay, ngoài thực tập lời Phật thì phải có trình độ thế học để mình trở nên hoàn thiện và khi ra làm Phật sự sẽ sâu sắc hơn, thầy nghĩ sao về nhận định này?

- Người xuất gia thời nào cũng vậy, việc tu đồng hành với việc phụng sự chúng sinh. Hơn nữa, mỗi ngày, xã hội và con người luôn thay đổi, nếu người tu không thực sự nắm bắt được nhịp bước đó thì dễ bị bỏ lại đằng sau. Phật giáo Việt Nam có rất nhiều chư tôn đức giỏi về cả tu lẫn học, quý ngài cũng là những tấm gương mà tôi luôn hướng đến để học hỏi.

Ở chùa Hoằng Pháp, huynh đệ nhận sự ảnh hưởng từ thầy rất lớn. Thầy nói, muốn trở thành một hoằng pháp viên giỏi thì phải có tài và đức. Thiếu một trong hai thì làm gì cũng rất khó. Theo đó, cần phải có sự cân bằng cả tu và học.

* Có duyên được tiếp xúc với Phật giáo ở Mỹ, thấy đưc người trẻ Việt không thích đến chùa, thầy có trăn tr, để có một phương thức hoằng pháp khế thời phù hợp?

- Thực trạng người trẻ không mấy thích đến chùa là sự thật. Tuy nhiên, cũng tùy vào từng tiểu bang và tùy chùa, vẫn có lớp và khóa tu dành cho các bạn trẻ, mong sẽ phát triển rộng trong tương lai.

Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về hoằng pháp ở Mỹ. Đối tượng tôi quan tâm là con em người Việt được sinh ra và lớn lên ở đây. Các em hầu như không nói tiếng Việt, ít biết về đạo Phật và không thích môi trường tôn giáo. Hiện tại tôi có hướng dẫn một lớp dạy Phật pháp cho các em nhỏ từ 7 đến15 tuổi tại chùa Tây Thiên (thành phố Lakewood, Colorado, Mỹ). Mới mở hơn một tháng nhưng có khoảng hơn 15 em học. Các em rất thích và cha mẹ các em thì  rất hoan hỷ. Tôi dạy Phật pháp bằng tiếng Anh bởi vì đó là ngôn ngữ của các em, mình không thể bắt các em học tiếng Việt để hiểu Phật pháp.

2tt.jpg
Thầy Tâm Tiến phụ trách lớp học Phật pháp tại chùa Tây Thiên
(thành phố Lakewood, Colorado, Mỹ) - Ảnh: NVCC

* Trong các bài chia sẻ với bạn trẻ ở khóa tu mùa hè, thầy hay nói về nụ cười, và nhắc mọi người nhớ cười…

- Ai cũng cần phải cười hết! Nụ cười miễn phí mà, sao mình lại không sử dụng chứ. Khi gặp khó khăn chúng ta lại càng nên cười. Tôi thường nói đùa là “mình cười vào mặt nó”, cười để mình biết được rằng bản chất của khó khăn cũng vô thường. Nó tới rồi nó cũng qua. Cười để thấy mình may mắn còn có được những thử thách để thử sức bản thân, còn sống để “chiến đấu” với sự lười biếng trong con người mình, và hơn hết, cười làm mình đẹp hơn. Khi ai đọc tới đây cũng nên tự tặng cho mình một nụ cười nhé!

Nghĩ về điều mình không thích, người mình không ưa, và cười về sự suy nghĩ đó thì mình sẽ thấy dễ chịu hơn. Chứ sống ở đời có mấy chục năm hà, không cười mà cứ nhăn nhó, khó chịu thì uổng quá!

Hạnh phúc là con đường

Tôi sinh hoạt Gia đình Phật tử từ nhỏ, gia đình lại có truyền thống mỗi tháng vào ngày rằm và mùng một đều tập trung tụng kinh tại nhà nên cũng giúp tôi biết đến lời Phật dạy. Các Phật tử gần nhà, khi đi khóa tu Phật thất chùa Hoằng Pháp đã mang đĩa giảng về tặng. Từ đó ngưỡng mộ sự hoằng pháp của quý thầy nên tôi xin được vào đó tu.

Khi vào chùa, tôi được tiếp xúc với môi trường tốt, đặc biệt qua các khóa tu mùa hè, tôi học hỏi được tầm quan trọng của đạo Phật đối với người trẻ. Do vậy tôi hay sử dụng và “cập nhật” ngôn ngữ của người trẻ để truyền đạt Phật pháp cho các bạn. Một bài giảng 60 phút mà truyền đạt được một vài điều căn bản từ lời Phật dạy, các bạn nhớ để thực tập trong đời sống thì cũng xem như thành công.

Tôi thích nhất câu nói của Thiền sư Nhất Hạnh: “Không có con đường đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”. Trên mỗi con đường mình đi, nếu mình tìm được niềm vui và hạnh phúc thì có đạt được ước mơ hay không cũng không còn quan trọng. Bởi lẽ, chính hạnh phúc là đường mình đi. Mong rằng mọi người đều luôn được bình an và sống đúng cuộc đời mà mình chọn.

Thích Tâm Tiến

* Xin cảm ơn thầy, lần nữa xin được chúc mừng thầy đã vào Harvard như ước nguyện!

Như Danh thực hiện

Ý kiến của bạn