CHẾT LÀ TUỲ NGHIỆP THỌ SANH?
Có bạn thắc mắc: “Con nghe có thầy giảng rằng, cúng cầu siêu là quan trọng, vì giúp người chết nhận thức thi thể này không phải của tôi, để người chết không chấp vào thi thể. Nhưng phần lớn tuỳ nghiệp thọ sinh ngay trong tích tắc thì còn sợ chấp trước thi thể làm gì, hoặc giả nếu có chấp thì cũng chỉ từ 7 ngày đến 49 ngày là phải thọ sanh”.
Cụ Nguyễn Du nói “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Tinh anh ấy là nghiệp thức mỗi người đã tạo ra. Nó vừa là “linh hồn” vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các kiếp sống.
Quan niệm cúng 49 ngày và cầu siêu trong thời gian đó xuất hiện sau này và có cả một lý thuyết riêng. 49 ngày còn gọi là tuần định nghiệp. Định nghiệp được bóng gió bằng một hình ảnh Diêm vương ngồi phán xét, nhưng kỳ thực định nghiệp là nghiệp được lưu chuyển ổn định cho đến khi nhân và quả thống nhất với nhau.
Đa phần chu trình sinh già bệnh chết đi theo một diễn trình nhân quả. Nghiệp tạo tác đến một lúc sẽ hình thành kết quả thân hoại mạng chung, và chúng sinh ngay lập tức thụ sinh trong 6 cõi, theo nghiệp đã tạo. Nhưng có những chúng sinh: ví dụ, nghe tin mình trúng số, vui quá hò hét vỡ tim mà chết, hoặc các trường hợp chết oan vì nhiều nguyên nhân, thì họ chưa nhận thức hết chu trình từ nhân đến qủa. Mình đang vui sướng cơ mà, sao lại chết được, tại sao những người kia bỏ mình vào áo quan...? Thần thức không chấp nhận điều đó nên dính mắc vào thi thể. Tuy nhiên, ngay cả sự dính mắc ấy cũng là một loại nghiệp đã thừa tự ở những kiếp về trước. Có nghĩa người này không chỉ chết oan ở trong một đời này, mà rất có thể cũng đã chết oan ở trong nhiều kiếp về trước.
Cầu siêu là tác động vào nghiệp thức, như lời nhắn nhủ, thưa anh chị, anh chị đã chết rồi, hãy chấp nhận điều đó, anh chị đã tạo nghiệp gì thì theo nghiệp đó chuyển kiếp đi. Nếu giờ tâm thức anh chị còn nhận thức để buông bỏ và phát nguyện tu tập thì khoảng thời gian 49 ngày, tuy ngắn ngủi cũng giúp anh chị sinh về cảnh giới tốt đẹp hơn. Tu là chuyển nghiệp! Người Phật tử biết rằng dù mình được sinh ra trong đời này, nhưng còn mang đầy những tập tính ở đời trước. Ai nói mình trang nghiêm, hiền từ? Ai bảo mình thô tháo, ác độc? Cả hai, có khi vừa trang nghiêm vừa thô tháo...tất cả là nghiệp kết, nhưng đôi khi chỉ khởi một niệm từ tâm mà thoát cảnh khổ.
Thử hình dung, một người mẹ bị bắt giam cùng người con. Khi bị tra khảo đánh đập, bất cứ mẹ hay con chỉ cần khởi lên lòng thương xót, hãy đánh chết tôi đi và xin tha cho con tôi, hãy đánh chết tôi đi xin đừng hành hạ mẹ tôi. Dù tội lỗi gây ra như thế nào khi phải chịu cảnh ngục tù, thì niệm từ tâm kia tự nó có sức mạnh cứu vớt họ thoát khỏi sự đau đớn của cái chết mà không oán hận gì. Niệm từ tâm tình nguyện hiến dâng mạng sống ấy chính là mặt trời giữa đêm đen, là thuyền từ chở người qua bể khổ.
Mạng sống như ngọn đèn, dù không bị gió thổi tắt thì cũng đến lúc cạn dầu trơ bấc. Có giữ nó mãi trong bất an đau khổ được không?
Tham sinh uý tử là bản năng của mỗi con người. Vượt qua sự sỡ hãi của cái chết là vượt qua bản năng, thức tỉnh những giá trị cao qúy. Một kẻ sát nhân ngay khi dao kề vào cổ mà hồi đầu thị ngạn, khởi niệm từ tâm, thì ngục tù nào còn giam được sinh thân kế tiếp.
Vâng, cái chết, kết cục của cái chết, chưa từng đi qua trong kiếp này sao có thể hư vọng về nó. Nhưng nếu không từng là người đã trải qua những cái chết nhẹ nhàng, thì kiếp này đâu còn phải nặng nề với nó.
Vậy mà có người còn tạc tượng, xây sẵn lăng mộ cho mình để được “ngủ yên” và hình dung về một đám ma to, con cháu đệ tử để tang như rừng, điếu văn than khóc... để làm chi? Để ướp cái thân tứ đại cho thiên hạ ngắm nhìn ư? Một niệm tham khởi lên, cảnh giới súc sinh đã hiện tiền, nào đợi khi nhắm mắt xuôi tay.
Tại sao tôi có thể thuộc lòng nhiều bộ kinh chú và tôi có thể ngồi tụng niệm cả ngày không mệt? Tại sao anh có thể hàng ngày mê mẩn với những khúc gỗ để trạm khắc những hoa văn tinh xảo? Anh có ngồi niệm kinh như tôi không? Tôi có thể trạm khắc như anh không? Tôi có thể trang nghiêm đạo mạo như anh không? Anh có thể thô tháo bướng bỉnh như tôi không?
Có biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra như vậy?
Và người ta luôn bất ngờ với những chuyện chẳng có gì phải bất ngờ. Vì một sự thôi thúc của nghiệp, vì một tập tính đã ăn sâu và hoàn thiện ở những kiếp đã qua, nên một người ngay từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, thành đạt đều sống trong một môi trường an toàn có giáo dục..., vậy mà vẫn phạm vào những tội lỗi tày trời.
“Ma đưa lối qủy dẫn đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” ư?
Nghiệp dẫn, ma qủy cũng là tâm thức ngã qủy dẫn. “Lại tìm” chỉ là nhớ lại mà làm thôi. Cái gì đã làm, chưa làm thì nay làm. Cái gì đã gây, chưa gây thì nay gây. Giết người mà được tán thán vinh danh thì đó là đồng minh quyến thuộc của Atula. Tham lam vô độ đến mức thoả thuê bất cận nhân tình, đạo lý, nhu cầu nhiều mà không được đáp ứng thì mang tâm thức ngã qủy. Giam cầm hành hạ thủ tiêu người không biết chán đó là tâm thức địa ngục. Tranh cướp giành giật chẳng chừa thủ đoạn đó là tâm thức súc sinh.
Tâm thức nào cũng có quyến thuộc (fan hâm mộ) của nó. Vì vậy mới có câu ngưu tầm ngưu mã tầm mã.
Nghiệp dẫn có khó thấy không? Nghiệp là hành động có tác ý. Chỉ cần ý khởi lên thiện ác là biết nghiệp sẽ dẫn về đâu. Chứ nghiệp đâu phải định mệnh của trời kiểu “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”, mà nghiệp là kết quả của những hành động tác ý được lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì thế cụ Nguyễn Du mới nói: “Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều”, “Kiếp xưa đã vụng đường tu/ Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi”.
Ai đền bù cho ai ngoài nghiệp đã tạo của chính ta. Chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, thừa tự nghiệp, ngược lại nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là toà diêm vương phán xét của mỗi chúng sinh. Không ai trả lời được cho chúng ta câu hỏi sau khi chết sẽ đi về đâu mà chính ta bằng những nghiệp đã gieo trồng của mình hãy tự xét đoán. Cuốn sách dạy nấu ăn thì không phải thức ăn. Sách bàn về sống chết thì không phải sống chết. Đó là lý do Tổ Trần Nhân Tông nói “bông hoa ở trong mộng thì không thể đem tặng ai được”.
Những người tự ngôn chứng thánh thì hỏi xem thánh kia nằm ở ngang đâu. Nếu dừng ở lại ở phi tưởng phi phi tưởng xứ, ngỡ rằng không còn gì phải tu nữa thì đánh mất con đường tinh tấn. Giáo pháp như ngón tay chỉ trăng, tưởng nhầm ngón tay là mặt trăng, thì cũng như người khắc dấu trên mạn thuyền để tìm gươm, sẽ không bao giờ tìm thấy gươm cả, vì nước vẫn đang đẩy thuyền đi. Bởi trí tuệ bị ngăn che nên tưởng nhầm dấu tay là đích đến. Kỳ thực chánh pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp. Ra khỏi nhị nguyên rồi thì không có pháp để tu mà cũng chẳng có pháp nào để chứng cả.
Ai muốn chứng thì cứ chứng đi, nhưng xin đừng tự ngôn chứng thánh. Còn sinh tử vốn là chuyện thường của thế gian...