GN - Có lần đi công việc về khuya, đến ngã tư, tôi không dừng xe khi có tín hiệu đèn đỏ, vì lúc đó đường vắng, hầu như không có ai. Cô con gái nhỏ 7 tuổi của tôi đã lên tiếng hỏi vì sao tôi không chờ tín hiệu đèn xanh, và cháu nói vượt đèn đỏ là vi phạm luật giao thông. Rõ ràng tôi sai.
Con gái tôi đã được thầy cô giáo ở trường dạy phải chấp hành luật giao thông đường bộ như thế nào, cho nên nó khó chấp nhận hành vi vi phạm luật của tôi. Mình là người lớn lại làm sai điều mà một đứa trẻ nhỏ cũng biết, như vậy thật đáng xấu hổ. Nếu cứ như thế thì khó có thể dạy con trẻ tôn trọng lẽ phải, tôn trọng luật pháp.
Nhiều lần nhìn thấy người đi xe trên đường chạy lạng lách hoặc vượt đèn đỏ, con tôi liền bảo ngay: “Chú ấy điều khiển phương tiện giao thông nguy hiểm!”. Thấy người qua đường không đi trên vạch trắng, con tôi thắc mắc: “Sao cô ấy không đi trên vạch trắng dành cho người qua đường?”, “Cô ấy qua đường không an toàn”. Khi gặp những tình huống sai phạm của người lớn, các bậc cha mẹ khó giải thích cho con trẻ hiểu tại sao lại có những chuyện như thế.
“Dù đã thành Phật, những việc cần làm đã làm xong, Đức Thế Tôn không còn xem việc hành thiền mỗi ngày là phương tiện để đạt đạo giác ngộ, nhưng Ngài vẫn hành thiền mỗi ngày; việc hành thiền mỗi ngày lúc bấy giờ chính là phương tiện hóa độ chúng sinh, làm gương cho các đệ tử noi theo, hành động đó như nói lên rằng: “Các con hãy siêng năng tinh tấn hành thiền mỗi ngày, vì đó là con đường đi đến giác ngộ, giải thoát”. |
Ở trường trẻ được thầy cô giáo dạy về luật giao thông, cách tham gia giao thông; dạy trẻ không vứt rác trên đường phố, không khạc nhổ hay phóng uế bừa bãi nơi công cộng v.v.. Tuy nhiên, đôi khi người lớn lại vô tình làm ngược lại những điều con trẻ học. Từ đó về sau con trẻ ít quan tâm đến những gì cha mẹ và thầy cô dạy, không còn xem trọng những gì chúng được học ở trường.
Chẳng những không làm gương cho con cái, nhiều ông bà, cha mẹ còn vô tình dạy cho con trẻ những điều không hay không đẹp. Ví dụ một lần tôi nghe bà hàng xóm nhà tôi quát đứa cháu: “Thưa, thưa bà nội mày, cứ thưa hoài!”, bởi đứa cháu nhỏ cứ khoanh tay thưa người này, chào người nọ khi ra về khiến cho bà phải đứng chờ. Đứa cháu đã được cha mẹ và thầy cô dạy như thế.
Có ông bà, cha mẹ dạy con cái nói chuyện với mình như người ngang hàng, bảo nó gọi mình là anh, là chị, kêu tên mình ra nói, ngày nào cũng đùa giỡn, nói chơi không kiêng nể, không cần lịch sự, lễ phép gì cả. Từ đó con trẻ không còn phân biệt được đâu là lời nói chơi, nói giỡn, đâu là lời nói thật; không biết cách nói chuyện với người lớn khác cách nói chuyện với bạn bè đồng trang lứa như thế nào.
Phật giáo gọi việc làm gương, lấy hành vi, lối sống, cách ứng xử của mình giáo dục người khác là thân giáo, còn dùng lời nói để dạy bảo gọi là khẩu giáo. Nếu có khẩu giáo mà không có thân giáo thì hiệu quả giáo dục không cao, thậm chí không có kết quả; dù không có khẩu giáo nhưng có thân giáo vẫn đạt được mục đích giáo dục. Cho nên Phật giáo chủ trương thân giáo lẫn khẩu giáo song hành.
Tôi còn nhớ trước đây tôi thường dạy con nên chăm đọc sách báo. Tôi nói với con rằng, muốn đọc chữ lưu loát, có kiến thức rộng, cần phải đọc sách báo nhiều, thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức. Dù tôi thường nhắc nhở, bảo khuyên nhưng con tôi vẫn lười đọc sách, nó thích xem truyền hình, lên mạng internet hơn bởi những thứ đó thu hút, hấp dẫn hơn sách nhiều. Tôi cảm thấy khó chịu vì con không nghe lời dạy của mình, đã nhiều lần tôi rầy la, quát mắng nó gay gắt. Tuy nhiên có lúc tôi giật mình khi nhận ra mình cũng không thường đọc sách, tôi cũng thích xem truyền hình, thích lên mạng hơn đọc sách. Nhìn lại thì mỗi năm tôi đọc không quá bảy tám cuốn sách kiến thức bách khoa lẫn văn học, một con số quá ít. Thú thật tôi cảm thấy thẹn trong lòng. Kể từ đó tôi cố gắng dành thời gian để đọc sách, đọc nhiều hơn nhằm làm gương cho con trẻ. Vì thế, việc đọc sách của tôi vừa có ý nghĩa đối với bản thân tôi, vừa có ý nghĩa đối với con tôi.
Để con tôi thích thú việc đọc sách, tôi thường đọc chung với con và trò chuyện với nó về nội dung quyển sách. Tôi thảo luận với con, gợi mở cho con tư duy, suy tưởng, đặt những câu hỏi để con động não. Nhờ đồng hành với con trong việc đọc sách báo mà con tôi chăm đọc, chăm viết hơn.
Muốn con làm điều gì, học điều gì, trước tiên mình phải làm điều đó, học điều đó hoặc có kiến thức, kinh nghiệm về điều đó. Không thể chỉ nói suông, nói qua loa, lấy lệ. Không thể bắt buộc con cái phải như thế này, thế khác, còn mình thì dễ dãi với chính mình, tự do, phóng túng, muốn làm gì thì làm, muốn sống sao thì sống. Mình hút thuốc, uống rượu mà dạy con không hút thuốc, uống rượu; mình bài bạc, số đề mà dạy con không cờ bạc; mình đi sớm về khuya, la cà vũ trường, quán nhậu mà dạy con sống có nền nếp, làm việc và sinh hoạt đúng giờ; mình sống thiếu trách nhiệm mà dạy con tinh thần trách nhiệm v.v… Nói một đàng làm một nẻo, năng thuyết bất năng hành như thế thì không tài nào dạy con cái được. Mình không thể nói với con rằng: “Con còn nhỏ nên phải như thế, còn cha mẹ là người lớn nên không cần phải như thế”…
Mỗi sáng, nếu mình muốn con mình thức dậy sớm tập thể dục, học bài thì mình phải dậy sớm tập thể dục, đọc báo hay làm việc để làm gương cho con, mình không được ngủ nướng trên giường. Mình muốn con mình tôn trọng giờ giấc thì mình phải giữ đúng giờ. Mình muốn con coi trọng bữa ăn gia đình thì mình phải siêng nấu nướng, phải có mặt trong bữa cơm gia đình v.v… Tôi đã kinh nghiệm rõ điều này.
Chúng ta hãy nhìn xem, cuộc đời Đức Phật là tấm gương sáng cho đệ tử của Ngài noi theo. Dù đã thành Phật, những việc cần làm đã làm xong, Đức Phật không còn xem việc hành thiền mỗi ngày là phương tiện để đạt đạo giác ngộ, nhưng Ngài vẫn hành thiền mỗi ngày; việc hành thiền mỗi ngày lúc bấy giờ chính là phương tiện hóa độ chúng sinh, làm gương cho các đệ tử noi theo, hành động đó như nói lên rằng: “Các con hãy siêng năng tinh tấn hành thiền mỗi ngày, vì đó là con đường đi đến giác ngộ, giải thoát”. Đức Phật luôn đặt thân giáo lên hàng đầu trong công cuộc giáo hóa, Ngài thật sự là một nhà giáo dục lớn. Các bậc làm cha mẹ cũng cần phải thế, cần lấy thân giáo làm đầu.
Ở các tự viện, các đại tòng lâm có các bậc cao tăng thông suốt giáo điển, rõ biết đường hướng tu hành, tuy nhiên các vị ấy vẫn tụng đọc kinh điển mỗi ngày. Việc tụng đọc kinh điển của các bậc cao tăng như nhắc nhở, sách tấn môn đồ tứ chúng rằng: “Cần phải siêng năng tinh tấn nghiên cứu kinh điển, giáo lý, trau giồi tam huệ văn, tư, tu, không thể lơ là, biếng nhác việc tu học”. Các vị cao tăng sống cuộc đời thanh tu đạm bạc, vẹn tròn phạm hạnh giới đức, tuy các ngài không dùng lời nói nhiều, nhưng đời sống cao thượng của các ngài có tác dụng giáo hóa người khác, khiến môn nhân tứ chúng nương theo đó mà tu học, nhờ đó mà trở thành bậc có đầy đủ nhân cách phẩm hạnh, thành bậc thánh thiện, thành bậc cao quý trong đời.
Tóm lại, việc giáo hóa người khác nói chung, việc dạy con nói riêng không thể xem thường thân giáo. Muốn con em mình trở thành con ngoan trò giỏi thì điều trước tiên các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô phải lấy mình làm tấm gương sáng cho con trẻ noi theo.
Diệu Thể