Bảo vệ sự sống của muôn loài

Thứ tư, 09/05/2018, 18:51 GMT+7

Bảo vệ sự sống của muôn loài

(PPUD) Các chúng sinh từ con người cho đến động, thực vật vật đều mang trong mình một mầm sống từ khi vừa được hình thành. Là người con Phật, chúng ta thực tập không sát sinh có nghĩa chúng ta đang quý trọng sự sống dưới mọi hình thức.

1210070919

Trong Năm Giới thực tập dành cho Cư sĩ, giới thứ nhất là bảo vệ sự sống của muôn loài là giới được Đức Phật thiết lập đầu tiên, có vị trí và vai trò hàng đầu so với bốn giới còn lại: “Con nguyện thực tập bảo vệ sự sống bằng cách không giết hại sanh mạng của con người và muôn loài, kể cả môi trường. Con quý trọng thân mạng mình và của kẻ khác dù ở trong bất cứ trường hợp nào. Con biết chỉ có thực tập yêu thương mới xóa bỏ hận thù, thân tâm nhẹ nhàng, giấc ngủ an lành và nét mặt hiền hòa.”

Các chúng sinh từ con người cho đến động, thực vật vật đều mang trong mình một mầm sống từ khi vừa được hình thành. Là người con Phật, chúng ta thực tập không sát sinh có nghĩa chúng ta đang quý trọng sự sống dưới mọi hình thức. Bảo vệ sự sống của muôn loài và môi trường chính là nuôi dưỡng lòng từ bi, đoạn trừ tâm tham, sân, si, xây dựng xã hội an bình, gìn giữ môi trường trong lành, tránh được nghiệp báo oán thù trong kiếp này và nhiều kiếp khác. Tất cả chúng sinh được sinh ra trên trái đất, không có chúng sinh nào không sợ chết, sợ khổ đau và bệnh tật. Trong đó, con người là sinh vật cao cấp nhất và cũng là loài tham sống sợ chết và ra sức gìn giữ mạng sống của mình nhất.

Theo khoa học, một chúng sinh được sinh ra từ sự kết hợp của tinh cha và huyết mẹ. Nhưng dưới con mắt nhân quả thì đó là thời khắc mà chúng sinh ấy hội tụ đủ nghiệp duyên để tái sinh. Tái sinh vào cõi nào phụ thuộc và nghiệp báo của chúng sinh đó. Các chúng sinh cõi trời khi hưởng thụ hết phước có thể tái sinh vào làm người. Con người nếu gây ra nhiều tội ác từ kiếp này hay kiếp trước sẽ tái sinh vào ba đường dữ là súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Như vậy, những loài động vật mà chúng ta hay ăn thịt như heo, bò, gà, vịt… có thể là ông, bà hay người thân của mình từ hằng hà sa số kiếp trước. Vì vô minh, chúng ta theo câu “Vật dưỡng nhân” mà hy sinh các chúng sinh khác để nuôi thân mình là mình đang tạo nghiệp rất lớn mà không biết.

Tôi có nghe bài chia sẻ tại chùa Hoằng Pháp của một vị cư sĩ trước đây mở nhà hàng đặc sản chuyên bán các món độc, món lạ được chế biến từ các con vật quý hiếm. Ông ta vạc đầu khỉ, cắt đuôi bò, chế nước sôi vào cá và vặt lông mèo, chó… khi các con vật này còn đang sống trước mặt thực khách ngay tại nhà hàng để tạo không khí cho các buổi nhậu và đảm bảo thực phẩm của mình luôn tươi nhất. Hiển nhiên, các quý ông rất thích thú khi xem màn trình diễn của ông chủ quán và quán luôn đắt khách. Cho đến một ngày, lần lượt từng người thân của ông ấy qua đời bởi những tai nạn bất ngờ. Đến người thứ sáu trong gia đình ra đi, thì ông cảm thấy vô cùng sợ hãi, hoảng loạn và tâm sự với một người anh cũng là người trong giang hồ hoàn lương. Người anh ấy đã dẫn ông ta đến chùa sám hối và học về luật nhân quả cùng vị sư Trụ trì. Những ngày sau, trên người ông ấy nổi các nốt đỏ khắp người, đau rát khôn cùng. Trong thời gian đó, ông đã suy nghĩ và quán chiếu tất cả tội ác do mình gây ra suốt thời gian dài. Nỗi đau mất người thân và bệnh tật khiến ông ta rùng mình khi nghĩ đến trường hợp nếu mình là nạn nhân của những hành vi độc ác do tự mình sáng tạo ra như vạc đầu hay vặt lông hay cắt đuôi ngày trước thì không biết mình sẽ đau đớn biết chừng nào. Từ đó về sau, nhờ sự chỉ dẫn của sư trụ trì và chuyên tâm tu tập, chuyển hóa thân tâm, ăn chay trường và làm nhiều việc thiện, ông đã bớt bệnh và dứt hẳn việc kinh doanh nhà hàng đặc sản, trở thành một người Phật tử thuần thành.

Như vậy, ta có thể thấy niềm đau, nỗi khổ của con người và muôn loài cũng giống nhau không khác. Thử tưởng tượng chúng sinh hoảng hốt, đau đớn, giãy giụa trên thớt, dưới dao, máu tuôn thế nào thì khi con người chúng ta khi lâm vào hoàn cảnh đó cũng như thế ấy. Chúng ta ra sức chăm sóc, bảo vệ cơ thể mình đến từng cái móng chân, móng tay nhưng chúng ta lại đan tâm cắt cổ một sinh vật đang vui sống trên đời như vậy thật không công bằng. Đó là một tội ác cần được đoạn trừ và thay vào đó là lòng từ bi theo lời Phật dạy: “Con nguyện thực tập bảo vệ sự sống bằng cách không giết hại sanh mạng của con người và muôn loài, kể cả môi trường.”

Sát sinh là cái nhân của bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Chúng ta mượn thân xác loài khác để sống thì cũng đến lúc chúng ta phải trả bằng thân xác mình, dù trốn đi đâu cũng không khỏi. Muốn không sát sinh, chúng ta hãy chế ngự và khắc phục tâm mình, đừng chạy theo sự ăn ngon của khẩu nghiệp mà tạo tội lỗi. Hãy quán chiếu nỗi khổ của chúng sinh cũng là nỗi khổ của mình để dừng lại. Ngoài ra, người học Phật còn phải biết quán chiếu ăn thịt chúng sinh như ăn thịt con mình. Loài vật sắp bị giết mà được tha thì nỗi vui mừng không thể tả, như một con chim sắp bị cắt cổ, nhổ lông được thả, như một con cá sắp đem đánh vảy được thả. Chim được sống vui mừng bay nhảy, cá khỏi chết hớn hở lội bơi. Như vậy, không sát sinh mà tăng cường phóng sinh chính là nuôi dưỡng lòng từ bi, giúp ta dần dần đoạn được các tâm không thiện, tránh được nghiệp báo oán thù và góp phần giữ cân bằng môi trường sinh thái.

Trên đời này không có vật gì quý bằng sinh mạng. Theo giới thứ nhất của Năm giới Cư sĩ: “Con quý trọng thân mạng mình và của kẻ khác dù ở trong bất cứ trường hợp nào.” Do đó, việc xâm phạm đến thân mạng người mang ý nghĩa phạm giới nghiêm trọng. Đặc biệt, tự sát là tội nặng nhất, sẽ bị đọa xuống địa ngục ngay lập tức. Bởi vì, tứ ân: ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia, ân chúng sanh chưa trả, trách nhiệm chưa tròn mà tự sát là coi nhẹ thân mạng, khiến cho gia đình đau lòng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người xung quanh, là tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong Kinh Phạm Võng có nói: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục”, nghĩa là “Một phen mất thân người, vạn kiếp khó có lại được”. Được làm người là rất khó, cho nên chúng ta phải biết quý trọng thân mạng mình và của kẻ khác dù ở trong bất cứ trường hợp nào. Câu này cũng bao gồm hàm ý không được giết người, biết bảo vệ thân mạng mình và tất cả những người khác. 

Người tu sĩ khi đi kinh hành luôn lưu ý tránh giẫm đạp, làm chết cây cỏ. Cỏ cây mà không làm tổn hại, ăn chay để không sát sinh động vật thì lẽ nào lại giết đồng loại của mình. Nếu vì một lý do nào đó mà sinh mạng người bị giết dưới tay mình thì sự oán hận của họ tràn trề khó dập tắt được. Họ sẽ ôm lòng căm hận, chờ gặp dịp sẽ báo thù. Oan trái đã gieo chắc chắn có ngày phải trả. Chưa kể quả nhận được sẽ lớn hơn gấp trăm ngàn lần nếu mình làm cho gia đình người ấy phải đau khổ và túng quẫn. Giết mạng thì phải đền mạng, đó là luật nhân quả. Càng tạo nghiệp sát, càng lao mình vào vòng khổ đau. Phật dạy: “Người thường sanh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sanh tử, không có ngày ra khỏi” (Kinh Lăng Già).

“Con biết chỉ có thực tập yêu thương mới xóa bỏ hận thù, thân tâm nhẹ nhàng, giấc ngủ an lành và nét mặt hiền hòa.” Hận thù như một ngọn lửa trong tâm. Ôm ấp hận thù chẳng khác nào nuôi lửa thiêu đốt thân tâm mình. Trong Kinh Diệt Trừ Phiền Giận, tôn giả Xá Lợi Phất có nói: “Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.” Chúng ta thường hay yêu thương người có hành động dễ thương, lời nói dễ thương và có một tâm hồn dễ thương. Nhưng nếu đó là một người hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, là người tu, chúng ta phải thực tập yêu thương luôn cả những cái không dễ thương ấy, vì hẳn nhiên đó là “một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc.” Do đó, là người trí, ta nên “mở được lòng thương xót và lân mẫn, diệt trừ được sự phiền giận của ta và giúp được cho kẻ kia.”

Khi phiền giận một người nào đó, chính là ta đang giận tâm tham sân si của người ấy, không phải giận thân xác của người ấy đang hiện hữu trước mặt. Do đó, khi phát hiện một làn sóng bạo động trong tâm, ta nên ôm ấp cơn giận ấy lại, dùng tất cả năng lượng từ bi để xoa dịu cơn giận ấy như người mẹ đang ôm đứa con của mình. Sau đó, quán chiếu lại bản thân, nguyên nhân gây ra phiền muộn ấy và hóa giải dựa trên tình thương và lòng từ bi. Thầy tôi dạy: “Người sống trong hận thù luôn không yên, lúc nào cũng mệt mỏi, chán nản, luôn căng thẳng, sợ hãi và đau khổ. Lấy hận thù để trả cho thù hận thì chẳng bao giờ có thể giải quyết được, điều đó chỉ làm cho cả hai bên ngày càng đau thương mà thôi. Buông bỏ những điều này thì an lạc xuất hiện, niềm thương yêu vô bờ xuất hiện.” Như vậy, có thể thấy lời Phật dạy là chân lý. Thực tập yêu thương và bảo vệ sự sống của con người, muôn loài và môi trường sẽ giúp chúng ta xóa bỏ được hận thù, mang lại thân tâm nhẹ nhàng, giấc ngủ an lành và nét mặt hiền hòa. Đây là điều mà người Phật tử phải luôn ghi nhớ và hành trì để tu tập đạt được kết quả tốt nhất.

Tường Lam

Theo Phật Pháp Ứng Dụng

Ý kiến của bạn