Alexander Đại đế – Vị vua “bất khả chiến bại”
Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) trong suốt quãng đời tại vị, ông chủ yếu giành thời gian đi chinh phạt các vùng lãnh thổ mà không một lần phải nếm trải mùi chiến bại, và được xem là một nhà thiên tài quân sự bẩm sinh. Ông thường được xem là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.
Chiến thắng hiển hách nhất của nhà quân sự này cũng như trong thời kỳ cổ đại phải kể đến trận Gaugamela (Iraq ngày nay) trước vua Ba Tư Darius III năm 331 TCN, ngoài ra ông còn đánh tan tác người Scythia – một dân tộc hùng mạnh thời đó. Vị vua trẻ của Macedonia đã trở thành “hoàng đế vĩ đại” của Ba Tư ở tuổi 25.
Trong suốt 13 năm theo đuổi “nghiệp” quân sự, Alexander Đại đế đã để lại cho nhân loại rất nhiều bài học lãnh đạo đáng quý. Thế nhưng cuộc đời ông lại quá đoản mệnh.
Trên đường trở về sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương.
Trong giờ phút lâm chung, Alexander Đại đế triệu tập các cận thần của mình và nói với họ 3 điều ước cuối cùng của ông:
1. Hãy để các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta.
2. Hãy rải tài sản của ta, bao gồm tất cả tiền, vàng, kim cương, đá quý trên đường đến nghĩa trang.
3. Hãy để đôi bàn tay của ta được thả lỏng và để nó bên ngoài cho tất cả mọi người thấy.
Một trong những vị tướng của ông đã rất bất ngờ trước những yêu cầu bất thường này nên đã yêu cầu Alexander giải thích. Alexander Đại đế đáp lại:
- Ta muốn các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta để chứng minh rằng, khi đối mặt với cái chết, ngay cả những ngự y giỏi nhất trên thế giới cũng không có sức mạnh cải tử hoàn sinh
- Ta muốn rải hết tiền vàng trên đường để muốn mọi người biết rằng, sự giàu có về vật chất có được trên Trái Đất này thì sẽ phải ở lại Trái Đất.
- Ta muốn bàn tay ta đung đưa trong gió, để muốn mọi người hiểu rằng, chúng ta đến với thế giới này bằng hai bàn tay trắng, thì chúng ta rời thế giới này cũng với hai bàn tay trắng. Chúng ta sẽ không còn gì, sau khi tài sản quý giá nhất của chúng ta đã cạn kiệt đó là SỨC KHOẺ và THỜI GIAN. Nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng ở tuổi đời 32.
Nhân sinh như mộng, vậy điều gì mới đáng trân quý nhất?
Con người chúng ta sống ở đời, những thứ theo đuổi chung quy lại cũng là danh lợi tình. Nhưng theo đuổi liệu có được chăng? Cổ nhân giảng: “Sống chết có số, phú quý do trời”, ý rằng đời người đều đã được an bài, tình quyên, phú quý, danh vọng đều do duyên nợ, đức nghiệp đã gieo trong quá khứ mà ra. Một đời tranh đấu ngược xuôi, giành được chút địa vị, tiền tài nhưng lòng đầy âu lo, phiền muộn, đến khi nhắm mắt xuôi tay mới nhận ra chẳng còn gì.
Kỳ thực, điều đáng trân quý trong cuộc đời không phải là những gì chúng ta có được mà chính là những gì cho đi. Cho đi yêu thương, cho đi sự tử tế, cho đi những cống hiến giúp đời. Cho đi không những giúp đỡ được người khác, mà còn khiến tâm hồn ta hạnh phúc, thăng hoa, khiến ta cảm thấy cuộc đời tràn đầy ý nghĩa. Khi ấy không cần theo đuổi; thiện quả, danh tiếng, duyên lành cũng tự theo đến, đó chính là “không cầu mà tự được” vậy. Những vĩ nhân lưu danh muôn thuở đều là những nhân nghĩa chi sỹ không màng danh lợi, sống đời thanh thản mà lại cống hiến bao thành tựu, giá trị cho người.
Hồng Liên (t/h)