10 điều cần biết về hội chứng Covid kéo dài

Thứ năm, 14/10/2021, 06:04 GMT+7

    Người mắc Covid-19 không triệu chứng hay điều trị ICU đã khỏi đều có thể mắc hội chứng hậu Covid, tỷ lệ dao động từ 20 đến 96%.

    Tương tự các hội chứng hậu nhiễm SARS hay MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông), ngày càng có nhiều báo cáo về những ảnh hưởng kéo dài sau mắc Covid-19. Tình trạng này được công nhận như một hội chứng ảnh hưởng đa cơ quan, với các triệu chứng biểu hiện dai dẳng.

Hội chứng hậu Covid là gì?

    Bệnh Covid kéo dài là tình trạng bệnh nhân mặc dù đã hồi phục khỏi Covid-19 cấp tính nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài trên 4 tuần kể từ lúc khởi phát nhiễm trùng. Các triệu chứng này có thể đã có từ đợt bệnh cấp hoặc xuất hiện sau khi hồi phục.

Những ai sẽ mắc hội chứng hậu Covid?

    Tất cả bệnh nhân Covid-19 cấp tính đều có thể mắc hội chứng hậu Covid, bao gồm người không triệu chứng tới bệnh nhân rất nặng phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).

Đối tượng nguy cơ

    Nhiều nghiên cứu chứng minh độ nặng của Covid-19 cấp tính có liên quan những yếu tố nguy cơ, như tuổi già, nam giới, béo phì, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường... Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy nguy cơ mắc hội chứng hậu Covid liên quan đến các yếu tố kể trên. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh báo cáo hai nhóm tỷ lệ mắc hậu Covid nhiều nhất là nữ và nhóm tuổi 35-49.

Tỷ lệ mắc

    Hội chứng Covid kéo dài rất phổ biến. Nhiều báo cáo cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng này dao động 20-96%, tùy nghiên cứu. Nhìn chung, ước đoán khoảng 80% bệnh nhân sau khi khỏi sẽ bị ít nhất một triệu chứng hậu Covid.

Biểu hiện bệnh

    Giống Covid-19 cấp tính, hội chứng Covid kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da lông.

    Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi-vị, giảm khả năng nhận thức, như giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

    Covid kéo dài không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, mà còn thể hiện bằng những bất thường cận lâm sàng, như bất thường xét nghiệm như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormone giáp, giảm độ lọc cầu thận... ; rối loạn chức năng hô hấp: giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học: xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim...

Cơ chế gây bệnh

    Các chuyên gia giả thuyết ba cơ chế gây ra tình trạng này. Thứ nhất, do virus xâm nhập trực tiếp vào tế bào cơ thể trong đợt bệnh cấp tính, gây phá hủy tế bào và để lại những tổn thương vĩnh viễn ở nhiều cấu trúc cơ quan. Thứ hai, do đáp ứng viêm quá mức dẫn đến sự tăng cao nồng độ các chất gây viêm (cytokines) trong máu và các mô cơ thể gây nên tình trạng viêm mạn tính nhiều cơ quan; và đáp ứng miễn dịch có phần sai lệch của cơ thể dẫn đến sự hình thành các tự kháng thể kháng lại chính tế bào cơ thể người, từ đó làm rối loạn chức năng nhiều cơ quan. Thứ ba, tình trạng bệnh lý nặng trong đợt cấp như suy hô hấp, tụt huyết áp, tình trạng tắc mạch, giảm oxy mô dẫn đến những tổn thương tế bào khó hồi phục ở nhiều cơ quan.

    Ngoài ra, các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch: mắc bệnh, mất người thân, cách ly xã hội, cô lập, nỗi lo về tài chính, thất nghiệp,... cũng gây ra các triệu chứng tâm lý kéo dài sau Covid.

Hội chứng hậu Covid có nguy hiểm?

    Giống Covid-19 cấp tính, Covid kéo dài cũng biểu hiện đa cơ quan với nhiều mức độ khác nhau, từ rất nhẹ như rụng tóc, mệt mỏi đến những tình trạng bệnh lý nặng hơn, như xơ phổi dạng tổ ong, di chứng đột quỵ não, di chứng nhồi máu cơ tim, hay suy thận giai đoạn cuối.

Bệnh kéo dài trong bao lâu?

    Nhiều triệu chứng có thể tự giới hạn hay có thể kiểm soát với những phương pháp điều trị tiêu chuẩn và chỉ tồn tại trong 2-6 tháng như đau đầu, đau cơ khớp. Song cũng có những di chứng tồn tại vĩnh viễn,như di chứng đột quỵ hay di chứng nhồi máu cơ tim.

Điều trị

    Điều trị hội chứng Covid kéo dài đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về hậu Covid cũng như cần kế hoạch chặt chẽ, lâu dài và sự kết hợp của nhiều chuyên khoa. Hiện TP HCM đã có nhiều cơ sở tại các bệnh viện chuyên trị bệnh lý Covid kéo dài, kết hợp tập vật lý trị liệu.

Phòng ngừa

    Hội chứng hậu Covid có thể xảy ra ở mọi bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng, với biểu hiện lâm sàng đa dạng, đôi khi chỉ là bất thường trên các cận lâm sàng mà không có triệu chứng. Tất cả bệnh nhân hồi phục cần được theo dõi, tầm soát các rối loạn có thể có, từ đó lên kế hoạch điều trị tích cực, lâu dài.

Chụp CT kiểm tra phổi cho một bệnh nhân ho và khó thở kéo dài do hội chứng hậu Covid tại bệnh viện Nam Sài Gòn. Ảnh. Hoàng Khương

Chụp CT kiểm tra phổi cho một bệnh nhân ho và khó thở kéo dài do hội chứng hậu Covid tại bệnh viện Nam Sài Gòn. Ảnh. Hoàng Khương

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thy

Khoa Nội - Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

Nguồn: VnExpress

Ý kiến của bạn