/

Nơi những ảnh, tượng cũ được “hồi sinh”

Thứ năm, 10/12/2020, 20:53 GMT+7
   GN - Từ mục đích ban đầu là tiếp nhận tranh, tượng Phật, kinh sách,… đã hư hoại về một nơi để tịnh hóa, những con người thầm lặng đã làm nên “đời sống” mới cho các vật phẩm tưởng chừng như không còn sử dụng được nữa.
 
hinh xh 1040 (2).jpg
Những tôn tượng được chọn chờ người hữu duyên đến thỉnh miễn phí - Ảnh: Như Danh/Báo Giác Ngộ
 
Một ngày ở Trung tâm Tịnh hóa
 
   Đến thăm Trung tâm Tịnh hóa vào một sáng Chủ nhật, chúng tôi được đón tiếp bởi bác Năm (75 tuổi), người phụ trách trông coi, sắp xếp tại trung tâm. Nhờ sự chăm chút của bác, trung tâm với khu vực riêng như: nơi để tượng bị bể vụn, tôn tượng bị hư có thể phục hồi, khung hình cũ, phần để hỏa tịnh, kinh sách cũ, tượng để thỉnh… được phân loại gọn gàng, ngăn nắp.
 
   Nằm trong khuôn viên tu viện Như Giác (huyện Củ Chi, TP.HCM) với diện tích trên 400m2, cách trung tâm TP.HCM hơn 50km, Trung tâm Tịnh hóa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12-12-2012.
 
   Sư cô Thích nữ Đức Tâm, người sáng lập và điều hành Trung tâm Tịnh hóa suốt 7 năm qua, cho biết trước đây, nhiều khi đi ngoài đường, cô thấy mọi người để tranh, tượng Phật bị hư hỏng ngả nghiêng ở góc đường, ngã ba khiến bản thân vô cùng xót xa. Không gian đô thị chật hẹp, người dân lẫn các chùa không có điều kiện xử trí những tranh tượng cũ cho ổn thỏa. Từ đó, cô đã nảy sinh ý định thành lập Trung tâm Tịnh hóa.


Xem điểm tin Giác Ngộ số 44
 
   Từ nhiều điểm tiếp nhận trong thành phố, các loại tôn tượng, kinh sách, ấn phẩm Phật giáo, khung tranh, ảnh Phật,... được vận chuyển về trung tâm. Bác Năm là người trực tiếp lo công việc vận chuyển từ xe vào bên trong. Những lúc cao điểm, đặc biệt những ngày cuối năm, bác còn làm việc cả vào ban đêm. Dù vất vả, công việc này lại mang đến cho bác nhiều an vui.
 
   Được biết, tại Trung tâm Tịnh hóa, những người phụ trách phân loại luôn trân trọng kinh sách, hình ảnh Đức Phật, Bồ-tát cho dù đã hư hoại. Trước khi hỏa tịnh, trung tâm luôn luôn tiến hành làm lễ tụng kinh, sái tịnh các vật phẩm.
 
   Riêng với những tôn tượng hư hỏng nhẹ thì được tìm cách phục hồi nguyên trạng, tượng còn nguyên, kinh sách hay các vật phẩm còn tốt thì được đưa đi trưng bày ở khu vực riêng để Phật tử, người dân hay các tự viện ở vùng sâu vùng xa có nhu cầu tới thỉnh miễn phí.
 
“Nên ấn tống những gì chùa cần…”
 
   Nhu cầu tịnh hóa của các cá nhân và cơ sở ngày một lớn theo thời gian, tuy nhiên hiện tại, Trung tâm Tịnh hóa chưa đủ điều kiện để đáp ứng một cách chu toàn nhất. Dự kiến sắp tới, một trung tâm tịnh hóa mới với sức chứa lớn hơn sẽ được tiến hành xây dựng cách địa điểm hiện tại 16km để giảm bớt áp lực cho trung tâm cũ đã gần quá tải.
 
   Tuy nhiên, việc cần thiết hơn hết đó chính là ở cách ấn tống và sử dụng hợp lý. Theo Sư cô Đức Tâm, trong quá trình sắp xếp tại đây, có những kinh sách photo, ấn tống còn mới tinh mà các chùa không dùng tới cũng được đưa đến trung tâm. Khi được hỏi tại sao những kinh sách này lại không được dùng, phía đưa đến đôi khi cho biết lý do là “chùa không tụng vì bản photo chữ không rõ, nội dung không phù hợp”.
 
   Chính vì vậy, để không gây lãng phí và việc ấn tống cũng có ý nghĩa hơn, những cá nhân, tổ chức phát tâm ấn tống có thể gửi hiện kim hoặc thỉnh kinh sách mà chùa thật sự cần sử dụng, chứ không nên ấn tống theo ý riêng để rồi khi đưa đến, các tự viện lại không có nhu cầu dùng để phải xếp vào một góc hoặc mang đi tịnh hóa.
 
   Làm được như vậy, việc ấn tống trở nên thiết thực, việc tiếp nhận của các chùa, tự viện cũng trở nên phù hợp hơn và trên hết, đó là tránh được những lãng phí để rồi cả người cho và người nhận đều rơi vào tình trạng khó xử.
 
Như Danh/Báo Giác Ngộ

 

Nơi tiếp nhận tranh tượng, ấn phẩm hư cũ để chuyển đến Trung tâm Tịnh hóa: 1. Siêu thị Pháp Hoa (chùa Phổ Quang, số 64/3 Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM - Điện thoại: (028) 3845 1828); 2. Tổ In ấn và phát hành kinh sách (380/1 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM - Điện thoại: (028) 3848 3228 - (028) 3848 3800); 3. Nhà hàng chay Vajra (711 Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM - Điện thoại: (028) 3979 7168); 4. Văn phòng đại diện của Trung tâm Tịnh hóa (40 Cù Lao, P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Điện thoại: (028) 3517 2828 - 0913.808.338).

 

Ý kiến của bạn