/

Tiểu sử Tổ Minh Hải - Sơ Tổ Thiền phái Lâm Thế Chúc Thánh

Thứ năm, 09/12/2021, 15:20 GMT+7

TIỂU SỬ SƠ TỔ THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH

MINH HẢI - ĐẮC TRÍ - PHÁP BẢO

(1670-1746)

265932588_212724441044726_6718638996058883322_n
Long vị Tổ sư Minh Hải (1670-1746)
 

     Hòa thượng thế danh Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) nhằm vào năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ Ngài là cụ ông húy Lương thụy Đôn Hậu, thân mẫu tộc Trần thụy Thục Thận. Ngài là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, anh trai là Lương Thế Bảo, em trai là Lương Thế Định. Được sinh ra trong một gia đình thuần phong Nho giáo, nên thuở thiếu thời, Ngài tỏ ra thông minh khác người.

     Năm Mậu Ngọ (1678), Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Phước Kiến, lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 9 tuổi. Sau một thời gian dài tu học, khi tuổi vừa tròn 20 thì Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu là Pháp Bảo, nối pháp đời 34 tông Lâm Tế truyền theo bài kệ của tổ Vạn Phong Thời Ủy.

     Tại Việt Nam, vào niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 3 đời vua Lê Huyền Tôn, Đinh Tỵ (1677) đời chúa Nguyễn Phúc Tần, Ngài Nguyên Thiều đi theo thuyền buôn sang An Nam, đến trú tại phủ Quy Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp – Di Đà. Sau đó, Ngài ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung và chùa Quốc ân. Thể theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1648-1681), ngài Nguyên Thiều trở về Trung Quốc thỉnh chư tăng và các pháp khí sang An Nam lập đàn truyền giới. Mãi cho đến năm Ất Hợi (1695) thì Ngài mới thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm cũng như các ngài Minh Hải-Pháp Bảo, Minh Vật-Nhất Tri, Minh Hoằng-Tử Dung, Minh Lượng-Thành Đẳng v.v… trong hội đồng thập sư sang truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó đoàn ra Thuận Hóa và được chúa Nguyễn Hiển Tông đón tiếp trọng thể và thỉnh về trụ tại chùa Thiền Lâm.

     Ngày mồng 1 tháng 4 năm Ất Hợi (1695), giới đàn được khai mở do Ngài Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng. Giới đàn truyền các giới Sa Di, Tỳ Kheo và Bồ tát với tất cả 1400 giới tử trong đó có cả các vương hầu khanh tướng. Đặc biệt, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu được truyền riêng 1 đàn giới và được Hòa thượng đàn đầu ban cho pháp danh Hưng Long, hiệu là Thiên Túng Đạo Nhơn.

     Sau khi giới đàn thành tựu, ngày 28 tháng 6 năm Ất Hợi (1695), phái đoàn trở vào lại Hội An để chờ thuyền về nước. Tại Hội An, đoàn trú tại chùa Di Đà và thể theo lời thỉnh cầu của chư Tăng cũng như bổn đạo, Ngài Thạch Liêm lập đàn truyền giới cho 300 giới tử. Ngày 19, đoàn rời Hội An ra Cù Lao Chàm, lên thuyền chờ gió. Ngày 30 thuyền nhổ neo nhưng bị nghịch gió nên phải trở lại Hội An. Ngày 12 tháng 10, chúa Nguyễn mời ngài Thạch Liêm trở lại Phú Xuân lập đàn cúng Phật truyền giới một lần nữa tại chùa Linh Mụ. Sau đó đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý (1696) ngài Thạch Liêm cùng với phái đoàn trở về Quảng Đông và không qua nữa.

     Sau khi Ngài Thạch Liêm về nước, có một số vị trong phái đoàn ở lại An Nam, trác tích khai sơn hoằng hóa như ngài Minh Hoằng-Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa, ngài Minh Lượng-Thành Đẳng khai sơn chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An và ngài Minh Hải-Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô-Hội An. Lúc bấy giờ Ngài độ khoảng 26 hoặc 27 tuổi.

     Từ những ngày đầu tiên ở nơi mảnh đất đầy cát bụi này, Ngài chỉ lập một thảo am để tịnh tu phạm hạnh. Dần dần hương giới đức của Ngài lan tỏa khắp mọi nơi, ảnh hưởng đạo đức đến người dân phố Hội và các vùng phụ cận nên đồ chúng ngày một quy ngưỡng tham học.

     Thấy cơ duyên hóa độ đã đến, Ngài chính thức khai đường giảng pháp, tiếp tăng độ chúng. Để cho sự truyền thừa có quy cũ dài lâu, Ngài biệt xuất một bài kệ truyền pháp. Bài kệ truyền pháp của Ngài như sau:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

Đắc Chánh Luật Vi Tông

Tổ Đạo Giải Hạnh Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Nhơn Thiên Trung

     Từ đây, trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam có một dòng thiền mới xuất hiện mà sử sách gọi là dòng thiền Chúc Thánh, hay còn gọi thiền phái Minh Hải Pháp Bảo. Trong bài kệ này, 4 câu đầu dùng để đặt pháp danh và 4 câu sau dùng để cho pháp tự. Hiện nay, dòng thiền Chúc Thánh đã truyền xuống đến các chữ Thánh, Thọ và sự ảnh hưởng của dòng thiền này không những ở các tỉnh miền Trung, miền Nam mà còn lan tận đến các quốc gia ở các châu lục trên thế giới. Sau gần 50 năm sang An Nam trác tích hoằng hóa, đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Ngài gọi đồ chúng đến dặn dò và đọc kệ phú chúc:

Nguyên phù pháp giới không

Chơn như vô tánh tướng

Nhược liễu ngộ như thử

Chúng sanh dữ Phật đồng

     Tạm dịch:

Pháp giới như mây nổi

Chân như không tánh tướng

Nếu hiểu được như vậy

Chúng sanh với Phật đồng

     Sau khi phú chúc cho hàng môn đệ xong thì Ngài thâu thần thị tịch, trụ thế 77 tuổi. Đồ chúng cung thỉnh nhục thân của Ngài nhập bảo tháp ở phía Tây Nam trong khuôn viên tổ đình Chúc Thánh.

     Hằng năm, vào ngày mồng 7 tháng 11, Tăng Ni Phật tử trong toàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng vân tập về Chúc Thánh làm lễ tưởng niệm công đức của Ngài. Đặc biệt, cứ 3 năm một lần, vào các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi, Tăng Ni khắp nơi trong nước thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh tổ chức về nguồn nhân lễ húy kỵ của tổ khai sơn. Hiện tại dòng Lâm Tế Chúc Thánh phát triển sâu rộng trong và ngoài nước, tất cả cũng đều nhờ vào hồng ân của Tổ.

265536178_212724511044719_9220307659674230350_n
 
Tổ đường Tổ đình Chúc Thánh khoảng thập niên 90

     Từ khi tạo lập đến nay, chùa đã trải qua các lần trùng tu như sau:

     Sau tổ Minh Hải hai đời, vào năm Ất Mùi (1845), Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông khởi công đại trùng tu và chuyển hướng ngôi chùa từ hướng Tây sang hướng Tây-Nam để phù hợp với địa thế phong thổ. Qua 4 năm sau (1849), Ngài tiếp tục khởi công xây thêm tiền đường làm tăng gấp đôi diện tích trong chánh điện. Đến năm Nhâm Thìn (1892), Hòa thượng Chương Đạo Quảng Viên trùng tu lại tiền đường qui mô hơn. Năm Giáp Ngọ (1894), Hòa Thượng Chương Khoáng Chứng Đạo và phó trụ trì hiệu Quảng Đạt xây dựng thêm ngôi hậu tổ. Năm Ất Hợi (1911), Hòa thượng Ấn Bính Phổ Bảo lại khởi công đại trùng tu ngôi chánh điện, nâng nền tiền đường lên cao hơn và xây thêm các dãy đông đường, tây đường. Các năm 1954 và 1960, Hòa thượng Chơn Chứng Thiện Quả tiến hành trùng tu từng phần, khiến ngơi chùa trở nên hùng vỹ hơn. Năm Tân Mùi (1991), Hòa thượng Như Truyện Trí Nhãn trùng tu lại ngôi bảo tháp Tổ Minh Hải từ 3 tầng lên 7 tầng, rất uy nghiêm tráng lệ. Vào năm 2004, Thượng tọa Đồng Mẫn Huệ Tánh cùng với môn phái đã đại trùng tu toàn bộ Tổ đình Chúc Thánh. Lần trùng tu này kéo dài 4 năm, đến cuối năm 2008 hồn tất và lễ lạc thành được tổ chức vào trung tuần tháng 2 năm Kỷ Sửu (2009).

     Chùa Chúc Thánh xoay mặt về hướng Tây Nam cách trung tâm phố cổ Hội khoảng 1km về phía Bắc. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi một lớp hàng rào bằng cây dày độ khoảng 3m. Vì thế, Chúc Thánh vẫn còn giữ được không khí u tĩnh của một ngôi cổ tự mặc dù bên ngoài đang nhộn nhịp với sự đô thị hóa. Trong vườn chùa có khoảng vài chục ngôi tháp, nơi lưu giữ nhục thân của Tổ khai sơn cũng như chư Tăng trong môn phái.

     Hiện tại chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ quý hiếm cũng như các kinh sách xưa rất có giá trị về mặt lịch sử và học thuật. Điều này phần nào đó cũng cho chúng ta thấy được tinh thần tu học của chư Tăng nơi chốn Tổ từ trước đến nay.

     Tổ sư Minh Hải đã thế độ các vị đệ tử, sau này trở thành bậc đống lương kiệt xuất như:

          HT Thiệt Dinh - Ân Triêm: đệ nhị trụ trì Tổ đình Phước Lâm.

          HT Thiệt Diệu - Chánh Hiền: kế vị trụ trì Tổ đình Chúc Thánh.

          HT Thiệt Úy - Khánh Vân: trụ trì Tổ đình Thiên Ấn - Quảng Ngãi.

          HT Thiệt Đăng - Bảo Quang: khai sơn chùa Giang Long ( tức Tổ đình Sơn Long - Bình Định)

          HT Thiệt Thuận - Huệ Trương: khai sơn Tổ đình Linh Sơn - Phù Cát.

          HT Thiệt Hội - Viên Quang: long vị hiện phụng thờ tại Quốc tự Linh ứng - Đà Nẵng.

          HT Thiệt Lương: khai sơn chùa Thiên Đức - Hội An.

265736410_212724581044712_7832853548993113636_n
Bảo tháp Tôn trí Nhục Thân Tổ Sư Minh Hải

     Từ khi Tổ Minh Hải khai sơn, chùa Chúc Thánh đã trải qua 300 năm và 12 đời trụ trì như sau:

          01. Đời 34: Ngài Minh Hải-Đắc Trí-Pháp Bảo.

          02. Đời 35: Ngài Thiệt Diệu-Chánh Hiền.

          03. Đời 36: Ngài Pháp Diễn-Bảo Tràng

          04. Đời 37: Ngài Toàn Đăng-Bảo Nguyên.

          05. Đời 37: Ngài Toàn Nhâm-Vi Ý-Quán Thông.

          06. Đời 38: Ngài Chương Đạo-Tuyên Tùng-Quảng Viên.

          07. Đời 38: Ngài Chương Khoáng-Tuyên Điền-Chứng Đạo.

          08. Đời 39: Ngài Ấn Bính-Tổ Thuận-Phổ Bảo.

          09. Đời 40: Ngài Chơn Chứng-Đạo Tâm-Thiện Quả.

          10. Đời 40: Ngài Chơn Nhật-Đạo Chiếu-Quang Minh.

          11. Đời 41: Ngài Như Truyện-Giải Lệ-Trí Nhãn.

          12. Đời 43: Ngài Đồng Mẫn-Thông Niệm-Huệ Tánh

     Từ Chúc Thánh, các đệ tử cũng như các pháp tôn nhiều đời của Ngài đã đem ánh sáng chánh Pháp hoằng truyền khắp mọi nơi. Từ Quảng Nam trở vào đến các tỉnh miền Nam đều có dấu chân hành hóa của chư Tăng thuộc thiền phái Chúc Thánh, không chỉ trên quê hương Việt Nam, các Ngài còn đem ý chỉ của Tổ truyền bá khắp các quốc gia thuộc Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc.

     Hằng năm, vào ngày mồng 7 tháng 11, chư Tăng tại Quảng Nam-Đà Nẵng đều vân tập về Chúc Thánh tưởng niệm ngày viên tịch của Tổ khai sơn. Đặc biệt 3 năm một lần, vào các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi, chư Tăng thuộc môn phái Chúc Thánh khắp các nơi trong nước đều tổ chức về nguồn dự lễ húy nhật Tổ sư cũng như họp bàn các công tác Phật sự của tông môn.

     Chúc Thánh vẫn mãi là một tổ đình để các thế hệ Tăng Ni Phật tử quy ngưỡng. Đây là một danh lam mà mỗi người con Phật nên đến hành hương chiêm lễ mỗi khi có dịp về thăm đất Quảng Nam.

Ban Biên Tập

Ý kiến của bạn