Sống vẫn là điều linh thiêng - Hoà thượng Thích Minh Châu

Thứ năm, 21/01/2021, 08:15 GMT+7

   Nhan đề của ngày tôn giáo hoàn cầu hôm nay là “Sự Canh Tân Tôn Giáo”, và các đại biểu Công giáo, Đạo Baha'i và Phật giáo, mỗi vị đã trình bày “Sự Canh Tân Tôn Giáo” trong tôn giáo của mình với tất cả sự chân thành đáng kính với ý chí sắt đá muốn “làm lại, sửa đổi lại cho mới”, sửa đổi lại cho mới hơn những gì đã, mất sinh lực trong việc giải quyết sự khủng hoảng toàn diện của nhân loại hiện nay.

   Những gì cần phải nói và đáng phải nói, mỗi vị đại diện của từng tôn giáo đã nói rồi; nhưng chúng tôi với tư cách Chủ Tọa của ngày tôn giáo hoàn cầu này, chúng tôi xin khiêm tốn kết thúc lại nội dung buổi nói chuyện của tất cả chúng ta hôm nay. “Kết Thúc” không có nghĩa là trình bày sơ lược lại những ý kiến khác nhau về một chủ đề nhất định; kết thúc của chúng tôi chỉ có ý nghĩa khiêm tốn là thắt lại, buộc lại, cho thật chặt, thu vén lại, thắt chặt, siết chặt. Khi nói đến “Canh Tân Tôn Giáo” có nghĩa là “cái gì đã cũ thì sửa lại cho mới” hay “cái gì đã lỏng lẻo thì siết lại cho chặt”.

   Kết Thúc trong ý nghĩa vừa trình bày có ý nghĩa là thắt chặt lại kinh nghiệm tôn giáo của mỗi người có mặt tại đây vào ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ kết thúc trong ba điểm:

      - Thứ nhất: Kinh nghiệm tôn giáo của riêng chúng tôi,

      - Thứ hai: Canh Tân Tôn Giáo có nghĩa là gì?

      - Thứ ba: Tôn giáo và những linh thoại của thời đại.

127838402_1045881255886628_6149509685237515172_o

I. KINH NGHIỆM TÔN GIÁO CỦA RIÊNG CHÚNG TÔI:

   “Tu Sĩ” có nghĩa là “con người Tôn giáo” (homo religiosus), con người sống tôn giáo của đời mình. Bất cứ một “con người tôn giáo” nào cũng đều là “tu sĩ”, dù người ấy có mặc áo tu hay không, “chiếc áo không làm thành thầy tu”, câu này có nghĩa là “con người tôn giáo” trước hết phải là con người có kinh nghiệm tôn giáo. Kinh nghiệm tôn giáo của chúng tôi đã kéo dài mấy mươi năm và đã trải qua bao nhiêu “sự canh tân” trong tâm tư chúng tôi.

   Hồi còn là thanh niên, chúng tôi cũng giống bao nhiêu thanh niên khác vào thời đại bây giờ, sống qua bao nhiêu sự giao động của thời kỳ chuyển tiếp giữa cũ và mới, giữa Đông Phương huyền bí, “dị đoan” và Tây Phương tiến bộ, văn minh. Sống giữa không khí nhiễm đầy tinh thần duy lý và khoa học, tất nhiên chúng tôi rất sợ và rất ghét những gì có vẻ “dị đoan, mê tín”. Điều ấy đã khiến chúng tôi khinh bỏ đạo Phật, vì lúc bấy giờ, chúng tôi cho rằng đạo Phật đẩy “dị đoan mê tín huyễn hoặc”. Đó là giai đoạn đầu khi chúng tôi mới tiếp xúc với đạo Phật. Đến giai đoạn thứ hai thì tâm thức chúng tôi bỗng được canh tân; được dịp may gặp gỡ những bậc cao minh về Phật giáo, được dịp tốt học hỏi, đọc sách, tìm hiểu đạo Phật, chúng tôi bỗng thấy rằng đạo Phật đã giải đáp hết những thắc mắc đời sống chúng tôi, chúng tôi liền hăng say vào đạo, tích cực hoạt động hăng say cho đạo, lòng đầy tự phụ hăng hái, làm việc phụng sự đêm ngày cho đạo, tự cho rằng mình hiểu đạo Phật hơn ai hết. Và say sưa bênh vực đạo Phật, đã kích bài bác những tôn giáo khác; lúc bấy giờ khi đọc câu của vua Asoka bảo rằng “Phải kính trọng những tôn giáo khác và giúp cho những tôn giáo được phát huy” thì hậm hực tức tối và tự hỏi tại sao phải làm thế, vì tất cả những tôn giáo khác đều sai lầm, chỉ có đạo Phật là chính đạo, “lúc bấy giờ chúng tôi hăng say cho rằng phải phá tà hiển chính”, nghĩa là “Đạo Phật mới duy nhất là chính, còn tất cả đều là tà”. Đó là giai đoạn thứ hai, nhưng đến giai đoạn thứ ba thì mới có nhiều điều bất ngờ hiện đến trong đời sống của chúng tôi. Giai đoạn thứ ba này là giai đoạn hiện nay chúng tôi đang sống. Kinh nghiệm tâm linh dần dần làm chúng tôi lắng dịu mọi sự nông nỗi bồng bột và giúp chúng tôi hiểu được lời khuyên bất hủ ấy của vua A Dục; bây giờ chúng tôi mới thấy rõ đạo Phật chỉ là đạo Phật và vì đạo Phật không chủ trương chinh phục ai cả hay nói một cách hơn, chính thái độ kính trọng ấy mới là đạo Phật, thành ra đạo Phật; nếu không có sự kính trọng ấy thì đạo Phật không còn là đạo Phật nữa.

   Chúng tôi xin giải minh ngay đây rằng “kính trọng” ở đây không có nghĩa cho rằng “mình đã nhìn thấy rồi và phải kính trọng những kẻ chưa nhìn thấy như mình”. Kính trọng như thế không đúng nghĩa là kính trọng. Như vậy chữ kính trọng của chúng tôi dùng có nghĩa là gì? Hai chữ Kính trọng ấy mang một ý nghĩa đặc biệt xuất phát từ kinh nghiệm tôn giáo. Muốn hiểu ý nghĩa của mấy chữ “kinh nghiệm tôn giáo” thì trước hết phải hiểu chữ “tôn giáo”; muốn hiểu bản tính của tôn giáo thì chúng ta canh tân ý nghĩa của hai chữ “tôn giáo”. Bây giờ chúng tôi xin trình bày ý nghĩa của “Sự Canh Tân Tôn Giáo” trước khi minh định nghĩa của tôn giáo.

tongiao1

II.- “SỰ CANH TÂN TÔN GIÁO” CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

   Theo nghĩa thông thường của người đời, “Sự Canh Tân Tôn Giáo” có nghĩa là “biến đổi tôn giáo cũ cho thích nghi với thời đại nay”.

   Như thế chúng ta có thể giải minh đại khái như sau:

      1. Mỗi một tôn giáo đều xuất hiện vào một thời đại nhất định nào đó của lịch sử;

      2. Thời hiện đại có nhiều đổi thay mới, khác hẳn thời tôn giáo xuất hiện;

      3. Phải “canh tân tôn giáo” nghĩa là đổi thay lại mới tôn giáo cũ để tôn giáo cũ được thích ứng, thích nghi với vấn đề mới của thời hiện đại.

   Chúng tôi thấy rằng quan niệm vừa trình bày là mảnh đất chung để mỗi vị đại diện tôn giáo nói lên sự thích nghi của tôn giáo mình đối với thời đại mới này. Nhưng có điều mà không biết chúng ta có lưu ý hay không, đó là điều chúng tôi muốn trình bày sau đây:

      - Thời đại mới phải thích nghi với tôn giáo hay tôn giáo phải thích nghi với thời đại mới?

   Hay khác hơn:

   Chân lý phải thích nghi với lịch sử hay lịch sử phải thích nghi với chân lý?

   Chúng tôi xin thắt chặt câu hỏi lại cho chặt chẽ hơn nữa:

   Linh thể (le sacré) là lệ thuộc, nô lệ, thuận theo tục thế (le profane) hay tục thế (le profane) là nô lệ của linh thể (le sacré)?

   Chúng tôi xin đặt lại câu hỏi một cách nghiêm trọng hơn nữa:

      - Cái nào quan trọng và chính yếu? Linh thể (le sacré) hay tục thế (le profane)? chúng ta phải thích nghi với linh thể (le sacré) hay phải thích nghi với tục thế (le profane)?

   Câu hỏi chúng tôi vừa nêu là câu hỏi quan trọng mà mỗi vị đại diện của mỗi tôn giáo đã tiềm tàng trả lời khi phát biểu ý kiến của mình. Tất cả sự trả lời đều chứa đựng tiềm tàng một tư thế sống với thế giới và cuộc đời. Có hai tư thế hiện hữu ở thế gian này.

      - Thứ nhất: kinh nghiệm linh thiêng (l'expérience-sacrée).

      - Thứ hai: kinh nghiệm phàm tục (l'expérience profane).

   Kinh nghiệm linh thiêng là kinh nghiệm về linh thế (le sacré); đó là kinh nghiệm tôn giáo, con người tôn giáo là con người có kinh nghiệm hiểu biết nào đó về linh thể (le sacré); vì linh thể (le sacré) hiển bày, xuất hiện như một cái gì khác hẳn tục thế (le profane); kinh nghiệm hiện bày của linh thể này được gọi là sự “hiển linh”; “sự hiển linh” có nghĩa sự linh thiêng hiển hiện giữa thế gian; Mircea Eliade, một học giả nổi danh ở thế giới và tôn giáo học, đề nghị gọi là “hiérophanie”, theo định nghĩa của Mircea Eliade là “một cái gì linh thiêng hiển bày ra cho chúng ta”. Do đó, tất cả mọi tôn giáo, từ tôn giáo sơ khai ấu trĩ cho đến tôn giáo mới mẻ tiến bộ nhất, tất cả mọi tôn giáo đều là những sự “hiển linh” những sự hiển bày ra của những thực tại linh thiêng.

   Đặt trên những nhận thức vừa trình bày về tôn giáo học, chúng tôi muốn xác định lại câu hỏi:

      - Kinh nghiệm linh thiêng có cần phải thích nghi với kinh nghiệm phàm tục không?

   Nói một cách cụ thể hơn:

      - Con người, một sinh thể linh thiêng có cần phải thích nghi với “biến trình phàm tục hóa” (processus de désacralisation) không?

   Muốn hiểu hết nội dung của câu hỏi vừa nêu, chúng tôi xin trình bày ý nghĩa của “sự canh tân tôn giáo” trong ý nghĩa thực của hai chữ “tôn giáo” trong những hình thế tục hóa của thời hiện đại này.

gioi-thieu-sach-thich-minh-chau-2-da-an-tong-4

III. TÔN GIÁO VÀ NHỮNG LINH THOẠI THỜI ĐẠI:

   Tôn giáo là kinh nghiệm về linh thể (le sacré) do đó, không có “mới”, không có “cũ”. Hai chữ “mới, cũ”, là những chữ xuất phát từ hậu quả của biến trình tục hóa thế gian. Ngay đến chữ “canh tân” cũng lệ thuộc vào sự tục hóa (désacralisation). Con người phi tôn giáo (l'homme profane) tức là kết quả của tính cách tục hóa về sự hiện hữu con người (lerésultat d'unedésacralisation de l'existence humaine).

   Thời đại này là thời đại mà con người phi tôn giáo ngự trị, con người phi tôn giáo là con người phủ nhận sự linh thiêng và cho rằng không có gì linh thiêng trên đời này, nhưng giáo sư trứ danh Mircea Eliade đã vạch trần những “linh thoại” của thời đại này, (les mythes de l'homme moderne). Người ta ngày nay thường nói đến “huyền thoại”, đó là chữ dịch sai của “mythe”, nếu dịch đúng theo ý nghĩa của mythe trong ý nghĩa của mythos trong Hy Lạp thì phải dịch là “linh thoại”. Con người phi tôn giáo, nghĩa là chối bỏ mọi tôn giáo thì lại không thoát khỏi những “thần thoại”, những “linh thoại”. Con người phi tôn giáo đã phá bỏ “những linh thoại cũ” của mọi tôn giáo để rồi lại vô tình nô lệ vào “những linh thoại mới” của thời đại như những linh thoại chứa đựng trong chữ; lịch sử, xã hội, không giai cấp, lao động, xã hội, dân chủ, tự do, công bình, tiến bộ v.v...

   Thế giới ngày nay bị khủng hoảng, những giá trị đổ vỡ, những ý thức hệ giao tranh với nhau, nạn nghèo đói, chiến tranh, nô lệ vào máy móc; nô lệ vào vật chất, tất cả mọi sự bi đát thê thảm này đều xuất phát từ kết quả của tiến trình tục hóa đời sống con người. Vì thế, “canh, tân, tôn giáo” không có nghĩa là “sửa đổi tôn giáo cho được thích nghi với tiến trình tục hóa con người” mà phải trả tôn giáo trở về vị trí linh thiêng của hai chữ tôn giáo. Do đó, canh tân tôn giáo trước hết phải hiểu là “canh tân sự tục hóa của tôn giáo”. Mỗi khi trong hàng ngũ tôn giáo có sự chia rẽ, phân ly, không đoàn kết thì lúc đó tôn giáo đã bị tục hóa (désacralisée), mỗi khi tôn giáo này chống đối với tôn giáo khác thì lúc ấy tính cách tục hóa đã xảy ra giữa hai tôn giáo, chiến tranh khắp thế giới lan rộng; con người càng lúc càng nghèo đói, nghèo đói về vật chất cũng như nghèo đói về tinh thần, đó là hậu quả của sự tục hóa thế gian này.

   Giờ đây, chúng tôi hiểu tại sao phải kính trọng các tôn giáo khác, tại sao tất cả mọi tôn giáo phải kính trọng lẫn nhau, vì kính trọng ở đây có nghĩa là kính trọng sự hiển linh, kính trọng tính cách HIEROPHANE đã được thể hiện trong từng tôn giáo, từ tôn giáo của đồng bào Thượng cho đến tôn giáo của con người “văn minh” nhất ở thời đại này. HIÉROPHANIE là “Hiển linh” (chữ Hy Lạp: Hieros = linh thiêng, Phainein = hiện bày). Sự kính trọng chỉ xuất hiện khi nào có một cái gì đó thiêng liêng vượt hẳn sự tầm thường thế tục; cái gì thiêng liêng ấy chính là chân lý: Phật giáo đã được xây dựng trên hai chân lý: Chân đế (Para-màrtha- Satya) và Tục đế (Samvrti-Satya). Đối với sự tục hóa của thế gian thì phải cần tục đế, nhưng tục đế chỉ là một bước đi cần thiết để đến chân đế, cần phải có tục đế để nói lên chân đế, nhưng khi chân đế hiển hiện thì cả tục đế và chân đế chỉ còn là hai danh tượng trưng.

   Linh thể (le sacré) không thuộc vào một tôn giáo nào cả, mỗi một tôn giáo chỉ là một cách nhìn sự hiển bày của linh thể, con người phi tôn giáo, phủ nhận linh thể cũng là con người bị lệ thuộc vào một giá trị linh thiêng nào đó, nếu giá trị linh thiêng ấy không ở trên trời thì cũng ở dưới đất, không ở dưới đất thì cũng ở trong lòng người, không có ở trong lòng người thì ở trong ý thức hoặc trong vô thức con người. Chối bỏ hết mọi linh thiêng thì cũng đương nhiên nhận rằng sự chối bỏ là một hành động linh thiêng. Khi con người còn sống và tôn trọng sự sống thì sự sống vẫn là điều linh thiêng (vie sanctifiée); vì sự kính trọng sự sống có nghĩa là kính trọng sự thiêng liêng của đời sống, cho nên kính trọng không có nghĩa là không tục hóa, không hạ thấp linh thể. Kính trọng tất cả mọi tôn giáo có nghĩa là kính trọng linh thể, và “canh tân” lệ thuộc vào tiến trình tục hóa thế gian. Có như thế, chúng ta mới có thể “canh tân lại thời đại cho sự hiển linh của đời sống con người được xuất hiện ở thế gian đen tối này”.

phatgiaoaluoi.com-ht-thich-minh-chau-copy

Trích TRƯỚC SỰ NÔ LỆ CỦA CON NGƯỜI

Con Đường Thử Thách Của Văn Hóa Việt Nam. Lotus Media tái bản và ấn tống, tháng 10, 2020.

Ý kiến của bạn