Phúc báo do tự mình trồng!

Thứ sáu, 21/09/2018, 22:15 GMT+7

         n Độ có một hoàng hậu tên là Jasmine, là vợ của vua Pasenadi. Nhà vua thường nói với hoàng hậu: “Nàng bây giờ tốt số được làm hoàng hậu đều nhờ ta cả! Vậy nên nàng phải cảm ơn ta”.

          Một hôm, nhà vua hỏi hoàng hậu:       “Người nàng yêu nhất trên thế gian này là ai?”.

                                                                      “Vợ ta thế nào chả nói yêu ta nhất”, nhà vua nghĩ thầm.

                                                                      “Thiếp yêu bản thân mình nhất”.

          Nghe vậy, nhà vua rất không hài lòng, ông nói: “Nàng được sống tốt thế này, được dùng những thứ tốt như thế này, đều từ ân sủng của ta mà có cả”.

          Hoàng hậu liền đáp: “Nào đâu phải vậy! Thiếp nghe Phật Tổ nói đây chính là phúc báo mình tự tạo ra, không phải do hoàng thượng ân sủng mà có”.

          Pasenadi nghe vậy liền nổi giận, ông muốn hoàng hậu biết rằng, tất thảy những gì của nàng đều do nhà vua ban cho, vì vậy nhà vua cố ý tặng cho hoàng hậu một chiếc nhẫn kim cương vừa to vừa sáng rồi tranh thủ lúc hoàng hậu ngủ lại cố tình phái người đến ăn trộm chiếc nhẫn vứt xuống sông.

          “Ta thấy nàng tốt số thế này đều do ta ban cho cả”, nhà vua bừng bừng cơn giận nói.

          Sáng hôm sau, hoàng hậu đi tìm nhà vua, nhà vua cố tình hỏi: “Vì sao nàng không đeo chiếc nhẫn kim cương ta tặng vậy?”.

          Jasmine nói: “Đêm qua khi thiếp ngủ không biết đã bỏ đâu rồi, tìm không ra”.

          Pasenadi nói: “Nàng xem! Nếu như đây là phúc báo của nàng, vậy chẳng phải bây giờ chẳng còn nữa hay sao?”.

          Hoàng hậu trả lời: “Vạn sự tùy duyên! Phải là của thiếp thì sẽ là của thiếp, không phải là của thiếp thì cũng chẳng có cách gì”.

          Vua Pasenadi cảm thấy đắc ý trong lòng.

          Hai ba hôm qua đi, hoàng hậu Jasmine phải chiêu đãi khách ngoại bang, liền gọi người hầu đi ra ngoài mua vài con cá lớn về nấu, kết quả là khi làm cá người hầu phát hiện trong bụng cá có một chiếc nhẫn kim cương liền mau chóng đưa lại cho hoàng hậu.

          “Đây chẳng phải là chiếc nhẫn của ta đó sao?”, hoàng hậu nhìn thấy rất vui liền đeo lên tay mình rồi đi tìm nhà vua.

          “Hoàng thượng, người xem chiếc nhẫn của thiếp lại ở đây rồi”.

          Nhà vua bối rối, đành nói thật, chiếc nhẫn ấy thực ra đã bị ông sai người ném xuống sông, cuối cùng ông đã tin: không phải ta ban cho mà chính là phúc báo của nàng.

          Nhà vua cũng nói vậy với công chúa, ông thường nói: “Con bây giờ được làm công chúa, sống những tháng ngày phú quý, đều vì ta ban cho, vậy nên con phải cảm ơn ta”.

          Công chúa đáp: “Phật Tổ không nói vậy, đây là phúc báo mà kiếp trước con bố thí mà có được, vì vậy con bây giờ mới được làm công chúa!”.

          Nhà vua nghe xong rất giận, nói với con mình: “Công chúa, tuổi con không nhỏ nữa, nên lấy chồng đi thôi, ta thay con làm chủ nhé!”.

          Sau đó nhà vua cố tình tìm một thanh niên nghèo khổ đến và gả công chúa cho anh ta. Nhà vua thầm nghĩ: “Gả xong rồi, đợi đến khi con thân tàn ma dại đến tìm ta, con sẽ hiểu rằng mọi thứ đều do ta ban cho, còn không thì sẽ là phúc báo của con”.

          Công chúa nghĩ rằng người học Phật thì phải tùy duyên nên thuận theo vua cha lấy chàng thanh niên nọ.

          Chàng trai nghèo khổ ấy trước đây là người thừa kế của một tiểu vương quốc, chàng đưa công chúa về nơi chôn nhau cắt rốn, hai người trẻ tuổi sửa sang lại nhà cửa đã cũ nát. Bỗng nhiên, họ tìm thấy một chiếc rương to ở dưới đất, khi mở ra, bên trong toàn là châu báu. Sau đó họ liền dùng số châu báu đó mua lại toàn bộ đất đai, xây dựng hoàng cung. Đợi mọi thứ an bài xong xuôi, công chúa liền đến nói với vua cha: “Phụ thân ơi! Dạo này chúng con sống rất tốt, mời cha đến chơi chỗ chúng con nhé!”.

          Vua Pasenadi nhìn thấy cơ ngơi của đôi trẻ, vô cùng ngạc nhiên, cuối cùng thì nhà vua cũng đã tin rằng: “Thì ra phúc báo của vợ ta, của con gái ta đều do họ tự trồng cả! Chẳng phải do ta ban cho!”

                                                                                                                                                                          Tác giả: Dân Nguyễn (Dịch từ ZGFJ)

Ý kiến của bạn