Phật Giáo đã làm gì cho đất nước?

Chủ nhật, 31/03/2019, 04:45 GMT+7

PHẬT GIÁO ĐÃ LÀM GÌ CHO ĐẤT NƯỚC ?

 
0204138co-phat-giao

       Trải qua gần hai nghìn năm du nhập vào nước ta, Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có truyền thống yêu nước với tinh thần “hộ quốc an dân", đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước, cùng trải qua bao thăng trầm và luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình truyền bá tư tưởng giáo lý Phật giáo.

       Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của Phật giáo. Qua nhiều triều đại phong kiến ở nước ta, nhiều vị vua quan là Phật tử với sự hiểu biết Phật pháp nên đã vận dụng những tinh hoa trong tư tưởng, triết lý của đạo Phật phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh. Chính vì vậy, Phật giáo đã hòa nhập trong cộng đồng và xã hội Việt Nam, trở thành một bộ phận văn hoá tinh thần, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc phong phú. Đạo từ đời mà có và đạo lại đi vào đời để giúp cho đời đơm hoa kết trái. Theo đó, đạo Phật luôn không tách rời cuộc sống con người nên giữ đạo để làm đẹp cho đời là hạnh nguyện của Phật tử. Thực tế, Phật giáo đã thích ứng với mọi hoàn cảnh lịch sử và văn hóa của dân tộc, hòa nhập cùng dân tộc như nước với sữa; gần gũi, thân thương với con người Việt Nam; góp phần xây dựng sự đoàn kết, hoà hợp dân tộc.

       Điểm lại lịch sử cho thấy, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã thể hiện tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc; đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Sự kiện các Thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… đã hết lòng phò vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền vì bách tính. Đặc biệt, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã hai lần khoác áo chiến bào cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông; khi đất nước yên bình, Ngài nhường ngôi cho con và vượt qua trở ngại lên núi Yên Tử tu thiền trở thành Sơ tổ Thiên phái Trúc Lâm Việt Nam. Đúng như trong diễn văn khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc (Vesak) năm 2008 tại Hà Nội vào ngày 14/5/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: “... đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư Đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay”.

trannhantong1Phật Hoàng Trần Nhân Tông

       Trong lĩnh vực hoằng dương chính pháp, Giáo hội thường xuyên tổ chức các đoàn đi thuyết pháp ở nhiều nơi; thông qua việc truyền bá triết lý và thực hành giáo lý Phật giáo để xây dựng đạo đức tốt đẹp, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần giảm bớt tiêu cực và tệ nạn xã hội; hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, làm những việc thiện, tránh những việc ác, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau thể hiện đức tính tốt đẹp của những người con Phật. Thông qua đó nhằm giúp con người tránh vô minh, chế ngự dục vọng, lòng tham lam để mang lại sự sáng suốt, an lạc, hạnh phúc và sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân, vì cộng đồng, góp phần ổn định xã hội.

       Hoạt động từ thiện, nhân đạo của Phật giáo Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay đã có gần 130 Tuệ tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 01 phòng khám đa khoa, hàng năm khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt người. Ngoài ra, Giáo hội còn tham gia nhiều hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng, như: hiện có hơn 1.000 lớp học tình thương, gần 40 cơ sở nuôi dạy hơn 20.000 trẻ em khuyết tật, mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin; chăm sóc những người già không nơi nương tựa, tư vấn và nuôi dưỡng những người bị nhiễm HIV/AIDS, hiến máu nhân đạo; tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và nhiều những việc làm nhân văn sâu sắc khác… Chỉ tính riêng trong năm 2011, số tiền làm công tác từ thiện, nhân đạo đã lên tới trên 800 tỷ đồng.

logoghpgvn-va-co

       Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “phụng đạo, yêu nước”, Giáo hội đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, Phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh của người dân và có những hoạt động đáp ứng nhu cầu cuộc sống tinh thần và vật chất của con người; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của tăng ni, Phật tử nên đã tạo thành một sức sống mãnh liệt, là nguồn cổ vũ lớn lao cho tăng ni, Phật tử ở trong nước và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc. Đó là thể hiện tinh thần Phật giáo Việt Nam luôn duy trì và phát huy truyền thống từ ngàn xưa, theo lời dạy của Đức Phật thực hiện lý tưởng hoằng dương chánh pháp, phụng đạo giúp đời; vừa đẩy mạnh hoạt động Phật sự, vừa tích cực tham gia hoạt động xã hội vì cuộc sống an lạc của con người không ngoài mục đích “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật”Thực tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn kiên định đường hướng hoạt động, tuyên truyền, vận động tăng ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức người và sức của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh với các lực lượng lợi dụng tôn giáo để phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam. Ngoài ra, Giáo hội còn tăng cường tham gia các hoạt động đối ngoại nhằm làm cho Phật giáo các nước hiểu được những thành tựu của Phật giáo Việt Nam và chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng; đồng thời còn góp phần là cầu nối giữa tăng ni, phật tử, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hoạt động Phật giáo, quy tụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc.

       Với những đóng góp đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hai lần được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều tập thể và cá nhân chức sắc, cư sĩ được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho 4 Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước.

       Trong xu thế hội nhập và bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển đa dạng, đời sống của người dân được nâng cao, con người có điều kiện để trau dồi kiến thức, vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng phát sinh và không phải là chuyện nhỏ; đó là: đạo đức từ trong gia đình, cơ quan, trường học cũng như xã hội xuống cấp nghiêm trọng; xu hướng tranh giành quyền lợi, mâu thuẫn, hưởng thụ, vụ lợi, chạy theo đồng tiền bằng nhiều thủ đoạn, làm ảnh hưởng lớn đến lối sống lành mạnh, trong sáng, vị tha, nhân ái,... Trước tình hình đó, vai trò trách nhiệm của Phật giáo trong việc giúp mọi người hiểu và sống hướng thiện, khoan dung với tinh thần từ bi, hỉ xả thì sự góp phần của Phật giáo trong giáo dục con người luôn hướng thiện nhằm giảm bớt những mặt trái, tội lỗi đang làm suy giảm những nét đẹp của văn hóa truyền thống là rất quan trọng. Làm được như vậy chính là góp phần thiết thực trong giáo dục ý thức, rèn luyện nhân cách và những phẩm chất tốt đẹp khác của con người để xây dựng quê hương, đất nước.

Nguồn: facebok Tuệ Uyển

Ý kiến của bạn