Nuôi Kumanthong dưới góc nhìn Phật Giáo

Thứ bảy, 21/07/2018, 17:10 GMT+7

NUÔI KUMANTHONG DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO

 

           Nuôi kumanthong không phải mới, đã xuất hiện ở Việt Nam nhiều năm, tuy nhiên những năm gần đây trở thành một hot trend thu hút rất đông các chị, các mẹ nuôi.

           Kumanthong là một loại bùa chú Thái Lan. Người ta tạo ra những búp bê, sau đó các thầy bùa giam những vong nhi vào những con búp bê này. Kumanthong được cho là có khả năng đem lại tài lộc, may mắn trong cuộc sống cũng như che chở cho chủ của nó. Người nuôi kumanthong giống như nuôi một đứa trẻ, tức cũng cho nó ăn uống, thương yêu và xem nó như một đứa con trong nhà.

           Đứng dưới góc nhìn Phật giáo, việc nuôi kumanthong là không nên và cũng không cần thiết vì những nguyên nhân sau:

           1. Việc thành bại được mất trong cuộc sống là do nhân quả mỗi người, không phải do một thế lực nào tác động lên được. Ngay cả Đức Phật cũng không thể thay đổi nhân quả, do đó việc một vong nhi có thể làm điều đó là việc phi lí.

           2. Các loại bùa chú đã bị Đức Phật lên án nghiêm khắc, xem bùa chú như công cụ của những thầy tà bạn ác dẫn con người vào con đường sa ngã. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ngài Anan bị dính chú thuật của Ma Đăng Gìa mà xém mất giới thể, may được Bồ Tát Văn Thù đến cứu kịp lúc.

           3. Chúng ta cần có thái độ ứng xử đúng đắn với những vong linh chưa siêu thoát. Đó là tâm từ bi và giúp họ sớm siêu thoát bằng cách khai thị về vô thường, buông bỏ chấp trước. Những lời dạy của Đức Phật là công cụ hữu ích giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Việc chúng ta nuôi một vong nhi như vậy chính là đang trực tiếp giam cầm họ, thể hiện một cái tâm chiếm hữu.

           4. Muốn được bình an, thành công trong công việc thì phải gieo nhân tương ứng. Bố thí, làm phước, cúng dường, tu tập, chuyển hóa tâm thức theo lời Phật dạy là nhân đưa đến quả lành trong cuộc sống. Đức Phật có nói với Ngài Anan rằng "các ông hãy tự thắp đuốc lên mà đi" là như vậy.

           Bài viết này trình bày theo quan điểm Phật giáo, còn những quan điểm giải thích khác theo hướng dân gian không bàn đến. Tất nhiên, cái gì không hiểu rõ thì không nên dính vào, nhất là liên quan tới tâm linh.

           Nếu Phật tử nào có ý định nuôi kumanthong thì nên suy nghĩ lại, và nếu có người thân muốn nuôi thì nên khuyên răn họ để tránh những điều không hay, gây tổn thiện nghiệp.

           Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

37550503_912649482261401_4749165224332886016_n

                                                                                                                                                                                                                 - Cư sĩ Pháp An -

Ý kiến của bạn