Gỗ và Rừng

Thứ sáu, 23/10/2020, 21:49 GMT+7

     Có bạn nhắn tin cho tôi nói rằng chùa chiền làm bằng gỗ, tiếp tay cho phá rừng. Vâng, đương nhiên nhà mình có một cây gỗ thì rừng mất đi một cây xanh. Nhưng cũng xin tách bạch rõ ràng, không nên quy kết tuỳ tiện.

newsdetail_img

     1. Chùa chiền xây dựng bằng gỗ hầu hết là những di sãn văn hoá kiến trúc lịch sử có sự tiếp nối từ quá khứ. Người xưa chỉ có các vật liệu chính để xây dựng nhà cửa, đình chùa bằng gỗ, đá, gạch nung.

     Xưa đất rộng người thưa, rừng già phong phú, việc chọn gỗ là tất yếu. Nay những chùa gỗ kia xuống cấp thì trùng tu cũng phải tuân theo những quy định bảo tồn di sản. Nếu phá cũ xây mới bằng các vật liệu mới thì cho rằng bê tông hoá, vô hồn vì xoá đi dấu tích thời gian. Nhưng thời gian nào ưu ái riêng cho công trình nào. Chùa có từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn còn lại đến nay cũng phải trải qua rất nhiều lần trùng tu, mở rộng hoặc thu hẹp, không thể xác định các nguyên bản hay cấu kiện gốc.

     Việc còn lại di sản kiến trúc quá khứ nào cũng là tài sản quốc gia, không nên đồng nhất một cách tuỳ tiện.

     2. Các công trình nhà cửa, cao ốc, chùa chiền, nhà thờ bằng các vật liệu mới hoàn toàn không sử dụng gỗ, thì hãy xem có cái gì không đào quật từ thiên nhiên và có phải vì thế mà nó ít gây hại cho môi trường không? Trong khi môi trường tự nhiên là một tổng thể hài hoà giửa sông núi cây cối, chim muông, thú vật. Khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên thì cái giá phải trả là đương nhiên. Toàn bộ con người đều đóng góp vào quá trình diệt vong này.

     3. Những công trình nhà cửa, đền chùa, nhà thờ xây mới mà có sử dụng cấu kiện gỗ đan xen thì phải xem nguồn gỗ này được nhập từ đâu, có hợp pháp không. Bởi một khi gỗ vẫn được xem là một loại vật liệu xây dựng, mua bán hợp pháp thì không thể ngăn cấm người tiêu dùng.

     4. Một số quốc gia có quy định rất rõ về sản xuất tiêu thụ gỗ từ rừng trồng và cấm tuyệt đối gỗ rừng nguyên sinh. Nhưng một số quốc gia vẫn chưa có quy định này nên ta thấy lim châu Phi, lim Indonesia vẫn được nhập vào Việt Nam.

     5. Thói quen sử dụng gỗ rất phổ biến trong tâm lý người Việt, sập gụ, tủ chè, bàn thờ gia tiên, trường kỷ... Cứ đi một vòng khắp các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh gỗ là thấy ngay. Mỗi người tự xem lại trong gia đình mình đang sử dụng cái gì thì sẽ rõ ngay thôi.

     6. Bản thân am cốc tôi đang ở, chỉ duy nhất ban thờ Phật bằng gỗ giáng hương mua ở cửa hàng, còn lại giường tủ bàn ghế đều là gỗ sồi nhập khẩu từ châu Âu. Tôi ý thức rất rõ về việc sử dụng gỗ nguyên liệu. Mặt khác huynh đệ tôi sử dụng 1/3 diện tích trồng cây rừng, còn lại là vườn cây ăn trái và hoa cảnh. Cần nói thêm, hầu hết chùa chiền ở các vùng rừng núi, nông thôn đều là nơi bảo tồn các giống cây qúy, tham gia bảo vệ và trồng rừng. Lấy của rừng một cây thì lo trồng 10 cây, 100 cây, lo gì thiên nhiên nổi giận.

     7. Một số chùa mới của các doanh nghiệp xây dựng to lớn nhằm thu hút du lịch thì phải tìm hiểu xem vì sao chính quyền cho phép nó xuất hiện. Bởi rõ ràng quy định xây dựng hình thành cơ sở tôn giáo rất nhiêu khê thông qua hàng loạt các quy định của nhà nước và của các giáo hội.

     8. Rừng thì phải có cây. Nhưng có cây chưa chắc đã thành rừng. Chẳng hạn khi người Pháp sang đô hộ, rừng nguyên sinh bị tàn phá để thay thế bằng các rừng cao su bạt ngàn, nhưng trước 1945 vẫn còn đến 14,3 triệu ha, với tỷ lệ che phủ lên tới 43,8%. Đến năm 2018, tổng diện tích rừng trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã đạt gần 14,5 triệu ha, với tỷ lệ che phủ đạt 41,65%. Nhìn vào thống kê này, nhìn vào thực tế bản đồ vệ tinh thì thấy chất lượng rừng hiện nay mới thực sự đáng bàn. Và do đó mới hiểu không phải cứ có cây là thành rừng. Vì rừng trồng phải mất nhiều trăm năm bảo vệ kỹ càng mới khôi phục được như tự nhiên.

     P/s: Hai tấm hình này tôi đăng đã hơn 1 năm, nay vừa xảy ra lũ lụt, bỗng thấy nó xuất hiện lại. Cũng đáng để bàn thêm đấy chứ.

Nguồn: Thầy Thích Thanh Thắng

Ý kiến của bạn