Chuyện 'gọi vong báo oán' ở chùa Ba Vàng

Thứ hai, 25/03/2019, 09:47 GMT+7

        Chuyện “Gọi vong báo oán” ở chùa Ba Vàng Quảng Ninh tạo ra những thông tin trái chiều. Nhưng điều đáng suy nghĩ hơn cả là không có phía nào (đại diện giáo hội, viện nghiên cứu tôn giáo, bộ văn hoá...) trả lời chuyện “vong” có hay không?

        Trả lời được câu hỏi này, ít nhất xét ở “hiện tượng xã hội” của chính nó thì sẽ tiếp cận gần hơn các vấn đề phát sinh chung quanh nó.

54798094_2254372754823355_8629858121197551616_n

        Vong, vong hồn, linh hồn, thần thức..., tuỳ mức độ ý nghĩa đậm nhạt khác nhau trong cách gọi của các tôn giáo tín ngưỡng mà tồn tại, nhưng đều dùng để chỉ cho “thế giới bên kia” của người đã chết.

        Đã có “vong” thì sẽ có chuyện “báo ân, báo oán”, trong kinh sách vấn đề này được miêu tả dày đặc, liên hệ tới nhân quả không chỉ trong một kiếp sống hiện tại mà trong nhiều kiếp đã qua.

        Việc cúng vong, thờ tự vong, thuyết vong, giải oan bạt độ cho vong có trong các nghi thức, nghi lễ Phật giáo.

        Việc thực hành các nghi thức tôn giáo này không thể quy kết đơn giản vào cụm từ “mê tín dị đoan”, bởi trong các nghi thức cúng vong đều là các bài giáo thuyết, khuyên răn vong nhận ra kiếp sống vô thường ngắn ngủi, cởi bỏ ân oán, chấp trược trong kiếp sống vừa qua mà tu đạo giải thoát. Lợi ích của khuyên răn vong nhằm giúp người còn sống nghe hiểu, từ đó nhận thức mà tránh xa tham sân si phiền não.

        Lý đương nhiên, để không bị mất tài sản thì đừng chiếm đoạt tài sản của ai, để không bị đoạt mạng vô cớ thì đừng ngang nhiên tước bỏ mạng sống của ai..., và cần phải nhìn nhận nhân quả này không chỉ đơn giản trong một đời tạo nghiệp.

        Vấn đề chính của câu chuyện “gọi vong báo oán” là cá nhân nào mượn, dựa vào đó để trục lợi, trục danh, hay gây ra những hoang mang khi không đủ năng lực tu hành để nhìn nhận các vấn đề cụ thể, ở những cá nhân, cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng cụ thể.

        Nếu một gia đình Phật tử cụ thể có người bị sát hại, không khó để nhà chùa nói về ân oán nhân quả, từ đó khuyên bảo an ủi người sống. Nhưng ở những đối tượng khác không có cùng niềm tin tôn giáo thì không nên mượn vào cá nhân cụ thể để so sánh, vì ân oán nhân quả trùng điệp của họ không dễ gì nhìn thấu hết được.

        Các hình thức “cho” vong nhập vào người sống để nói nhảm về nhân quả tội phúc đều không đáng tin.

        “Giải oan, giải kết” nhờ vào năng lực sám hối, nhận thức tội lỗi do thân - khẩu - ý gây ra, từ đó không tái phạm thêm mà nghiệp chướng dần dần được tiêu trừ. Không thể nhờ vào một người đang tạo nghiệp tham sân si “giải nghiệp” cho mình được. Thật nực cười khi một người đang gây thù chuốc oán lại vào vai người đi giải oán thù. Cũng như vậy, người đang tham danh khuyên người khác từ bỏ danh, kẻ đang hám lợi dạy người khác đừng sống chuộng vật chất, có thuyết phục hay không?

55538012_2254372761490021_1517597170436407296_n

        P/s: Không cần có “vong” nào đó cụ thể ngoài mình theo mình báo oán, mà chính tâm ma của mình tạo thêm ra các “vong” (x, y, z...) báo oán, truy đuổi cuộc đời mình không dừng nghỉ... Tâm ma dứt các não phiền, oán thù cũng theo đó tự giải mà thôi.

        Nào gọi vài ba con ma tham sân si trong mình ra uống trà nói chuyện xem nó có cho mình “giải” nó hay không nào?

                                                                                                                                                                                                                                                Nguồn: Thầy Thích Thanh Thắng

Ý kiến của bạn