Cảm nghĩ về tang lễ một nhà sư Phật Giáo

Thứ tư, 19/06/2019, 19:03 GMT+7

    Hòa Thượng Thích Quảng Thanh viên tịch ngày 09 tháng 6 năm 2019. Sự ra đi của Hòa Thượng để lại bao thương tiếc cho hàng ngàn tu sĩ và Phật tử VN tại hải ngoại.

1_3

    Lễ viếng Hòa Thượng Thích Quảng Thanh được thông báo tại chùa Quang Thiện từ Hòa Thượng Thích Minh Dung. Hôm đó đúng 100 ngày của ba tôi rời dương thế và chính Thầy Trụ Trì đã làm chủ buổi lễ cầu siêu bất ngờ này cho ba tôi.

    Lễ cầu siêu của ba tôi ngày diễn ra thật thiêng liêng cảm động dưới sự chủ lễ của Hòa Thượng Thích Minh Dung. Một sự xúc động xen vào nỗi niềm thương nhớ người cha vừa ra đi cũng là sự tiếc thương của một người tân Phật tử khi nghe tin một vị Hòa Thượng vừa viên tịch. Nén lại nỗi xúc động và lời cám ơn chân thành với Thầy và Phật Tử có mặt trong buổi lễ cầu siêu của ba tôi, tôi hỏi lại Thầy giờ thăm viếng Hòa Thượng Quảng Thanh và dự tính sẽ đến viếng Ngài như sự đền đáp ân tình của Thầy dành cho ba tôi.

    Thứ bảy ngày 15 tháng 6 năm 2019, vùng Santa Ana miền nam California ngập tràn nắng ấm. Những cơn gió nhẹ thoảng qua ngôi chùa Bảo Quang như muốn dừng lại tại nơi đây để cùng gởi lời tiếc thương chung với hàng ngàn Phật tử tụ về đưa tiễn Hòa Thượng Quảng Thanh. Tôi cũng có mặt tại sân chùa Bảo Quang lúc 4 giờ chiều cùng đoàn của chùa Quang Thiện vào thăm viếng Hòa Thượng Quảng Thanh lần cuối. Trong giảng đường tràn ngập đèn hoa cùng tiếng niệm kinh tiễn đưa Hòa Thượng Quảng Thanh.

3_1Quang cảnh chùa Bảo Quang ngày tang lễ Hòa Thượng Thích Quảng Thanh
    Bỗng dưng tôi nhớ đến ngày tang lễ của ba tôi tại ngôi thánh đường La Vang Our Lady cách chùa Bảo Quang này không xa vào 3 tháng trước. Ba tôi không phải là người đạo Công Giáo chính thống, Ba tôi theo đạo Thiên Chúa với sự dẫn dắt từ má tôi, một người Công Giáo từ nhỏ nhưng đã không thể giữ đạo trong thời gian ông bà nội tôi còn sinh thời, vì ông bà nội tôi theo đạo Phật. Bản thân tôi cũng được má tôi “thuyết phục” là con chiên của Chúa sau nhiều năm tôi sinh hoạt với ca đoàn tại một nhà nguyện nhỏ gần chợ Vườn Chuối Quận 3, Sài Gòn. Ngày tang lễ của ba tôi tại thánh đường lòng tôi rối rắm với câu hỏi “ Ba sẽ về đâu? Mười năm ba theo má đến nhà thờ đó có phải là nơi ba muốn yên nghỉ bình an ngày ba xa rời dương thế ? Hay ba muốn tâm linh của ba về với tổ tiên ông bà như ba nói với tôi vào một lần tôi hỏi ý ba về tang lễ của mình.

    Không hiểu do khói nhang, do những lời tụng niệm, hay do không khí trầm mặc của buổi lễ viếng Hòa Thượng Quảng Thanh quá xúc động mà sống mũi tôi cay cay và những giọt lệ âm thầm ứa ra khóe mắt. Những người có mặt tại lễ hôm đó chắc hẳn nghỉ tôi là một Phật tử thuần thành của Thầy vì sự xúc động của tôi đã nhận được sự đồng cảm. Một câu thú nhận thật lòng trong sâu thẳm mà tôi không thể nói nên lời. “ Thưa không, con chỉ là một tân Phật tử mới được 50 ngày. Ngày con quy y là giỗ 49 ngày của cha con, và hôm nay ba con tròn 100 ngày. Con trở thành Phật Tử sau 20 năm là con chiên của Chúa là nhân duyên đến với con sau sự ra đi của người cha thương yêu vô vàng”.

    Tang lễ ở chùa không như ở thánh đường, không có tiếng hát tiếng đàn, không có những bài giảng giáo lý mà là những lời tâm niệm cùng sự thương nhớ của người ở lại trong tình linh sơn cốt nhục. Những vui buồn cùng khó khăn mà các Hòa Thượng cùng nhau trải qua trong việc duy trì nền Phật giáo VN tại hải ngoại. Những kỷ niệm cùng ân tình các Ngài đã có cùng nhau nay đã là quá khứ. Lời chia sẽ tâm tình của các Ngài giản dị và xúc động từ những điều rất bình thường mà các Ngài đã cùng đi qua.

4_1
    Bất giác tôi lại nhớ về ngày tang lễ của cha tôi tại ngôi thánh đường rộng lớn nhưng xa lạ của 3 tháng trước. Nơi đó to rộng gấp nhiều lần giảng đường ấm cúng của tang lễ hôm nay. Và khi đó tôi chỉ thấy mình nhỏ nhoi cô đơn trong từng lời cầu nguyện hồi hướng cho cha mình. Theo như má tôi nói, cầu nguyện hay tâm tình với ba tôi chỉ “nói” bằng suy nghĩ thôi chứ không cần nói ra. Ơ hay, sao lại như thế, những lời giận hờn có thể giữ trong lòng chứ lời yêu thương sao lại không được bày tỏ. Nỗi “oan ức” này của tôi đã được Thầy Thích Minh Dung cho phép hóa giải hôm qua vào lễ cầu siêu 100 ngày của ba tôi. Khi Thầy hỏi tôi muốn nói gì với ba, tôi xin thưa với ba tôi rằng: ” Ba ơi, con cám ơn nhân duyên ba đã dẫn đưa con về nương náu Tam Bảo. Những ngày còn lại ở kiếp này con nguyện tu học và chỉnh sửa chính mình để xin kiếp sau con lại được làm con của ba”.

    Hòa cùng dòng người tuần hành viếng di quan của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh trong lòng tôi xen lẫn nỗi buồn cùng niềm hạnh phúc. Buồn cùng với hàng ngàn người về nơi đây có chung niềm thương tiếc vì sự ra đi của người mình yêu thương kính trọng. Và tôi hạnh phúc khi nhìn dòng người đông đảo đến viếng Ngài lần cuối. Chắc hẳn rằng khi còn tại thế Ngài đã làm rất nhiều điều tốt lành để lại cho đời và giờ đây những gì đang diễn ra đã Minh chứng cho điều đó.

69
    Rời giảng đường tôi thơ thẩn dạo quanh khuôn viên chùa Bảo Quang với chiếc máy hình ba tôi để lại cho tôi để ghi lại những hình ảnh khó quên hôm nay. Rất nhiều hoa cùng những lời thương tiếc từ hàng trăm Phật tử từ khắp nơi gởi về đây viếng Hòa Thượng. Tôi nhờ một bác lớn tuổi đi một mình chụp giúp tôi vài tấm ảnh kỷ niệm. Bác vui vẻ đồng ý và tình cờ tôi được biết bác là nhạc sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Lê Khiêm. Bác nói mình không phải là Phật tử, bác chỉ là bạn thâm giao với Hòa Thượng Quảng Thanh nhiều năm vì cùng có những đam mê chung là thơ nhạc và nhiếp ảnh. Bác nói có chụp Thầy Quảng Thanh những tấm hình đẹp lắm, để bác dẫn đi xem. Bác đưa tôi đến căn nhà cuối cùng của khuôn viên, bác chỉ tôi xem tấm hình treo trên tường nơi cầu thang mà tôi nghe nói là nơi ở của Hòa Thượng.
 
    Bức hình HòaThượng Quảng Thanh đang đánh trống trong tư thế và biểu cảm trên gương mặt thật sống động. Thật là một bức ảnh nghệ thuật rất đẹp và giá trị. Bác Lê Khiêm chia sẽ với tôi với một giọng đầy xúc động, Bác nói :” Bác với Thầy Quảng Thanh đây thân nhau lắm, bác hay đến đây trò chuyện với Thầy. Nay thầy Quảng Thanh đi rồi bác mất đi một người bạn tri âm tri kỷ mà suốt đời này bác không thể tìm lại được”. Nói xong bác khóc, những giọt lệ ngấn trên đôi mắt già nua đau buồn của bác Lê Khiêm vào buổi chiều tà hôm đó khiến tôi không thể nào quên được. Tôi xin bác cho tôi chụp hình bác làm kỷ niệm bác hoan hỉ nhận lời ngay.
8Tác phẩm "Biểu diễn trống" và tác giả Lê Khiêm
10_1
    Tôi và bác Lê Khiêm lại cùng đi ngắm nhìn ngôi chùa Bảo Quang đồ sộ của Phật giáo Việt Nam trên đất Mỹ mà Hòa Thượng đã dày công xây dựng tại trung tâm Little Saigon. Tôi tự hỏi không biết công trình của Hòa Thượng đã dừng lại ở đây hay còn những gì khác? Và nếu còn Ngài có lưu luyến gì khi ra đi vẫn chưa thực hiện hết hoài bão của mình. Như ba tôi ra đi ở tuổi 87 vẫn còn lưu luyến những điều ba tôi chưa làm được, là những gì ba mất mát và những nỗi niềm ba không thể bày tỏ đến tận ngày nhắm mắt xuôi tay. Với một người đã làm nhiều điều công đức cho nền Phật pháp VN tại hải ngoại như Hòa Thượng Quảng Thanh, tôi nghĩ Ngài cũng còn nhiều trăn trở về hiện tình đất nước, về việc truyền bá, gìn giữ và phát triển đạo Phật trên quê hương thứ hai này.

    Thế nhưng Thầy ơi và ba ơi, xin hãy yên lòng thanh thản ra đi về nơi an lạc không còn buồn đau lo nghĩ. Những mầm lành ý thiện Thầy để lại cho đời chúng con là những người còn tại thế sẽ tiếp tục làm để hương linh Ngài hoan hỉ. Những lời dặn dò của ba sống đạo đức nhân nghĩa con xin khắc ghi. Bốn câu thơ nhỏ con xin gởi đến Hòa Thượng Thích Quảng Thanh và Ba yêu kính như những lời tâm tình chân thành từ trái tim con.

Thân cát bụi lại trở về cát bụi

Xuôi tay rồi còn vương vấn điều chi…

Nhành sen trắng con thành tâm kính gởi

Hai hương hồn cùng nương náu của từ bi

Thảo Nguyên (16/06/2019)

Ý kiến của bạn