Bi kịch lớn của người Việt Nam ở đầu thế kỉ XXI chính là “Bi kịch tín ngưỡng”.

Thứ sáu, 22/02/2019, 20:38 GMT+7

     

52553528_1056220197904328_6851747372960055296_o

      Gs. Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian Việt Nam đã từng chia sẻ trước báo giới: Bi kịch lớn của người Việt Nam ở đầu thế kỉ XXI chính là “Bi kịch tín ngưỡng”.

      Trong những mùa lễ hội đầu năm, tấn bi kịch ấy lại có dịp bủa vây những người thiếu mất niềm tin “ở hiện tại” ngưỡng vọng, trông chờ vào một sức mạnh siêu nhiên, để ban phước, giáng họa hay đơn giản nhằm mong cầu một cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn. Đỉnh điểm là những ngày vừa qua, “cúng sao giải hạn” là những từ khóa xuất hiện nhiều trên báo chí, mạng xã hội. Mà phản cảm nhất “thiền môn thanh tịnh” cũng đua nhau cúng sao giải hạn, dù là cổ tự trăm năm thiếu năm mươi nghìn nhất quyết không được giải hạn cầu đảo….

      Cúng sao giải hạn, xuất phát ý niệm “hoảng sợ” của con người từ thuở hồng hoang trước tác động, mối đe dọa khi chưa làm chủ được thiên nhiên, vì bất kì khi nào thiên nhiên cũng có thể mang đến tai ương, nạn ách. Ngoài ra với những quốc gia nông nghiệp việc coi trọng tinh tú nhằm giúp người ta quan sát được năm hạn, tháng mưa bão lũ để con người bấy giờ gieo đúng vụ cho năng suất cao hay để có những biện pháp phòng ngừa thiên tai. Đây cũng là sự ngưỡng vọng của “bái thần vật” (mọi vật đều có linh hồn giáng họa, ban phúc). Cũng là quốc gia nông nghiệp, nhưng Trung Quốc bị ảnh hưởng sâu sắc của tín ngưỡng thờ tinh tú từ sự chi phối bởi nhiều tư tưởng (có cả tiếp thu văn hóa của nền Văn minh khác), trong đó rõ ràng nhất là hệ thống Lão giáo, yêu cầu những tín đồ phải cúng sao, đưa sao nhằm mục đích giải hạn, cầu đảo. Đứng trước một trong những nền văn minh lớn, Việt Nam đã tiếp thu tự nhiên văn hóa nước bạn và ngoài ra còn bị lệ thuộc đồng hóa bạo lực hơn nghìn năm. Tư tưởng sao hạn đã từ lâu ăn sâu vào tiềm thức người Việt, đặt biệt là vùng địa lý phía bắc.

      Trong văn hóa Phật giáo có ghi nhận những trường hợp va chạm tiếp xúc giữa văn hóa Bà-la-môn với niềm tin bản địa về tinh tú. Từ xa xưa người dân Ấn Độ có niềm tin sâu sắc vào các chòm sao. Khái niệm cửu diệm (Navagraha) đại diện cho 9 vì sao đã có từ lâu trong hệ thống triết học thiên văn và trong giáo lý Bà-la-môn.

      Nói cúng sao bắt nguồn từ Trung Quốc cũng là có thể, tuy nhiên nội sinh tín ngưỡng quốc gia nông nghiệp đều có quan niệm trên, chỉ khi giao lưu tiếp biến văn hóa giữa nền văn minh lớn với nền văn hóa bản địa thì tư tưởng trên mới được củng cố hơn. Kể cả học thuyết tinh tú sao hạn của Trung Quốc cũng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chiêm tinh học Vệ Đà Ấn Độ.

      Dưới góc nhìn là nhà minh triết, dù sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất đa tín ngưỡng, nhưng Đức Phật Gotama đã nhìn nhận và tạm gạt đi những niềm tin mơ hồ bắt nguồn từ sự sợ hãi và lòng tham vô tận của chúng sanh. Ngài dạy bằng sự trải nghiệm tâm linh chứng nghiệm:


“Chờ đợi các vì sao,
Kẻ ngu hỏng điều lành,
Điều lành chiếu điều lành,
Sao trời làm gì được?”. (1)

      Trước vạn đại chúng, trước những con người đến với ngài có vị là thủ lĩnh của một nhóm tín ngưỡng, có người bậc thầy, có người xem lửa là thần vĩ đại, có người xem thượng đế thật tối cao… . Nhưng Phật chỉ duy khẳng định “Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu” (2). Khẳng định trên, cho dù là thượng đế, cho dù là vì sao, tinh tú cũng không thể nào quyết định đến nỗi khổ niềm đau của chúng sanh. Mà chính chúng sanh mới là người thợ kiến trúc xây nên những giá trị giải thoát đích thực của cuộc đời!.

      Quy luật nhân quả là quy luật phổ quát của mọi sự vận động mà Đức Phật đã dạy. Vậy nên không là cây ớt khi lập đàn cầu nguyện thì 5 ngày, 10 ngày hay 100 năm để trở thành cây me vững chãi. Đó là điều không thể nào, cũng thế sự ngưỡng vọng tín ngưỡng như cúng sao giải hạn chỉ mang đến chất xúc tác “đền bù hư ảo” (bù đắp tinh thần) cho con người ở niềm tin nhất thời mà không giải quyết bài toán nghiệp quả trong tương lai. Chỉ duy “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo." Nghĩa là không làm các việc ác, siêng làm việc lành, trở về nội tâm thì đó mới là điều chân thật, là chơn lý.
      ____
      (1) Kinh tiểu bộ.
      (2) Kinh Trung bộ 135.
            - Bài viết có tham khảo Thích Chúc Phú, “Khảo sát về tín niệm cúng sao giải hạn” 
            - Cơ sở Văn hóa Việt Nam.

Ý kiến của bạn