Oan ức có cần biện bạch?

Chủ nhật, 06/04/2025, 09:23 GMT+7

Oan ức có cần biện bạch?

460972590-1022217993030490-8295840922952900313-n-5304-1087

 

Ngoài vai trò quan trọng là một bậc thầy kiến trúc tài hoa, đã trợ giúp Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) xây dựng tinh xá cúng dường Phật và Tăng chúng1, đồng thời là một tướng quân Chánh pháp, thừa tự Như Lai và chuyển đẩy bánh xe Pháp luân2, Tôn giả Xá-lợi-phất còn được biết đến là một hành giả với đức tính kham nhẫn, nhu nhuyến không ai sánh bằng.

Kinh Sư tử hống (師子吼經) thuộc Trung A-hàm đã ghi nhận sự kiện, trước khi du hóa phương xa, Tôn giả Xá-lợi-phất đã bị người xấu đặt điều vu khống. Khi được Đức Phật yêu cầu quay lại giải trình thì Tôn giả đã trình bày bằng những lời chân thực, chấn động cả tâm can.

Kinh Trung A-hàm ghi lại vài nét về sự đặt điều của người xấu và lời giải trình của Tôn giả:

[- Này Xá-lợi-phất! Thầy vừa đi không bao lâu thì có một vị đồng phạm hạnh đến trước Như Lai và nói rằng: “Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất đã khinh miệt con rồi đi du hóa trong nhân gian”. Này Xá-lợi-phất, có thật là thầy đã khinh miệt một vị đồng phạm hạnh rồi đi du hóa trong nhân gian không?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu người nào không niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh miệt vị đồng phạm hạnh rồi đi du hóa trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con đã khéo thực hành niệm thân trên thân thì làm sao con lại có thể khinh miệt vị đồng phạm hạnh rồi đi du hóa trong nhân gian?

Bạch Thế Tôn! Như con bò bị gãy cặp sừng, tánh tình nó rất nhường nhịn, rất hiền lành, dễ sai khiến, dễ chế ngự. Nó đi từ thôn này đến thôn khác, từ xóm này đến xóm nọ, những nơi mà nó đi qua không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy…

Bạch Thế Tôn! Như người Chiên-đà-la3 bị chặt cả hai tay, tâm ý rất thấp hèn. Người đó đi từ thôn này đi đến thôn khác, đi từ xóm này qua đến xóm nọ, những nơi người ấy đi qua không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy...

Bạch Thế Tôn! Như mặt đất dung nạp mọi thứ dù sạch hay dơ, đại tiện, tiểu tiện, mũi dãi, nước miếng, nhưng mặt đất không vì thế mà khởi sự thương ghét, không xem đó là sỉ nhục hay xấu xa, không hổ cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy…

Bạch Thế Tôn! Ví như dòng nước có thể cuốn trôi mọi thứ, dù sạch hay dơ, đại tiện, tiểu tiện, mũi dãi, nước miếng, nhưng dòng nước ấy không vì thế mà có sự thương ghét, không xem đó là sự sỉ nhục hay xấu xa, không hổ cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy…

Bạch Thế Tôn! Như ngọn lửa đốt cháy mọi thứ, dù sạch hay dơ, đại tiện, tiểu tiện, mũi dãi, nước miếng, nhưng ngọn lửa không vì thế mà có sự thương ghét, không xem đó là sự sỉ nhục hay xấu xa, không hổ cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy…

Bạch Thế Tôn! Như ngọn gió thổi bay mọi vật, dù sạch hay dơ, đại tiện, tiểu tiện, mũi dãi, nước miếng, nhưng ngọn gió kia cũng không vì thế mà có sự thương ghét, không xem đó là sự sỉ nhục hay xấu xa, không hổ cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy…

Bạch Thế Tôn! Như cây chổi quét sạch mọi thứ, dù sạch hay dơ, đại tiện, tiểu tiện, mũi dãi, nước miếng, nhưng cây chổi không vì thế mà có sự thương ghét, không xem đó là sự sỉ nhục hay xấu xa, không hổ cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy…

Bạch Thế Tôn! Như tấm giẻ lau có thể lau chùi mọi thứ, dù sạch hay dơ, đại tiện, tiểu tiện, mũi dãi, nước miếng, nhưng tấm giẻ lau không vì thế mà có sự thương ghét, không xem đó là sự sỉ nhục hay xấu xa, không hổ cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy…

Bạch Thế Tôn! Như cái bình đựng dầu mỡ bị rạn nứt nhiều chỗ, người ta đổ đầy mỡ vào rồi để nó dưới ánh mặt trời, dầu chảy rỉ khắp nơi, thấm ướt khắp cả. Nếu người có mắt đến đứng bên cạnh, sẽ thấy cái bình đựng dầu mỡ bị rạn nứt nhiều chỗ, lại đựng đầy mỡ rồi để nó dưới ánh mặt trời, dầu chảy rỉ khắp nơi, thấm ướt khắp cả. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy…

Bạch Thế Tôn! Như có người trẻ tuổi, thường yêu thương và chăm sóc thân thể của mình nên tắm gội sạch sẽ rồi dùng hương thoa khắp thân, mặc y phục sạch đẹp, đeo vòng ngọc trang sức, chải chuốt râu tóc, đầu đội tràng hoa. Bấy giờ, nếu lấy xác rắn, xác chó, hoặc xác người chết đã thâm xanh, sình trướng, thối rữa, rỉ nước dơ rồi đeo vào cổ người ấy thì người ấy sẽ ôm lòng hổ thẹn, rất ghê tởm những thứ dơ bẩn đó. Bạch Thế Tôn! Con cũng như vậy...

Bạch Thế Tôn! Nếu ai không thực hành niệm thân trên thân thì người ấy mới có thái độ khinh miệt vị đồng phạm hạnh rồi đi du hóa trong nhân gian. Bạch Thế Tôn! Con đã khéo niệm thân trên thân thì làm sao con lại có thể khinh miệt vị đồng phạm hạnh rồi đi du hóa trong nhân gian?].4

Những lời trình bày của Tôn giả Xá-lợi-phất đã tạo nên một sự chấn động mạnh mẽ đối với hội chúng mà trực tiếp nhất là đối với kẻ đặt điều vu khống kia. Ngay sau đó, người kia đã phục lạy sám hối với Tôn giả, với Đức Phật và đã được chuyển hóa.

Điều đặc thù ở đây mà chúng ta cần phải nhận thấy, vì qua những lời biện giải này của Tôn giả Xá-lợi-phất, đã trực tiếp khẳng định một vấn đề quan trọng trong nhận thức luận Phật giáo. Đó là: oan ức cũng cần biện bạch.

Vì lẽ, khi biện bạch, khi giải trình thì sẽ đối diện sự thật, làm rõ sự thật và khi sự thật đã rõ thì mới có thể chấm dứt khổ đau. Với một bậc Thánh như Tôn giả Xá-lợi-phất, lẽ tất nhiên mọi khổ đau đã được đoạn trừ, thế nhưng đối với hội chúng đang tham dự mà cụ thể nhất là người trực tiếp đặt điều bôi xấu kia, nếu như không có những lời giải trình này của Tôn giả thì kẻ xấu đó sẽ bị đọa lạc mãi đến bao giờ?

Từ thái độ ứng xử này của Tôn giả Xá-lợi-phất đã để lại nhiều giá trị bổ ích, cho dù đó là một hành giả đã tu tập lâu năm. Bởi lẽ, dù là bậc đáng tôn quý trong những đệ tử lớn của Phật, dù có trí tuệ cao cả ngút ngàn nhưng không vì vậy mà Tôn giả Xá-lợi-phất ỷ lại vào đó, nương tựa vào đó mà có những lời răn dạy kẻ kia có tính cách của một bậc bề trên. Ở nơi đây, trong câu chuyện này, Tôn giả đã ứng xử thực sự nhu nhuyến, thực sự kham nhẫn, thực sự chân thực và thực sự hài hòa trong khi giải quyết những vấn đề trở ngại. Những đức tính này không những cần thiết đối với mọi người tu mà còn tỏ ra rất hữu hiệu, khả thi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.

Có thể nói, trường hợp của Tôn giả Xá-lợi-phất đã có những liên hệ tương đồng với câu nói của Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV mà hiện chúng tôi vẫn chưa tìm ra xuất xứ, nhưng đã trở thành xu hướng (trend) tích cực trên một số trang mạng Phật giáo ngày nay:

Nếu một người tu, trải qua bao tháng năm hành đạo mà không thấy mình tầm thường hơn, giản dị hơn và khiêm tốn hơn thời gian ban đầu, thì có lẽ là người tu đó đã đi lạc rồi.

___________

(1) Culla Vagga, chương Sàng tọa (Senāsanakkhandhaka), Thỉnh Đức Phật an cư (mùa mưa) ở Sāvatthi. Việc xây dựng Jetavana (Bản dịch của Indacanda).

(2) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Sela, số 92, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.180. Nguyên tác: Sāriputto anuvatteti, anujāto tathāgata (Chính Sāriputta, chuyển bánh xe chánh pháp, thừa tự Như lai vị. HT.Thích Minh Châu dịch).

(3) Chiên-đà-la (旃陀羅 - Caṇḍāla): Người thuộc giai cấp cùng đinh.

(4) Đoạn trích dẫn trong [ ] là bản dịch của Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh, thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Những dấu… lược bỏ phần lặp lại.

 

Nguồn: Chúc Phú/Nguyệt san Giác Ngộ số 340

Ý kiến của bạn