Nên học với một vị Thầy hay nhiều vị thầy

Thứ hai, 25/06/2018, 20:58 GMT+7

NÊN HỌC VỚI MỘT VỊ THẦY HAY NHIỀU VỊ THẦY

          Đây là chỗ nhiều người học Phật bị lấn cấn. Có người cả đời chỉ học với một hai vị thầy, cũng có người học với rất nhiều vị thầy. Thiết nghĩ đây cũng là một vấn đề đáng bàn luận nhằm giúp mọi người có hướng tu học đúng đắn. Pháp An xin chia sẻ kinh nghiệm tu học của cá nhân mình, để mọi người cùng nhau tham khảo.

          Trong phẩm "Nhập Pháp Giới" của kinh Hoa Nghiêm có kể về hành trình Thiện Tài Đồng Tử đi cầu đạo với 53 vị thiện tri thức. Từ hàng Đại Bồ Tát như Ngài Quán Âm, Văn Thù cho đến hàng ngoại đạo Bà La Môn, người hàng chợ, gái điếm...Không phân biệt thánh phàm, sang hèn, Thiện Tài cầu đạo với một cái tâm trong sáng và ở mỗi vị Thiện Tài đều học được một đức tính cao quý.

          Quay trở lại vấn đề học đạo, chúng ta nên học với một hay nhiều vị thầy ? Theo quan điểm cá nhân của mình là học với nhiều vị. Câu chuyện của Thiện Tài cầu đạo cũng chính là câu chuyện của chúng ta. Mỗi vị sẽ có một phương pháp tu khác nhau, một quan điểm khác nhau mà tùy vào mỗi người học đạo, sẽ có những cái phù hợp thì chúng ta chắt lọc lại để ứng dụng cho bản thân mình. Ngay cả các bậc tôn túc lớn, khi thấy đệ tử mình đã đủ trưởng thành cũng thường khuyến khích đi tìm bậc chân sư mới. "Pháp môn vô lượng thệ nguyện học" là vậy.

          Chỉ học với một vị rất dễ dẫn đến tình trạng thần thánh hóa vị thầy của mình. Cần nhớ rằng chúng ta không học ông thầy, và ông thầy không phải chân lý ! Cái chúng ta học đó là chân lý của Phật và chỉ có Đức Phật mới xứng đáng là Bậc Đạo Sư để chúng ta đặt hết niềm tin. Các vị thầy mà chúng ta học chỉ là người truyền dạy chân lý Phật bằng cái sở học sở ngộ của vị đó mà thôi. Có vị ngộ đạo có vị chưa ngộ, có vị thánh có vị phàm...tuy nhiên việc "xếp loại" để mà chọn thầy là việc nằm ngoài khả năng phàm phu của chúng ta, và càng nguy hiểm hơn khi việc này khiến cho người học Phật bị ngã mạn sinh tâm khinh thường Tăng Bảo. Do đó đừng nên "kén cá chọn canh" quá mức mà hãy rộng mở tâm hồn để đón nhận thật nhiều giáo pháp từ nhiều vị thầy.

          Mở rộng vấn đề, giống như Thiện Tài, thì pháp Phật có ở khắp mọi nơi không riêng gì ở các tu sĩ Phật giáo. Người có cái tâm trong sáng không vướng kẹt thì kể cả từ một đứa bé cũng cho ta giáo pháp, hay một chiếc lá rơi cũng giúp ta ngộ đạo. Pháp Phật có ở khắp mọi nơi là vậy, lúc này sự bám chấp vào một ông thầy đã không còn nữa.

          Đôi lời chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của Pháp An đến mọi người. Chúc mọi người tinh tấn tu học và đạt được lợi lạc trong cuộc sống.

          Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

Ý kiến của bạn