1. Cà chua
Bảo quản không đúng cách, cà chua rất nhanh thối. Nhiều người nghĩ tốt nhất nên bảo quản chúng trong tủ lạnh, nhưng khí lạnh trong tủ sẽ ngăn cà chua chín tiếp, đồng nghĩa với việc vị tươi ngon sẽ giảm đi nhiều.
Nên bảo quản cà chua vừa chín tốt nhất ở nhiệt độ phòng, khoảng 25 độ C và sử dụng trong vòng một tuần. Để tránh bị thâm dập, không nên xếp cà chua đè lên nhau. Hoặc nếu xếp nhiều lớp cà chua thì giữa các lớp nên đặt một tờ giấy ăn hoặc giấy báo lót.
2. Hành tây
Giống nhiều loại củ quả khác, hành tây cũng cần không khí khô thoáng để "thở". Loại củ này nếu để trong tủ lạnh thường bị mềm, sũng nước dẫn tới nhanh hỏng.
Nhiệt độ tối ưu để bảo quản hành tây là 7 độ C, tuy nhiên nhiệt độ không khí thông thường sẽ không ở mức này. Tốt nhất nên bảo quản hành tây ở nơi thoáng gió, không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào, cách này có thể giúp hành tây tươi lâu đến hơn 10 ngày. Cũng có thể để hành tây trong các thùng hoặc rổ rá và đặt dưới nền đất.
3. Khoai tây
Nếu không biết bảo quản, khoai tây rất dễ mọc mầm, nấm mốc,... không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ở nhiệt độ thường, chỉ sau 3,4 ngày khoai tây sẽ mềm ra. Nếu để lâu chưa sử dụng hết, không nên đặt chúng vào tủ lạnh mà hãy đặt một trái táo vào cùng khoai tây. Mùi hương và khí ethlylene sinh ra từ táo sẽ giúp khoai tươi lâu, ít thối hỏng, tránh được tình trạng mọc mầm, giữ trọn dinh dưỡng.
4. Chuối
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra chuối chín bắt đầu từ phần cuống. Điều này cũng có nghĩa nếu giữ phần cuống luôn tươi, có thể trì hoãn quá trình chuối hư hỏng do để lâu.
Dùng màng bọc thực phẩm bọc cuống chuối rồi để ở nhiệt độ phòng. Biện pháp này giúp làm chậm quá trình rụng cuống khi chuối chín, giữ cho chuối tươi thêm khoảng 5 ngày mà không bị nẫu. Vỏ chuối có thể sẽ bị biến màu, trở nên thâm đen nhưng chất lượng ruột chuối không bị ảnh hưởng.
5. Đậu phụ
Đậu phụ muốn tươi lâu phải ngâm trong nước muối, càng cho nhiều muối thì đậu phụ càng tươi lâu.
Khi mua đậu phụ về, bạn đem ngâm trong nước, rồi thêm khoảng 1/2 muỗng cà phê muối. Với cách làm này, có thể giữ được độ tươi ngon của đậu phụ trong cả ngày. Đây được xem là cách bảo quản đơn giản nhất.
6. Cần tây, dưa chuột, cà rốt
Ba loại củ quả này đều có đặc điểm chung là lượng nước dồi dào. Nếu chỉ sử dụng túi ni lông để bảo quản thì không đảm bảo độ tươi ngon.
Để tránh mất nước và giữ được tươi lâu, có thể dùng giấy bạc bọc thật kín, rồi đặt chúng ở nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao và ẩm thấp. Như vậy, hành tây, dưa chuột hay cà rốt sẽ vẫn tươi lâu mà không cần cho vào tủ lạnh.
7. Trứng
Trứng để lâu thường bị ung, thối do vỏ trứng có nhiều lỗ nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy. Muốn giữ trứng được lâu, phải tìm cách lấp kín được các lỗ hổng li ti ở vỏ để không chịu ảnh hưởng từ biến đổi bên ngoài.
Chuẩn bị một chiếc hộp to, rắc một lớp muối dưới đáy thùng rồi xếp trứng vào. Cứ một lớp trứng lại một lớp muối. Lưu ý phủ kín khoảng trống giữa các quả trứng bằng muối. Cách này có thể bảo quản được trứng trong một năm.
8. Tỏi và hành khô
Nếu đặt hành khô trong tủ lạnh, chúng sẽ hấp thụ nhiều độ ẩm hơn, dẫn tới nhanh hư hỏng. Còn với tỏi, việc đặt trong tủ lạnh sẽ kích thích mọc mầm. Dù không gây hại nhưng đó là dấu hiệu tỏi đã giảm chất lượng.
Thay vì cất vào tủ lạnh, hãy bảo quản hành tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát. Khi được bảo quản đúng cách, hành có thời hạn sử dụng trong khoảng 30 ngày, tỏi bảo quản được lâu hơn, khoảng 3 đến 5 tháng.
Vy Trang (Theo aboluowang)