Tờ 4 tem của Sri Lanka phát hành nhân Đại lễ Vesak 2008 là những trích đoạn về cuộc đời của Đức Phật được vẽ trên tường của chùa Kelaniya ở Sri Lanka, phần nền phía bên trái là tượng Phật Aukana nổi tiếng.
Sử thi Mahavamsa từng ghi lại rằng: vào khoảng thế kỷ 5 Sau-Công-Nguyên, có một tượng Phật được tạc thẳng vào đá đứng sừng sững ở một ngôi làng tên là Aukana. Lúc bấy giờ đang là thời đại vua Dhatusena (459 – 477), tượng Phật đó được gọi là tượng chùa Kala Sela Saththu Patima. Người ta không biết lý do tại sao tượng Phật được đặt nơi đó vì vậy có nhiều lý do khác nhau được người đời truyền miệng để giải thích cho nguyên nhân này:
Gần kế bên ngôi làng Aukana là làng Nindagama (hiện là Galwaduwagama). Nindagama là ngôi làng của những người theo đạo Barana sinh sống chung với nhau (nguồn góc của người Tamil theo Hồi Giáo hiện nay) phát triển một cách thịnh vượng, trong khi Aukana là ngôi nhà chung của người Sinhala theo Phật Giáo. Để cảm ơn sự nhân hậu trong việc quản lý các dân tộc anh em sống chung với nhau cũng như thắt chặt mối quan hệ tình cảm giữa hai ngôi làng với nhau, những người thợ của làng Nindagama làm một tượng Phật đứng bằng đá để tặng cho vua Dhatusena nhưng tượng Phật này được đặt ở ngôi làng Aukana.
Một số người cho rằng: vua Dhatusena có thời gian đi tu ở chùa Sinhagiri Vihara trong làng Aukana. Chính vua là người đã cho xây dựng tượng Phật đó.
Tượng Phật được làm chạm thẳng vào một khối đá lớn cao 11.58m. Nếu tính luôn bệ đỡ, toàn bộ tượng cao 14.02 m. Đây là tượng Phật cao nhất tại Tích Lan và là bức tượng thứ hai được làm từ một khối đá khổng lồ trong thời cổ đại tại khu vực Nam Á (bức tượng thứ nhất ở Bắc Ấn Độ do vua Dharmasoka thực hiện). Theo những người địa phương, ngày xưa tượng có vòm che trên mái đầu nhằm giúp cho bức tượng ít bị hư hao bởi mưa và nắng. Tuy nhiên, thời gian làm hư hỏng mái vòm che. Cũng theo những người địa phương, thời gian ngắm bức tượng Phật đẹp nhất là sau cơn mưa và lúc hoàng hôn :
Người xưa thật là vĩ đại trong việc đục đẽo khối đá thành tượng Phật với kỹ thuật rất cao, bức tượng thật cân xứng hai bên. Sau khi mưa, những giọt nước mưa bắt đầu chảy từ đầu đức Phật xuống trán, sau đó xuống đến mũi. Từ đỉnh mũi của đức Phật, nó bắt đầu rơi xuống rơi vào khoảng cách giữa hai ngón chân đức Phật. Lúc này, nhìn bức tượng người ta như thấy hình ảnh đức Phật khóc cho nhân tình thế thái ở trần gian.
Khi hoàng hôn buông xuống, những tia nắng chiều cuối cùng rọi vào bức tượng kết hợp với màu đá làm cho người ngắm nhìn có cảm giác Đức Phật đang tỏa “ánh hào quang” nhằm giúp cho các Phật Tử nương theo ánh hào quang đó để bơi qua “bể khổ” của trần thế.
(Trích Nhật Ký Tích Lan của LinhNC2005)