Ngày xưa, có một vị Hòa thượng trụ trì một cảnh chùa ở gần bờ sông trong một thôn quê. Mỗi khi có việc ra tỉnh, Ngài quá giang bằng chiếc đò ngang.
Hôm ấy, nhằm ngày 15 tháng bảy, Ngài quá giang ra tỉnh để chủ lễ một đàn kì siêu. Hôm đó khi vừa ra tới giữa dòng sông chợt sóng nổi lên ầm ầm làm cho thuyền tròng trành muốn đắm. Ai nấy ở trên đò cũng hoảng hốt kinh khủng. Ngay lúc đó, bỗng nhiên thấy nổi lên trên mặt nước một con cá kình rất lớn, giương hai mắt đỏ ngầu lên mà nhìn chăm chăm vào vị Hòa Thượng kia. Nhưng Hòa thượng vẫn bình tĩnh ngồi niệm Phật.
Trong khi đó, con cá liền cất cao đầu lên khỏi mặt nước mà lắp bắp miệng nói: “Hỡi hành khách trên đó! Các người muốn được yên lành, hãy liệng ông Tăng kia xuống đây cho ta, để ta nuốt chửng ông đi cho ta hả cơn giận. Các người có biết không, ngày trước ta theo ông ta tu đạo, ông không chịu giảng dạy chi cả, cứ buông lỏng cho ta muốn làm gì thì làm, không hề kiềm chế. Vì vậy, ta mới sinh ra lười biếng, chỉ lo rong chơi, ăn ngủ theo thế tục, không thiết gì tới công phu bái sám, ăn chay niệm Phật và săn sóc công việc chùa. Không những thế, mỗi khi có đám tiệc lại cho ta mang hậu đắp y để khoe khoang với đại chúng và bổn đạo. Vì những tệ đoan như thế, nên sau khi ta chết, phải đọa vào loài súc sinh, thân làm cá Kình, đi tới đâu thì ồ ạt tới đó, làm những tôm cá chạy đi hết, không còn gì để cho ta ăn, phải chịu đói chịu khát cực khổ. Thật ta còn khổ hơn loài quỷ đói nữa. Vì thế mà ta chỉ oán ông ấy thôi, còn các người đối với ta vô can, ta không muốn làm hại ai cả”.
Nghe cá nói xong, Hoà thượng liền mỉm cười mà đáp rằng: “Này cá kia! Ngươi nói thế mới thấy vẫn còn si mê. Ngươi không hiểu câu phương ngôn “đạp gai lấy gai mà lể” hay sao? Nếu ngươi đã biết mình đã tạo những tội lỗi như thế mà phải đọa làm thân cá thì nhà ngươi cần phải biết ăn năn sám hội tội lỗi, và tạo duyên lành, ngõ hầu mới được tội diệt phúc sinh, rồi mới mong thoát khỏi quả báo. Ta là thầy ngươi, mỗi khi dạy ngươi đúng theo giới luật, thì ngươi bảo là quá nghiêm khắc, hay la rầy quở phạt. Còn khi ta thả lỏng thì người quen tính mông lung, thành thử mới bị đọa làm loài cá. Một khi bị đọa, người cần phải sám hối và báo cho ta biết để tụng kinh siêu độ và xá tội cho, còn như muốn ăn thịt ta thì lấy ai để siêu độ cho ngươi nữa. Đã có tội không biết ăn năn mà còn kiếm cách đổ lỗi cho người khác. Phạm với Phật thì có Tăng cứu, phạm với Tăng thì còn nhờ ai. Ngươi có hiểu câu đó chăng?
Hoà thượng quở vừa dứt thì cá Kình kia cũng lặn chìm xuống đấy nước. Kế đó sau bảy ngày đêm vang tiếng tụng kinh siêu độ tại chùa, thì cá Kình liền trồi lên mặt nước hóa thành hình người đi thẳng đến trước sân chùa và nói rằng:
“Bạch Thầy! mấy hôm nay nhờ công đức của Thầy và chư Tăng Ni chú nguyện, tụng kinh siêu độ cho nên con đã tiêu nghiệp, thoát kiếp cá Kình và sinh về cõi trời Dục Giới. Trước khi lên cõi Trời để hưởng sự an lạc của chư Thiên, con xin đến đây thành tâm đỉnh lễ tạ ơn Thầy cùng các chư Tăng Ni, và con nguyện lưu lại xác cá Kình này tại chùa để mỗi ngày chư Tăng Ni cầm cây gõ lên đầu con, ngõ hầu làm gương cho những vị nào tu hành còn biếng nhác, ưa khoe khoang, tự tôn, tự đại, không chịu khép mình vào vòng giới luật. Và cũng là để nhắc nhở cho các vị ấy nhớ tới bổn phận tu tâm, hành đạo để khỏi xao lãng công phu bái sám, niệm Phật tu thiền, thúc liễm thân tâm, nghiêm trì giới luật”.
Vì sự tích trên mà từ ngày ấy tới nay, cái mõ mới trổ theo hình con cá để làm biểu tượng nhắc nhở người tu hành. Và cũng là loài cá lúc nào cũng mở mắt, ngay cả khi ngủ, như nhắn nhủ người tu hành bao giờ cũng nên tỉnh thức.