Theo tâm lý con người như quí vị thấy, tất cả chúng ta ít có người muốn nói cái dở của mình, hoặc che cái hay của mình. Có người nào muốn nghe người ta nói cái xấu của mình hay không?
Ða số đều muốn khoe cái hay mà sợ thấy cái dở của mình, cho nên luôn luôn người ta khoe cái hay và giấu cái dở mình.
Ðó là bệnh phổ thông của mọi người. Cái bệnh đó làm cho con người tiến hay lùi? Nếu có hay một chút đem ra khoe khoang, còn xấu thì che giấu để người ta không thấy, đó là tâm niệm hiếu danh.
Nếu mình một lần làm xấu giấu được, không ai biết, không ai chỉ, không ai nhắc, thì lần xấu thứ hai, thứ ba sẽ theo đó mà diễn tiến. Càng che giấu tội lỗi thì tội lỗi càng nhiều. Cho nên cái bệnh che giấu khiến con người thoái bộ. Làm cho con người hư hỏng là bệnh hay khoe cái hay và che giấu cái dở của mình.
Tinh thần người Phật tử là tinh thần tự giác, cho nên chúng ta phải tự giác cái gì chúng ta xấu. Lỡ phạm tội lỗi chúng ta phải nhìn thẳng phải thấy rõ ràng, tự tỉnh, tự giác. Thấy được tội lỗi của mình, tự mình hối cải.
Ðó là tinh thần phát lồ. Phát lồ là gì? - Là vạch cái lỗi của mình trước mọi người, trước chư Tăng, trước quần chúng để cho người ta thấy rõ mình có cái dở đó, để mình hứa trước mọi người sẽ cải tiến không còn dở nữa.
Như thế mỗi tháng mỗi năm tôi đều phát lồ, trước tôi có dở mười, có yếu lắm đi nữa, lần lần tôi còn dở chín, dở tám rồi bảy chớ không đến nỗi nào trước sao, sau vậy. Nếu trước phát lồ rồi sau cũng phát lồ y như thế thì có hổ thẹn hay không. Tự nhiên mình hổ thẹn, không thể nào chịu nổi. Giả sử mình có yếu đuối một lần phát lồ, lần sau có phạm hay có tội cũng ráng nhẹ hơn một chút, nếu nhiều lần như vậy tự nhiên lỗi càng ngày càng giảm xuống.
Tinh thần phát lồ là tinh thần tự giác.
Nếu mình không biết lỗi thì làm sao phát lồ. Biết lỗi là tỉnh hay mê? Nếu mê thì đâu biết lỗi. Người mê là người làm quấy không biết mình là quấy, làm sai không dám nhận mình là sai.
Nếu mình quấy tự biết mình là quấy đó thật là tỉnh. Tỉnh tức là giác.
Nhưng có người có tỉnh có giác mà không dám nói, không dám trình bày thì sao? - Ðó là yếu đuối thiếu gan dạ. Cho nên đối với người tu phải có tinh thần tự giác tức biết nhận sự sai lầm, những lỗi của mình.
Phải can đảm trình bày cái quấy của mình trước quần chúng để người ta chứng nhận cho mình điều đó. Hứa trước quần chúng mình sẽ cải đổi, chớ không hứa suông. Hứa như vậy để mà tiến bộ.
Do đó nên người tu theo đạo Phật là người biết tự giác. Ðó là tự nhận lỗi để phát lồ. Nhưng tự nhận lỗi không chưa đủ. Khi cái giác mình còn yếu chưa đầy đủ, cho nên có cái mình biết có cái mình chưa biết, mình dễ tha thứ cho mình lắm, mình dễ quên cái dở của mình lắm.
Cho nên đức Phật dạy chúng ta cần phải gan dạ hơn nữa, và phải can đảm nghe lời chỉ trích của bạn bè, của những người thiện tri thức lớn hơn mình. Như vậy khả dĩ bao nhiêu lỗi lầm của mình mới tiêu tan được, mới có thể ra ngoài vòng lỗi lầm được. Nếu mình không gan dạ nghe, không nhận những lời chỉ trích thì mình khó mà tiến được.
Cho nên tinh thần "Tự tứ" là tinh thần cầu những người chung quanh mình thấy những điều sơ sót những chỗ lỗi lầm do mình không thấy được, nhờ chỉ cho mình nhắc cho mình để cải tiến.
Trích: Ý NGHĨA NGÀY TỰ TỨ