Vì sao nên đi tu?
Hầu hết các khóa tu cho người trẻ diễn ra vào giữa tháng 6 cho đến cuối tháng 7, nhưng những ngày đầu tháng 5 đã có nhiều bạn hỏi thăm để đăng ký. ĐĐ.Thích Tịnh Vương, UV BTS Phật giáo TP.Đà Nẵng, tri sự chùa Long Hoa (Q.Ngũ Hành Sơn) cho biết, khóa tu “Ươm mầm tuệ giác” năm 2018 diễn ra vào giữa tháng 7 nhưng nay chùa đã chuẩn bị, ra thông báo rộng rãi.
Từ đầu tháng 4 đến nay, ĐĐ.Tịnh Vương còn đăng tải 15 tâm thư - là những cảm nhận của các bạn khóa sinh năm ngoái tham dự khóa “Ươm mầm tuệ giác” tại chùa. Bức thư nào cũng xúc động và nhiều lưu luyến, các khóa sinh bộc bạch rằng, nhờ đi tu mà thay đổi tích cực. Các bạn trẻ từng tham dự khóa tu truyền thông điệp về lợi ích của đi tu học tại chùa, dù ở đó các bạn tham gia với bất kỳ vai trò nào: là thiền sinh hay tham gia phục vụ.
“Ba ngày trôi qua, ở nơi đây tình thương của quý thầy dành cho chúng con thật là sâu đậm. Các thầy luôn nở nụ cười trên môi rất gần gũi, chăm sóc chúng con từng giấc ngủ. Ở nơi này chúng con được các thầy dạy những gì cần cho cuộc sống của mình, tụi con được học cách ăn cơm chánh niệm, thiền tọa, thiền hành. Đến khi dần quen với những cách thức đó thì tụi con lại phải rời xa, dù sao tụi con cũng đã học hỏi, tiếp thu ở nơi đây nhiều điều bổ ích. Và quý thầy cũng đã tiếp sức cho tụi con vốn hành trang để vào đời cùng một đêm thắp nến tri ân cha mẹ ý nghĩa”, bạn Liên bộc bạch.
Bạn Phạm Tiến thì chia sẻ rằng: “Lúc đăng ký con muốn trở thành một tu sinh như tất cả các bạn, nhưng do đã đủ số lượng nên được vào Ban tình nguyện - công việc trai soạn. Lúc đầu con cứ nghĩ là sẽ nhàm chán và không muốn làm, nhưng đã vào công việc thì khác hẳn, từ những bạn không quen biết trong ban trở thành những người bạn đồng hành với mình: cùng soạn bàn ghế, chén bát, rửa chén - tất cả đều cảm thấy rất hạnh phúc. Niềm vui niềm hạnh phúc càng tăng khi mỗi bữa các bạn khóa sinh ăn hết tất cả đồ ăn để có một sức khỏe tốt trong khóa tu”.
Nói về giá trị của các khóa tu dành cho người trẻ hiện đại, Sư cô Thích nữ Quang Tính, người vừa tham gia hướng dẫn khóa tu “Tuổi trẻ & Tình yêu” do chùa Kim Sơn (BR-VT) tổ chức trong những ngày đầu tháng 5 qua, bộc bạch: “Dẫu cuộc sống có bận rộn và nhiêu khê đến đâu, tôi nghĩ các bạn cũng nên dành ra ít phút dừng lại để tiếp xúc với những gì đang có mặt. Một khóa tu đầy chất liệu hiểu thương sẽ mang đến cho bạn cách thức làm chủ bản thân; từ khóa tu, bạn cũng sẽ có thêm bạn mới trong gia đình tâm linh cùng những giây phút thảnh thơi để được ngồi yên, để hiểu sâu về chính mình và cuộc đời ngoài kia”.
Sư cô kể, trong giờ pháp đàm tại chùa Kim Sơn, một bạn thiền sinh chia sẻ: “Con bắt đầu từ bỏ các sự tìm cầu hạnh phúc của một đứa chỉ biết học chữ nghĩa với những lý thuyết suông. Có lẽ con phải thiết lập cho mình một hiệp ước sống: Sống cho người bằng trái tim yêu thương, tiếp xúc xung quanh một cách sâu sắc nhất”.
Theo quý thầy cô có nhiều lần tham gia hướng dẫn khóa tu mà người viết tiếp xúc, thì việc đến với chùa, học Phật, học kỹ năng xử lý cuộc sống qua phương pháp quán chiếu nhân-quả, thực hành thiền mỗi ngày, sống tử tế với một cam kết rõ ràng vì tình thương, sự hiểu biết sẽ giúp cho các bạn “nuôi chất thánh, giảm chất phàm”. SC.Thích nữ Quang Tính lý giải về việc nuôi dưỡng này: “Không phải phàm thánh ở đâu bên ngoài mà là bên trong. Mỗi người đều có chất phàm, chất thánh: phàm là những cái nóng nảy, bực bội, hấp tấp; thánh là cái thảnh thơi, nhẹ nhàng”.
Theo Sư cô, thường khi về nhà, các bạn trẻ dễ thấy tánh phàm trong mình nảy sinh, đó là những lúc nóng nảy, buồn lo, bất an, thiếu lễ độ...; nhờ đi đến khóa tu, các bạn có thể nuôi dưỡng chất liệu nhẹ nhàng, thảnh thơi.
“Khi mình giúp cha mẹ và người thân xung quanh hiểu ý nghĩa của việc nuôi dưỡng sự nhẹ nhàng, thảnh thơi - chất thánh bên trong thì mình sẽ có niềm vui và mệt mỏi sẽ vơi đi rất nhiều. Tất nhiên, phải duy trì công phu, bằng không sẽ không nuôi dưỡng được lâu”, Sư cô lưu ý.
Bổ sung kỹ năng, nuôi dưỡng tâm hồn
ĐĐ.Thích Đồng Tâm, giảng viên khoa Pali và Phật học thuộc Đại học Phật giáo Quốc tế Sri Lanka - SIBA Campus quan sát và nhận định, người trẻ có xu hướng bạo lực ngày càng cao: bạo lực với chính mình (tự tử) và dễ hành hung với người khác, dù chỉ là chuyện nhỏ không vừa ý.
ĐĐ.Đồng Tâm lý giải: “Bạo lực có nguồn gốc từ việc tiêu thụ thiếu chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Có một mối liên hệ trực tiếp mật thiết giữa thân và tâm: những gì xảy ra trên thân thể sẽ ảnh hưởng lên tâm thức và ngược lại. Có 4 loại thức ăn (4 loại tiêu thụ) có thể làm phát sinh và gia tăng bạo lực: đoàn thực (những loại thức ăn đưa vào miệng), xúc thực (những thứ chúng ta đưa vào tâm thức thông qua các giác quan bao gồm phim ảnh, âm nhạc, sách báo, tạp chí...), tư niệm thực (ao ước, hoài bão, lý tưởng), thức thực (biểu hiện và hoạt động của tâm thức)”.
Theo đó, người trẻ khi nếu từ nhỏ sinh ra trong môi trường thiếu giáo dục tốt, thiếu tình thương của cha mẹ, bạo lực gia đình, bạo lực xã hội hoặc tiếp xúc với bạo lực từ phim ảnh, sách báo, truyền hình…, họ sẽ có mầm mống bạo lực rất lớn. Thêm vào đó, nếu không được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng quản lý cảm xúc và cách vượt qua cảm xúc khổ đau, bế tắc, tuyệt vọng cũng là nguyên nhân khiến người trẻ dễ tạo ra hành động bạo lực khi xảy ra va chạm, bất đồng ý kiến với nhau.
Để giảm bạo lực (biểu hiện của khổ đau), ĐĐ.Thích Đồng Tâm khuyên, người trẻ nên thực tập chánh niệm qua việc hành thiền, đầu tiên bắt đầu từ những khóa tu tại chùa mà hè là dịp thuận lợi cho đại đa số các bạn còn ngồi ở ghế nhà trường.
Nụ cười hoan hỷ trong khóa tu “Tuổi trẻ & Tình yêu” tại chùa Kim Sơn - Ảnh: Quang Tính
TS.Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM cho biết cả mình và ông xã đều quy y Tam bảo nên mỗi việc làm đều là “sống đạo” - từ đó có ảnh hưởng tích cực tới con, vì theo chị “đó là thân giáo”. Trên trang Facebook cá nhân, TS.Thúy cũng tích cực mời gọi các bạn trẻ dự các khóa tu thường kỳ hàng tháng, hàng tuần ở các chùa tại TP.HCM và đặc biệt là những khóa tu xuyên suốt mùa hè.
Chứng thực về giá trị của việc học Phật đối với người trẻ, TS.Phạm Thị Thúy nói về chính hai con của mình: “Mỗi cuối tuần cả gia đình tôi cũng thường xuyên nghe pháp thoại cùng nhau, cùng xem các video thuyết pháp trên YouTube. Tôi chưa biết lớn lên các cháu sẽ sống như thế nào nhưng hiện tại tôi thấy con mình cũng có tâm giúp đỡ người nghèo khó. Cháu nhà tôi từng chia sẻ với mẹ ước mơ lớn lên có nhiều tiền để giúp người nghèo...”. Theo chị, đó là nuôi dưỡng tâm hồn cho con, là tăng chất lương thiện thì đương nhiên giảm “chất phàm”.
Khẳng định việc học Phật giúp người trẻ định tĩnh hơn, từ đó có năng lực xử lý tình huống khó khăn, thất bại, đổ vỡ, những khổ đau gặp phải trong cuộc sống cũng là điều mà TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM chia sẻ. Theo Thượng tọa, người trẻ cần xem những khóa tu ở chùa là những khóa kỹ năng sống, giúp mình bồi bổ tâm hồn trên tinh thần nạp những thức ăn chứa dưỡng chất chứ không phải độc tố như các bạn thường gặp trên mạng hay cuộc sống, công việc bên ngoài nhiều xô bồ, thị phi…
Được biết, chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM) tổ chức khóa tu mùa hè lần thứ XIII từ ngày 29-7 tới 5-8-2018 với số lượng dự kiến 3.000 bạn trẻ (học sinh, sinh viên) tuổi từ 18 đến 25. Theo dõi và đăng ký khóa tu tại www.chuahoangphap.com.vn. Trong khi đó, tại Làng Mai (Pháp) cũng diễn ra khóa tu mùa hè từ ngày 6-7 đến 3-8-2018. Trang nhà Làng Mai (www.langmai.org) thông báo: diễn ra gần trọn vẹn trong một tháng, khóa tu mùa hè tại Làng Mai đặc biệt hơn vì còn dành cho các gia đình có trẻ em (từ 6-12 tuổi) và thanh thiếu niên (từ 13-17 tuổi). Nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng theo dõi thông tin khóa tu tại Làng Mai (Thái Lan) và khi tham dự khóa tu về đều có cảm nhận mình được “làm mới”, nhiều lợi lạc… |
Đỗ Thị Hiền
Địa chỉ: 419/11 Cách Mạng Tháng 8, Ward 13, Distric 10, Ho Chi Minh City
Điện thoại: 0918 205 182 - Email: buudapagoda@gmail.com