GN - Trong các ngày 10, 11 và 18-4, tại chùa Từ Đàm (Huế) và chùa Xá Lợi (TP.HCM) lần lượt diễn ra các Hội thảo khoa học “Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám và những đóng góp đối với Hội An Nam Phật học” và “Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt”. Để hiểu thêm về cuộc đời của nhị vị cư sĩ, GN lược trích tiểu sử dưới đây:
Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám (1897-1969):
Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan; từ nhỏ, đã tỏ ra là người có năng khiếu văn chương thi phú. Thân sinh là Binh bộ Thượng thư Lê Đỉnh ở triều Tự Đức.
Trong những năm theo học, ông luôn giành thứ vị thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp. Ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (đậu thủ khoa) tại Hà Nội năm 1916, Y khoa Bác sĩ năm 1930, ngạch Pháp quốc, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội.
Năm 1928, ông lại được thuyên chuyển về Huế, với duyên này, được tham kiến và nghe giảng giải Phật pháp từ HT.Giác Tiên nên phát nguyện quy y Tam bảo, pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Chiêu Hải; ăn trường trai từ đó và nghiên cứu học hỏi kinh điển Phật giáo.
Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, ông làm Hội trưởng và chư tôn Hòa thượng trong Ban Chứng minh là cố vấn cho Hội để thực hiện sứ mệnh: Truyền bá Chánh pháp, mở trường đào tạo chư Tăng, xuất bản báo chí, xây dựng các tòng lâm.
Giai đoạn 1934-1961, ông góp sức hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo Tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên; giảng kinh, viết sách, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa tại những nơi có mặt.
Ông mất ngày 23-4-1969 (nhằm 7-3, Kỷ Dậu), sau khi đã đàm đạo lần cuối cùng với Hòa thượng Đôn Hậu, tại Bệnh viện Việt - Xô, Hà Nội. Thọ 73 tuổi và 42 năm phụng sự Tam bảo.
Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905-1973):
Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 1-4-1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thiếu thời, ông theo học tại Trường Sơ học Pháp - Việt Bến Tre, Trung học Mỹ Tho và Chasseloup Laubat Saigon. Năm 1924, ông thi đậu Thư ký Hành chánh và được bổ đi làm việc tại Sài Gòn, Hà Tiên, Chợ Lớn. Năm 1931, ông thi đậu Tri huyện và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Từ năm 1947, ông về Sài Gòn và lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong Chính phủ cho đến khi về hưu năm 1960.
Cư sĩ quy y với HT.Thích Hành Trụ, với pháp danh là Chánh Trí, trở thành một Phật tử thuần thành, ăn chay trường, làm Phật sự không biết mệt mỏi. Năm 1950, ông vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt, tổ chức các lớp Phật học và thuyết giảng, xuất bản sách báo, thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp miền Nam.
Chính ông vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi làm trụ sở của Hội Phật học Nam Việt. Ông làm Tổng Thư ký của Hội khi mới thành lập và Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày ông mất.
Trong giai đoạn Pháp nạn 1963, ông giữ nhiệm vụ Tổng Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo. Khi Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợị, ông đảm nhiệm Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng Thư ký niên khóa 1967-1968.
Ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển, dịch và trước tác các tác phẩm có giá trị về Phật học. Ông mất ngày 17-4-1973, tức rằm tháng Ba năm Quý Sửu, hưởng thọ 69 tuổi.
Nguồn: Báo Giác Ngộ