Không ai có thể phủ nhận hình ảnh đẹp của những hoa đăng lấp lánh ánh sáng được thắp bởi những ngọn nến. Những ai tham dự các lễ hội hoa đăng hay từng thả hoa đăng để cầu nguyện đều cảm nhận, trong không gian chung ấm cúng đó, lời ước nguyện lành, hướng tới một đối tượng thiêng liêng, hướng nguyện về đối tượng mình thương-quý là khoảnh khắc giúp lắng đọng tâm hồn.
Lễ hội hoa đăng không phải là nét văn hóa của riêng Phật giáo, mà được biết như một sản phẩm tâm linh của nhiều người, ví dụ như khi đến Hội An (Quảng Nam), thả hoa đăng trên sông Hoài đã trở thành hình ảnh đẹp, thân quen của nhiều du khách, người dân, không phân biệt tôn giáo.
Hoa đăng trên sông Hoài - Hội An
Trong tôn giáo, cúng dường ánh sáng, dâng hoa đăng trong những dịp lễ cũng trở nên phổ biến và ngày càng phổ thông trong những cuộc lễ. Với Phật giáo, việc tổ chức hoa đăng cầu nguyện hay thả hoa đăng (tùy địa phương và tự viện) cũng là một trong những nội dung lồng ghép nhân lễ Phật đản, Vu lan, hay các khóa tu tuổi trẻ. Vì như đã nói, trong khoảnh khắc truyền đăng, cầu nguyện trước ánh sáng lung linh, huyền ảo, giữa không gian mênh mông của đêm, sự lắng tâm của tất cả đại chúng tạo nên một sự cộng hưởng lớn về mặt tâm lý.
Do vậy, có thể nói, hoạt động này về mặt trị liệu tinh thần cũng có ít nhiều tác động. Tuy nhiên, trong đạo Phật, phương pháp để đưa đến định tâm không phải chỉ duy nhất có mỗi việc hoa đăng cầu nguyện mà còn rất nhiều cách khác: tụng kinh, lễ Phật, cầu nguyện, thiền tập, quán niệm...
Trong xã hội hiện đại, mọi sinh hoạt phải dựa trên nền tảng khoa học, tôn trọng môi trường sống... Tại tuyên bố chung Vesak 2019 diễn ra tại Hà Nam, hay còn gọi là "Tuyên bố Hà Nam 2019" có điều 8 thể hiện "Cách tiếp cận Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững" - đã nhấn mạnh đến việc "Vận dụng tinh thần Phật giáo, nhấn mạnh đạo lý duyên khởi - vạn vật nương tựa lẫn nhau sinh tồn để đảm bảo cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và sự hòa hợp giữa con người với thế giới tự nhiên".
Do vậy, khi có những hiện tượng sử dụng phương tiện trong hoằng pháp, thực tập tâm linh gây ảnh hưởng môi sinh thì nhiệm vụ của Phật giáo chính là điều chỉnh để hợp thời và hợp lòng người.
Cách đây mấy ngày, Giác Ngộ online giới thiệu phương pháp bảo vệ môi trường của các nhà sư Phật giáo Campuchia là quy y cho cây - góp phần bảo vệ màu xanh cho đất mẹ. Một ngôi chùa ở Thái đã từng sử dụng công nghệ để biến phế phẩm từ nhựa thành vải may y sử dụng cho chư Tăng...
Tuần báo Giác Ngộ số 1013 có bài viết "Nhỏ là đẹp", nhà báo Pháp Hỷ nhắc đến chuyện, để tái tạo một môi trường sống đã bị ô nhiễm - Phật giáo chắc chắn phải có trách nhiệm dự phần. Đây cũng là thông điệp phù hợp với những nội dung trong Tuyên bố Hà Nam 2019 về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Trở lại việc tổ chức hoa đăng, thả đèn cầu nguyện trên kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM), trên sông, đảo Cát Bà (Hải Phòng)... chắc chắn có ảnh hưởng môi trường vì các "sản phẩm" từ nhựa, đèn cầy ly nhôm. Để một hình ảnh đẹp, thật sự đẹp phải "lợi mình, lợi người, lợi môi trường". Đó chính là tinh thần sống thiện của đạo Phật, trong cái thấy tương tức, nương nhau biểu hiện của mọi sự, mọi vật.
Thiết nghĩ, nếu việc làm chỉ mang lại lợi cho mình (định tâm) trong lúc nào đó mà lại tổn hại môi trường, gây phản ứng không hay trong cộng đồng thì cần nghiên cứu lại để có thể thay thế cách làm khác mang hiệu ứng/ kết quả tương tự hoặc thay thế nguyên vật liệu sử dụng trong cuộc lễ hoa đăng (nếu còn tổ chức trong điều kiện cụ thể nào đó). Mong vậy!
Lưu Đình Long