Họ 'Thích' có từ khi nào, ý nghĩa?

Thứ sáu, 06/05/2022, 21:04 GMT+7

     Việc người xuất gia tu Phật lấy họ Thích làm gốc đã là việc nên làm và đang hiện hữu nơi thế gian nhằm thức tỉnh người tu xuất gia luôn gắng vun bồi đạo hạnh để đức tướng Như Lai mãi hiển lộ ở nơi đời, trường tồn mãi trong nhân gian.

     Những người xuất gia tu Phật thường mang họ của đức Giáo chủ, Phật Thích ca Mâu ni, ví dụ, như Hòa thượng Thích Gia Quang, Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 – 1993), đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỳ kheo Thích Quảng Đức (1897 – 1963), người đã làm ngọn đuốc sống, là Bồ Tát “vị pháp thiêu thân” gây chấn động địa cầu vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926 – 2022) được xem là người khởi xướng phong trào “Phật giáo dấn thân” từ cuối những năm 60 của thế kỷ 20 ở Việt Nam, rồi sau đó được biết tới nhiều hơn ở phương Tây từ giữa thập niên 70 của thế kỷ XX. Thuật ngữ “Phật giáo dấn thân” này đã được nói tới trong tác phẩm nổi tiếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tên khác là “Đạo Phật đi vào cuộc đời” (Đã in trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học – tháng 4 năm 2005). Trong ngữ cảnh tiếng anh “Phật giáo dấn thân” cũng đồng nghĩa với nhiều thuật ngữ Phật học tương đương như “Phật giáo nhân gian”, “Phật giáo tham dự xã hội”, Thực ra “Phật giáo dấn thân” của Thích Nhất Hạnh là sự tiếp cận tư tưởng “Phật giáo nhập thế” của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308). Cần nói thêm rằng, không chỉ các chư tăng mang họ Thích mà cả các chư ni (những người xuất gia là giới nữ) cũng mang họ của đức Phật như: Thích nữ Như Lộc, Thích nữ Như Hoa và điển hình như Thích Nữ Trí Hải từng được Hòa thượng Thích Minh Châu (1919 – 2012) ngợi khen bởi những phật sự và công hạnh rằng: Thích nữ Trí Hải – thật xứng danh là Trí Hải… hết thảy các vị đều mang họ Thích, đều “đầu tròn áo vuông” và “mỗi nửa tháng lại cạo tóc một lần” là nhắm “hủy hình, hoại sắc” và đó cũng là MỘT PHÁP TU nhằm trang nghiêm giới đức, gìn giữ ĐỨC TƯỚNG NHƯ LAI bởi đức tướng Như Lai là tướng ẩn tàng ở bên trong không nhìn thấy được, mà đức tướng này mới là THỰC TƯỚNG của người chân tu.

     Vậy, những người xuất gia tu Phật được mang họ Thích từ bao giờ?

 

Chùa Minh Đạo làm lễ tạ đàn Dược Sư cầu an 6

 

     Theo dòng thời gian đạo Phật đã tồn tại và phát triển theo đà tiến bộ của nhân loại với những giáo lý căn bản: Vô thường, vô ngã, tứ đế, bát chính đạo, duyên khởi… trải qua gần 26 thế kỷ vẫn gắn bó mật thiết với đời sống con người, luôn là kim chỉ nam cần thiết và có giá trị tuyệt đối cho cuộc sống yêu thương, hòa bình, hạnh phúc, hiểu biết đúng đắn của thế giới loài người, một tôn giáo được coi là cổ nhất trong lịch sử nhân loại hiện được biết tới (Phật Thích ca ra đời trước Chúa Jesus khoảng 500 năm) nhưng lại là tôn giáo hiện đại nhất trong mọi lĩnh vực, kể từ khi nó ra đời.

     Trước hết: Một tôn giáo trở thành một tôn giáo hoàn cầu khi nó được truyền bá ngoài quốc gia nơi nó phát sinh. Được biết, ngày nay chúng ta có năm tôn giáo hoàn cầu là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn giáo (cũng gọi là đạo Hin-đu), Do Thái giáo, và Hồi giáo (Hồi giáo còn được gọi là đạo Ixlam, giáo chủ là nhà tiên tri Mô-ha-mét sinh năm 569. Đạo Hồi thờ Thánh Ala). Thuở ban đầu, đạo Phật chưa phải là một tôn giáo – nói đúng hơn chỉ là “một lối sống”.

     Đến khi đạo Phật đã trở thành một tôn giáo lớn với bề dày lịch sử, với kho tàng kinh điển đồ sộ “có một không hai” vậy mà đến nay vẫn còn đó những câu hỏi: Đạo Phật có phải là tôn giáo không? Vậy “tôn giáo” là gì? Thật khó hy vọng đạt được một thỏa thuận chung nhất cho một định nghĩa về tôn giáo. Xin dẫn ra một vài định nghĩa về tôn giáo mà các học giả đưa ra: Từ điển Oxford: Tôn giáo là hệ thống của niềm tin và sự tôn thờ, là sự trực nhận của con người đối với năng lực chế ngự siêu nhiên, đặc biệt đối với ngôi vị Thượng đế có quyền được tuân phục… Triết gia người Pháp là VoLteire (1694 – 1778): “Tôn giáo là điều ngớ ngẩn kìm giữ số đông trong vòng lệ thuộc”. Học giả Engels: Tôn giáo không gì khác hơn là sự phản ánh cuồng nhiệt vào tâm trí con người bằng các sức mạnh bên ngoài, các năng lực chế ngự cuộc sống sơ khai của họ v.v…

     Mặc dù có nhiều quan điểm kề cận nhau, nhưng quan điểm cao cả nhất, sâu rộng nhất về vấn đề này từng được thốt ra do Thomas Paine, mà người ta thường cho là “vô thần và vô tôn giáo”. Khi bị những kẻ kết án ông săn đuổi, ông can đảm nói: “Thế giới là quê hương của tôi, nhân loại là anh em của tôi và LÀM LÀNH là tôn giáo của tôi”. Triết lý nhân bản của nhà đại cải cách người Anh này là “LÀM LÀNH” cốt tủy của mọi tôn giáo. Đương nhiên, ông ta không phải là người phi thường khi định nghĩa về tôn giáo, bởi trước ông 2.300 năm, nội dung về Tôn giáo đã được đức Phật xác lập:

Tránh làm điều ác

Làm tất cả việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Ấy là lời Phật dạy.

 

buddha01-1380872be59c34468ef8914264491880750d6017-s800-c85

 

     Mặc dù vậy đến tận bây giờ, Phật giáo vẫn còn là một trở ngại lớn nhất đối với các học giả ngành TÔN GIÁO HỌC so sánh, vì nó không thuộc một phạm trù tôn giáo đơn độc nào – dù nó vẫn chứa đựng các yếu tố vừa của Tôn giáo tự nhiên, vừa của Tôn giáo MẶC KHẢI bởi các yếu tố của THA LỰC – là lực hỗ trợ bên ngoài, cho dù nó chỉ là yếu tố phụ. Yếu tố tha – lực này sở dĩ có được thì cũng do sự nỗ lực tự thân cùng những công hạnh sâu dày của những người tu mới có được – nó khác với sự cầu xin, ỷ lại vào một sự “cứu rỗi” nào đó từ… Bề Trên.

     Một tôn giáo chỉ tin vào yếu tố con người, không chủ trương tin vào Thượng đế hay các vị Thần linh khác nên một số tôn giáo cho Đạo Phật là… “Vô thần”.

     Nhưng theo Hòa thượng, tiến sỹ Thích Minh Châu (1918 – 2012) thì đạo Phật vẫn luôn là một tôn giáo, ở chỗ:

- Thứ nhất: Nó có một Giáo chủ là đức BẢN SƯ THÍCH CA MÂU NI, mặc dù đã nhập diệt cách đây khoảng 2600 năm nhưng vẫn là đối tượng quy ngưỡng của hàng trăm triệu tín đồ phật tử hiện nay trên khắp thế giới.

- Thứ hai: Nó có một hệ thống giáo lý được ghi lại trong 3 tạng kinh điển có nguyên tắc, bằng hai cổ ngữ chính là Pàli và SansKit và được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới.

- Thứ ba: Nó có một giáo đoàn Tăng sỹ chấp nhận và thực hành mọi quy tắc được Phật chế định ngay khi Ngài còn tại thế và được ghi lại trong GIỚI BỔN PATIMOKKHA.

     Mặc dù là Giáo chủ (người Sáng lập) nhưng Phật Thích ca luôn thực hiện tính bình đẳng với “Sáu phép” gọi là Lục hòa Cộng trụ trong đoàn thể Tăng đoàn.

     Trong Kinh trường bộ 16 và Kinh Đại bát Niết Bàn, tại trang 267 có chép lời đức Phật hỏi Ananda, một trong 10 đại đệ tử của Phật rằng: “Này Ananda, Như Lai: không nghĩ rằng Ta dẫn đầu chúng Tỳ Kheo (người xuất gia tu Phật là nam giới) hay chúng Tỳ Kheo chịu sự giáo huấn của Ta”.

 

btn-0061-4392 (1)

 

     Phật giáo cũng là một tôn giáo KHÔNG CÓ GIÁO QUYỀN, đồng thời mọi giáo pháp của đức Phật dù được kính ngưỡng gọi là những Kim Ngôn cũng chỉ được coi là phương tiện, mà Kinh Phật từng lấy ví dụ như: Con thuyền giúp hành giả qua sông, khi qua sông rồi thì bỏ thuyền lại – cũng như giáo pháp của Phật khi đã thâm ngộ, đã thực hành rồi thì cũng không cần phải “ôm mãi” giáo pháp làm gì. Ý này được ví là tiếng gầm của sư tử lớn, rằng: “Pháp mà còn phải buông bỏ, huống hồ những gì không phải Pháp” (Kinh sư tử hống). Ấy là tinh thần, phá chấp trong đạo Phật. Đức Phật cũng xác quyết, đã là “con đường” thì cũng có rất nhiều con đường khác nữa chứ không phải chỉ có con đường của Phật, và từng tuyên bố, Ngài không phải là đao sư chân chính DUY NHẤT rồi dạy rằng “Hãy tôn trọng những ai xứng đáng được tôn trọng”, bởi: Tất cả những cái gì lên cao đều quy tụ. Phật dạy trong Kinh Hải đảo tự thân: “Các người là nơi nương tựa của chính mình, là hòn đảo, chứ không còn nơi nương tựa nào khác”. Đây là một khái niệm xuyên suốt toàn bộ giáo pháp khiến con người TỰ TÌM ĐẾN CHÂN LÝ cho chính mình. Vậy nên, học giả Lương Khải Siêu (1873 – 1929) nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị, nhà bình luận chính trị Trung Quốc cận đại, đã khẳng định: “Phật giáo là trí tín chứ không phải mê tín” (Phật giáo chi tín ngưỡng nãi trí tín, nhi phi mê tín).

     Trong năm tôn giáo hoàn cầu như đã đề cập ở phần trên, thì Ấn Độ giáo (Đạo Hin-đu) không hề có Giáo chủ, tức người sáng lập. Kinh Vệ Đà và Kỳ na giáo cũng vậy… và cũng không có một đoàn thể chấp nhận để tu chứng… Trái lại đạo Phật có tất cả. Giáo lý Phật tuy là “thậm thâm vi diệu” nhưng khi sửa điều dở cho ai cũng không nghiêm khắc quá, dạy điều hay cho ai cũng không cao siêu quá; mọi giáo lý cũng không có tính chất cố định, cứng nhắc, thường là tùy căn cơ hoàn cảnh và còn tùy cả sự việc nặng – nhẹ mà đức Phật đưa ra một giáo thuyết “đối trị” như thuốc dùng đúng bệnh. Đức Phật cũng dạy rằng, trong đạo của Ngài không cần văn chương hoa mỹ, chỉ cần nghĩa lý rõ ràng, lập luận chặt chẽ; lời văn và giọng nói cần phải đơn giản để cho người nghe hiểu được mình muốn nói gì, vì thế cần phải học giáo pháp bằng ngôn ngữ của chính mình.

     Vì thế, trong các chuyến đi du hóa của đức Phật tại Vương Xá, Xá Vệ, Ba la nại, Tỳ xá ly – ngoài giảng dạy các Thánh đế bằng ngôn ngữ thông dụng của từng địa phương. Nghĩa là đến địa phương nào là đức Phật dùng ngay thổ ngữ ở địa phương đó. Với tín đồ Vương Xá, Ngài nói tiếng Ma Kiệt Đà, với tín đồ Xá Vệ, Ngài nói tiếng Kiều Tát la. Với tín đồ ở Ba la nại, Ngài nói tiếng Ca thi. Với tín đồ ở Tỳ xá ly, Ngài nói tiếng nước Bạt Kỳ… để khiến họ hiểu ngay giáo pháp của Ngài một cách dễ dàng.

     Sự diễn đạt của đức Phật cho thính chúng nghe trong bất cứ ngôn ngữ nào cũng nhẹ nhàng, trong trẻo, nhịp nói lưu loát nên lời nói của Ngài được gọi là VIÊN ÂM. Sự tích này còn được truyền tụng: Dù đức Phật nói nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng người nghe có cảm giác như Ngài đã dùng các thứ tiếng trong cùng một lúc. Bồ tát Long Thọ (Khoảng đầu thế kỷ thứ II Tây lịch) sau khi suy ngẫm về cuộc đời đức Phật đã phải sửng sốt xưng tán rằng: “Lạy dức Thế Tôn, Ngài không thốt ra một lời nhưng tất cả đệ tử của Ngài đều được thấm nhuần MƯA PHÁP”. Vì những lí do nói trên, Phật giáo đã len sâu vào tâm hồn Ấn trên khắp lãnh thổ rồi sớm lan xa, vượt ra ngoài biên giới. Rồi khi trở htành một tôn giáo lớn như ngày nay đã khiến mọi tôn giáo và các triết phái truyền thống phải… “xem lại” cơ sở giáo lý của mình trước những thử thách lớn khi đối diện với đà tiến bộ của khoa học? Trong khi Đạo Phật vẫn “vững như bàn thạch” và mở con đường du nhập vào những quốc gia đứng hàng đầu trên thế giới về khoa học và công nghệ như Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Đức… “Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ”– nhà bác học được coi là “vĩ đại nhất thế kỷ XX” là ALBERT EINSTEIN (1879 – 1955) đã nói về Phật giáo như vậy: “… tôn giáo ấy phải siêu vượt trên một Thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học, nó bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật – tự nhiên và tâm linh phải được quan niệm như một thể thống nhất”.

 

co-nen-cau-sieu-cho-nguoi-moi-mat-tanglehanoi.net_

 

     Sở dĩ giáo pháo của đức Phật “bất ly thế gian” bởi giáo pháp ấy đã thực sự lôi cuốn con người trên phương diện tri thức, nhưng lại chú trọng đến nhân cách hơn là sức mạnh của số đông. Chả vậy mà văn hào Nhật Bản là Kawabata Yasunary (1899 – 1972) giải Nô Ben văn chương 1968 từng cảm phục thốt lên: “Kinh Phật là tác phẩm văn chương vĩ đại nhất của nhân loại”. Ấy vậy mà, trong suốt 45 năm giáo hóa độ sinh, cũng như trong Kinh Di giáo – ghi lại những lời dạy cuối cùng của đức Phật chúng ta thấy, Ngài không hề nói tới việc những người tu xuất gia được mang họ của Ngài. Điều này gợi nhắc chúng ta về lịch sử phong kiến ở Trung Hoa, Việt Nam… có những người được mang họ nhà Vua, đó là các cận thần, các vị tướng có nhiều công lao nên nhà Vua và triều đình phong tặng như một “đặc ân”, và gần đây nhất, những năm cuối thế kỷ 20, Hoàng gia của Vương quốc Cam-pu-chia cũng đã “tấn phong” họ “Xăm – đéc”, họ của nhà Vua cho vị Thủ tướng của đất nước chùa tháp là ngài Hun-Sen đó thôi.

     … Qua đó để thấy, đức Phật không hề coi trọng việc để các đệ tử mang họ “Thích” của Ngài, và nó được thể hiện cụ thể ngay trong Tăng đoàn của Ngài, kể cả 10 đại đệ tử của đức Phật, như tôn giả Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ananda… vẫn giữ nguyên họ và tên nơi thế tục. Rồi đến cả mô hình Tăng đoàn (mà sau đó gọi là Giáo hội), đức Phật còn không cho phép có một tổ chức chặt chẽ nữa là – vì cho rằng: Hiểu biết càng sâu thì niềm tin tôn giáo càng vững, còn tổ chức của Giáo hội có chặt chẽ hay lỏng lẽo cũng không thành vấn đề. Lại nữa… vấn đề định danh, định nghĩa… TÔN GIÁO, đạo Phật cũng không mấy quan tâm, và hơn thế nữa còn khước từ vì cho rằng: Mọi định nghĩa khách quan là đặt giới hạn cho sự thăng hoa của nguồn sống đạo?

     Thế nên, nhân loại trong thế kỷ XXI hôm nay vẫn còn đó sự hoài nghi: Phật giáo có phải là tôn giáo không? (Buddhism – the religion or no religion). Vâng! Phật giáo luôn chấp nhận sự hoài nghi, còn coi đó như một CÚ HÍCH để được minh định với những ai có tham cầu hiểu biết như chính việc “tìm đạo” và “thấy đạo” của đức Giáo chủ – Phật Thích ca Mâu ni.

     Với những công nghĩa sâu dày của Phật giáo và sự cống hiến có một không hai của đức TỪ PHỤ (cha hiền) thế nên vào thời tiền Tần ở Trung Hoa, có Ngài Trúc Đạo An (312 – 385) là người xuất gia tu Phật và cũng là người đầu tiên đề xướng: .Người xuất gia tu Phật cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng là hậu duệ của Phật Thích ca vì vậy nên lấy họ “Thích” (Nguyên âm Phạn: SaKya) LÀM GỐC. Do đó sư Trúc Đạo An đã có tên là Thích Đạo An. Trước Ngài Đạo An, chư tăng nước ngoài đến Trung Hoa thường lấy tên nước của họ làm… họ, như ngài Trúc Pháp Hộ, thuộc nước Thiên Trúc (tức Ấn Độ cổ), Ngài Khương Tăng Hội, ở nước Khương Cư, Ngài An Thế Cao, người nước An-tức và sư phụ của ngài Đạo An là Trúc phật đồ trừng… cũng vậy.

     Thiết nghĩ, việc người xuất gia tu Phật lấy HỌ THÍCH LÀM GỐC đã là việc nên làm và đang hiện hữu nơi thế gian nhằm thức tỉnh người tu xuất gia luôn gắng vun bồi đạo hạnh để ĐỨC TƯỚNG NHƯ LAI mãi hiển lộ ở nơi đời, trường tồn mãi trong nhân gian.

     Hoan hỷ.

Pháp Vương Tử

Ý kiến của bạn