Cả đời mẹ gánh gồng nuôi con, nuôi cháu - Ảnh minh họa
Tôi viết những dòng chữ này bằng tâm khảm sâu lắng trong lòng của một đứa con, muốn khắc ghi mãi mãi sự hy sinh to lớn của mẹ vì một mái ấm gia đình hạnh phúc, góp phần kiến tạo xã hội văn minh, tiến bộ…
Bảy mươi bảy năm trước, mẹ cùng cha gặp nhau nên vợ nên chồng trong lúc làm thuê cuốc mướn cho địa chủ trong vùng. Rồi chắt lọc chút ít vốn từ tiền công mua được mảnh vườn, sào ruộng, dựng tạm ngôi nhà tranh vách đất tại quê hương ở xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Kháng chiến chống Pháp 1945 - 1950, cha tình nguyện tham gia đoàn dân công tiếp vận, ở nhà một mình nuôi ba con nhỏ, mẹ tần tảo, lam lũ quanh năm kiếm từng miếng cơm, manh áo duy trì cuộc sống của bốn mẹ con, đặng để cha yên tâm phục vụ nơi chiến trận.
Chiến dịch biên giới kết thúc, do yếu sức khoẻ, cha trở về cùng mẹ tiếp tục vật lộn với nắng sương trên nương rẫy, ruộng đồng sản xuất khoai lúa, tạo mọi điều kiện cho anh em tôi được học hành, không vì đói nghèo mà bỏ dở con đường học vấn.
Hai anh trai tôi lần lượt lên đường nhập ngũ, mỗi lần như thế, mẹ lặng lẽ giúi vào tay các anh mấy đồng bạc lẻ, dặn dò gắng luyện tập nơi thao trường để cùng đồng đội lập công, đợi ngày thống nhất gia đình đoàn tụ nha con. Anh cả ở lại lập gia đình với vợ là cô gái làng bên cách nhau con sông Ngàn Phố chảy dọc theo luỹ tre làng.
Tôi chẳng bao giờ quên được những năm 1964 - 1972, khi giặc Mỹ leo thang ném bom đánh phá miền Bắc, trong đó khu vực Hà Tĩnh là trọng điểm bắn phá ác liệt do nằm trên trục đường giao thông huyết mạch đưa quân đội, vũ khí, lương thực, thực phẩm tiếp tế vào miền Nam và chiến trường C (nước bạn Lào anh em).
Thường ngày, tinh sương chị dâu tôi quảy gánh chè tươi qua chợ Thượng, sát chân cầu đường sắt Thọ Tường (thuộc huyện Đức Thọ) cách nhà khoảng 8km để bán, nhưng sau đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, máy bay Mỹ đêm ngày chà xát, rắp tâm phá huỷ chiếc cầu hòng cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng nối liền giữa hậu phương với tiền tuyến, mẹ bùi ngùi tâm sự: Từ hôm nay, con để mẹ đi thay, rủi bom rơi đạn lạc thì mẹ đã già, về cùng tổ tiên cũng đặng, con còn trẻ tuổi, phải lo cơm áo và nuôi dạy các cháu nên người.
Ban đầu không chịu, nhưng trước thái độ kiên quyết như mệnh lệnh của mẹ, nước mắt chị thấm ướt khi nhìn mẹ oằn lưng đỡ chiếc đòn gánh nặng trĩu, khuất dần sau lùm cây, rong ruổi xuống chợ hết ngày này qua tháng khác kiếm tiền lo toan cho chồng con.
Rồi chiến tranh kết thúc, một ngày cuối năm 1977, đại diện UBND xã đến thông báo anh hai tôi hy sinh ở mặt trận phía Nam ngày 15-8-1969, an táng tại nghĩa trang mặt trận. Bàn tay run rẩy đặt nắm hoa dâm bụt hái vội ngoài bờ dậu trước ngõ lên lư hương trên bàn thờ, mẹ oà khóc trong tiếng nấc đứt quãng - vậy là xương thịt cũng hoà vào lòng đất con ơi… Đau thương vô bờ, nhưng cha mẹ tôi không gục ngã.
Được sinh ra, lớn lên trong tình thương yêu bao la của đấng sinh thành, anh em tôi học hành đỗ đạt, kẻ trong Nam, người ngoài Bắc trưởng thành, lập nghiệp. Tưởng chừng được nghỉ ngơi thụ hưởng tuổi già, song nghiệt ngã thay, mùa hè năm 1986, chị dâu tôi lâm trọng bệnh qua đời, để lại năm đứa con, lớn nhất mười ba tuổi và cháu út mới ba tuổi, thế là mẹ tiếp tục nuôi dưỡng đàn cháu, bằng tất cả tình thương yêu máu thịt của mình.
Điệp khúc mờ sáng lặn lội hết nương rẫy đến chợ búa chắt chiu đồng tiền cắc bạc bao bọc, dưỡng dục bầy cháu thơ dại, tái diễn đằng đẵng thêm mười lăm năm ròng, cho đến cuối năm 2001 mới được nghỉ ngơi ở tuổi 85 “xưa nay hiếm”, khi tất thảy các cháu đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm, xây dựng gia đình, ổn định cuộc sống.
Dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao:
Leo truông mới biết truông cao
Có nuôi con nhỏ mới biết công lao mẹ thầy
Với đại gia đình tôi, thật xúc động, tự hào đã có Mẹ, có Bà - Người trong đời hai lần làm Mẹ - tấm gương về đức hy sinh, tận tuỵ, đảm đang, nhân ái để chúng tôi có những mái ấm đoàn tụ, hạnh phúc, sum vầy và mãi mãi trường tồn theo dòng chảy thời gian.
Nguyễn Tiến Đạt
(thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)
Địa chỉ: 419/11 Cách Mạng Tháng 8, Ward 13, Distric 10, Ho Chi Minh City
Điện thoại: 0918 205 182 - Email: buudapagoda@gmail.com