Mẹ tôi, tôi biết nói sao cho đủ bao nỗi niềm… Biết rằng đời là bể khổ, sinh ra đời đã khổ, và đời này chúng ta còn phải chịu những duyên nghiệp từ kiếp trước, phải thế chăng mà đời này mẹ tôi đã sống vô cùng từ tâm, nghị lực và nhường nhịn, vậy mà phải chịu đựng biết bao nhiêu điều buồn tủi tựa như đang trả nợ nhân quả cho những tiền kiếp xa xăm?
Ảnh minh họa
Tôi nhớ, ngày tôi còn bé, thường được mẹ cùng cho đi chợ chiều. Xâm xẩm chiều tối. Chợ muộn. Những món đồ cuối ngày được bán vội, bán rẻ để người bán còn về. Có khi người buôn hàng chuyến đổ đống những bó rau cuối để kịp bắt chuyến xe cuối trở về. Nhà tôi có những năm nghèo rớt, mẹ tôi chẳng ngại ngần nhặt lấy một bó rau còn xanh từ những bó rau bị đổ đi đó. Nhưng, có một hàng rau trong chợ, mẹ cũng thường ghé mua chút ít. Người bán cau có, mà mẹ tôi vẫn niềm nở, vẫn ghé mua thường. Rau ở đó không tươi xanh, có khi nhìn còn úa hơn thứ rau bị người ta đổ đi, mà mẹ tôi vẫn niềm nở ghé mua. Tôi thắc mắc, mẹ tôi cười, bảo vì mẹ thích mua cho cô ấy. Tôi thấy sự thích này thật vớ vẩn. Cho đến một ngày, chúng tôi đi trễ hơn, hoặc do sạp hàng đó dọn về sớm, tôi thấy người bán hàng rau đó đứng dậy, đúng hơn là lết dậy, với đôi chân quắt queo, không đi được. Tôi mới vỡ lẽ tại sao…
Mẹ tôi trước là kế toán viên của một công ty xây dựng. Cuộc sống đẩy đưa, khi tôi học lớp một thì mẹ tôi xin nghỉ hưu non, khi tôi học lớp bốn thì mẹ tôi đã ngày ngày đạp xe chở một thùng than phía sau đi bán, sau này mẹ tôi lại chuyển qua chở than bằng xe xích-lô. Những ngày mẹ tôi đổ bệnh cách đây hơn năm năm, cũng là những ngày tôi gặp khó khăn nhiều mặt, lận đận cả công việc lẫn tình cảm. Tôi bỏ việc, chuyển chỗ làm liên tục trong thời gian đó, và không hài lòng được chỗ nào, cảm giác rất chán nản, vì việc mình muốn làm thì không làm được, còn những việc cho mình thu nhập thì làm được nhưng không có chút niềm yêu. Mẹ tôi nằm trên giường bệnh, bảo tôi, con cố gắng làm việc, vui vẻ với công việc, chứ mẹ đi chở than mà mẹ cũng gắng làm, vui vẻ mà làm đó thôi. Giờ, những khi làm việc thấy mệt, tôi lại nghĩ, mình đâu có mệt gì so với mẹ ngày nào đi chở than. Giờ, những khi chạy xe ngoài đường phố Sài Gòn, thấy những người phụ nữ lam lũ đạp xe ba gác, xe xích-lô,… chở hàng, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến mẹ tôi. Mẹ tôi cũng như họ, như những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ngay giữa lòng thành phố.
Những ngày mẹ tôi sắp mất, nhưng cả nhà chúng tôi lại giấu mẹ tôi sự thật về tình trạng bệnh, mẹ tôi cũng không biết mình bị ung thư giai đoạn cuối. Bà nghĩ bà sẽ khỏe lại, sẽ đi đây đi đó, làm việc này việc kia. Khi chúng tôi soạn quần áo và một số món đồ của mẹ, dự định một số đồ sẽ giữ lại vừa dùng vừa giữ làm kỷ niệm, còn lại hầu hết thì đem đi thiêu sau khi mẹ mất. Chúng tôi hỏi ý mẹ rằng mẹ có nhiều quần áo thế, mẹ có muốn cho ai hay soạn cất ra sao cho gọn. Chị gái tôi xin một bộ quần áo mặc. Mẹ tôi bảo quần áo còn lại xếp gọn cho mẹ, bữa nào mẹ khỏe, mẹ đem đi cho làm từ thiện. Mẹ tôi đâu có ngờ, dự định đó của mẹ chẳng bao giờ thực hiện được. Tôi không biết điều gì sẽ diễn ra sau cái chết, không biết sau đó, người ta cần hay không cần đến những thứ quần áo mà chúng ta đem đi thiêu trong lễ tang hay không. Với lòng phân vân của mình, tôi đã đem soạn hết quần áo của mẹ đem đi thiêu. Và lòng thầm khấn hứa, mẹ ơi, con thiêu cho mẹ về bên kia có thứ dùng, còn bên này, con dùng cả đời mình để đi làm từ thiện khi có dịp, mẹ đừng buồn nhé.
Sau khi mẹ tôi mất không lâu, tôi xin vào làm tình nguyện viên cho một đơn vị nghiên cứu trong bệnh viện, và tôi cũng ôn lại để thi vào ngành học tôi mong muốn. Mọi thứ có lẽ đơn giản với người khác, nhưng với chính tôi thì việc học hành thật khó khăn, tôi khó tập trung, khó nhớ, và những thao tác thí nghiệm cũng rất vụng về… Nhiều khi, chạy xe trên đường, tôi rớt nước mắt vì những gì mình muốn làm thì lại làm không được. Khi ấy tôi vẫn chưa lập gia đình, nghĩ con đường trước mắt xa ngái, học hành không thành. Tôi lại thường đọc chệch đi câu cuối cùng của câu ca sau như tự động viên mình…
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi đường học, mẹ đi đường… trời
Từ đó đến nay, tôi đã có gia đình và đang chăm con nhỏ. Mỗi ngày mới vẫn luôn gặp những bài học mới. Và con đường tôi đi, đường học hay đường đời, đều với sự khù khờ, dễ đau khi chạm phải gai,… Ôi những cái gai trong cuộc sống, trong mắt, trong ký ức, trong hiện tại. Mẹ ở đâu đó trên trời biết đâu cũng đang dõi theo, đã dắt dìu, che chở cho tôi qua bao chuyện xảy ra.
Vu lan nhớ mẹ, 2019
Giọt Nước