Có người cho rằng, điều quan trọng nhất là sức khỏe, vì không có sức khỏe thì không làm được gì. Người cho rằng điều quan trọng là tiền tài, địa vị bởi nó giúp thỏa mãn nhu cầu cuộc sống. Người cho rằng đó chính là hạnh phúc gia đình, có vợ đẹp, con xinh, một người chồng chung thủy. Hay người ta cho rằng quan trọng nhất là tâm hồn thanh thản, an lạc, hay đó đơn giản là hơi thở này,…Có muôn hình vạn trạng điều quan trọng nhất.
Chung quy, những gì chúng ta cần nhất chính là điều quan trọng nhất. Và một sự thật là những nhu cầu đó đều vô thường và đổi thay, nó phụ thuộc vào tham ái, chấp ngã của con người.
Và chúng ta sẽ luôn mỏi mệt với thứ mà cho rằng quan trọng nhất đó. Vì sao ? Vì mãi đuổi theo, mãi nắm giữ chúng, còn chúng thì luôn thay đổi. Cho nên ở đời, nếu chúng ta quan trọng điều gì, chấp chặt điều gì thì điều đó sẽ tạo nên đau khổ, mệt mỏi.
Nếu người đời cho rằng: tiền tài, danh vọng, gia đình, sắc đẹp,…là quan trọng nhất thì với người xuất gia, điều quan trọng nhất chính là sinh tử. Đây là thái độ bi quan chăng?
Vì sao họ cho đó là quan trọng? Bởi sinh tử là chuyện tất yếu ai cũng phải trải qua. Con đường sinh tử lắm khổ đau từ bệnh tật, đối diện cái chết và đến việc tái sinh về đâu? Sinh tử chịu nhiều hệ lụy, chi phối theo quy luật của cuộc đời, không ai chạy khỏi dù là người tu hay người không tu, chỉ khác nhau về cách nhìn nhận.
Thực tế, điều quan trọng nhất chính là những thứ đang hiện hữu trong hiện tại. Do chúng ta đang chạy theo những thứ ở tương lai hay mãi sống trong quá khứ nên luôn mong mỏi, khát khao điều gì đó và cho nó là quan trọng nhất. Nhưng thực tại thì sao? Chúng ta không sống cho hiện tại thì không bao giờ nhận diện được điều quan trọng nhất là gì để gìn giữ và phát huy nó. Đánh mất đi cái đang là chính là sống theo vọng tưởng. Cho nên, điều quan trọng nhất là những gì đang diễn ra ở tại, chúng ta cần nhận thức được và hết lòng sống vì nó.
Vì thế những hành động hiện tại mà không tận tâm thì bao giờ thành công? Người thành công thường là người tập trung công việc, còn người làm nhiều việc cùng một lúc ít có hiệu quả. Ông bà ta cũng dạy: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Đối với người tu tập cũng thế. Tu phải biết cốt lõi, cái gốc ở chỗ nào. Đừng phóng dật tâm mà vọng tưởng những điều xa xôi không có thật ở hiện tại. Người tu phải tự biết nhìn lại mình, kiểm soát chính mình và cân phân lại điều điều nào quan trọng để tập trung giải quyết trong chánh niệm. Như vậy tu tập mới có kết quả.