GN - Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em được phanh phui, đặc biệt gần đây, phóng sự bạo hành trẻ ở Cơ sở mầm non Mầm Xanh (Q.12, TP.HCM) đăng tải gây đau lòng và bức xúc dư luận.
Đâu là nguyên nhân và giải pháp là gì - các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý ngồi lại và chia sẻ trong buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - vì đâu nên nỗi” do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn, Hệ thống giáo dục Tesla tổ chức ngày 1-12 vừa qua...
SC.Thích nữ Tâm Khánh, cô giáo Trường Mầm non dân lập Họa Mi
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hướng dẫn các cháu hướng thiện - Ảnh: Bảo Toàn
Vì sao có việc bạo hành trẻ?
Tại buổi chia sẻ, TS.Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non - Trường Đại học Sài Gòn, cho rằng bạo hành trẻ đã có từ lâu.
“Sở dĩ tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn là do sự giám sát của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở được cấp phép chưa cao. Tiếp nữa, một phần trách nhiệm ở cha mẹ - khi trẻ bị bạo hành mà không phát hiện ra - là do thiếu quan sát”, TS.Dao mổ xẻ.
Theo bà Quỳnh Dao, giáo viên cũng chưa thật sự hiểu về bạo hành, cứ nghĩ la mắng là bình thường nhưng thực chất đó là bạo hành trẻ. Nguyên nhân của những vụ bạo hành trẻ - sâu xa nhất - TS.Quỳnh Dao cho rằng, nằm ở trong chính bản thân con người.
“Giáo viên mầm non - một nghề áp lực! 5g sáng tới trường làm việc với mấy chục trẻ và về nhà lúc 5-6g chiều. Tiếp đó, phải lo gia đình, lương không cao có khi phải làm thêm để mưu sinh, đầy áp lực, dồn nén mà không có cách giải tỏa. Từ đó, giáo viên bị trầm cảm”, bà Dao giải thích.
Vị tiến sĩ chuyên ngành giáo dục mầm non bày tỏ, nhiều lúc họ (giáo viên mầm non - PV) ý thức việc đánh mắng trẻ là vi phạm pháp luật nhưng khi rơi vào trạng thái quá áp lực như đã nói thì sẽ hành động một cách vô thức.
Tất nhiên, TS.Dao cũng khẳng định, ngoài nguyên nhân khách quan, có những người có chứng bệnh tâm lý là thích hành hạ người khác, kể cả người thân yêu của mình...
Cùng mổ xẻ nguyên nhân, ThS.Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tesla cho rằng: “Giáo viên mầm non đào tạo chưa chuẩn hoặc thiếu giáo viên nên ai cũng có thể thành giáo viên mầm non. Do họ chưa được đào tạo đúng quy chuẩn về giáo dục trẻ nên có hành vi... không đúng chuẩn”.
Về những biểu hiện có thể nhận ra việc trẻ bị bạo hành, TS.Dao nói: “Với các em học sinh cấp 2-3, phụ huynh có thể hỏi trực tiếp khi thấy những vết bầm, trầy xước. Còn trẻ mầm non chưa đủ ngôn ngữ để diễn đạt, một số trẻ còn bị đe dọa nên cách hỏi của phụ huynh rất quan trọng (đừng vội kết luận hay la rầy) - giúp trẻ tin tưởng bộc lộ ra”.
Tuy nhiên, TS.Dao cũng lưu ý, có nhiều khi trẻ chơi bị té và có vết bầm. “Vì thế, phụ huynh cần quan sát và tinh tế nhận ra những dấu hiệu khác thường, như trẻ khóc thét giữa đêm, trẻ biếng ăn, sợ hãi chuyện ăn, khóc thét khi nghe đến việc đi học… thì rất có thể là vì bạo hành thường xảy ra ở bữa ăn, trẻ đã bị ám ảnh”, TS.Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao nói.
Nhân đây, bà Dao cũng lưu ý: “Tâm lý trẻ giai đoạn 4-5 tuổi phát triển ngôn ngữ rất nhanh, trẻ bắt đầu có những cách diễn đạt theo trí tưởng tượng, có thể sẽ thêu dệt câu chuyện lên để không đi học như cô như thế này, như thế kia. Và có những trẻ bị sốc nhẹ trong giai đoạn đầu đi học ở 2-3 tuổi, nhiều khi cô giáo không làm gì hết nhưng nửa đêm trẻ cũng khóc thét lên, nói con không đi học đâu. Đây là dấu hiệu tâm lý khó phân biệt giữa bị bạo hành và phản ứng bình thường, phụ huynh phải quan sát trẻ thật kỹ, không phải nhìn thấy vài dấu hiệu rồi làm khó giáo viên”.
TS.Quỳnh Dao cho biết, những ảnh hưởng của bạo hành đối với trẻ - có thể chưa nhìn thấy hậu quả ngay lập tức, tác động sẽ diễn ra trong khoảng thời gian rất dài, cho tới khi trẻ trưởng thành. Theo đó, trẻ sẽ gặp khó khăn trong học tập, mất tự tin; ảnh hưởng về phát triển nhân cách (có hành vi hung hăng, không đồng cảm chia sẻ những nỗi đau người khác, stress hoặc các vấn đề về sức khỏe tinh thần, thần kinh và sự phát triển tương lai của trẻ)...
Giải pháp nào?
ThS.Phan Thị Thu Hà cho rằng “yếu tố con người rất quan trọng” nên các trường mầm non tuyển chọn giáo viên phải chọn người có chuyên môn; sau đó có sự giám sát, khi phát hiện người dạy có những hành vi bạo lực thì ngăn chặn ngay.
Người quản lý phải sâu sát hơn nhân viên của mình, có những giúp đỡ, hỗ trợ tinh thần, kỹ năng với những giáo viên trẻ, ThS.Hà bày tỏ.
Cô Nguyễn Như Ngọc từng là giáo viên mầm non ở Tam Phú (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, đã rất đau lòng khi thấy clip các trẻ bị bạo hành. “Tôi không tự tin là mình tốt tuyệt đối, nhưng luôn dành hết tình thương cho trẻ”, cô Ngọc nói và đưa ra lời khuyên - đối với nghề giáo viên mầm non nếu yêu trẻ thì hãy chọn làm, vì công việc rất vất vả và nhiều áp lực.
“Có một số bảo mẫu, cô giáo bạo hành trẻ rồi ai cũng nghĩ giáo viên mầm non đều như vậy là chưa đúng. Nên khi đánh giá giáo viên, phụ huynh phải xem xét kỹ ai có tâm để nhìn nhận đúng hơn về giáo viên đang dạy con mình. Nghề đã cực rồi mà phụ huynh lúc nào cũng quy chụp rồi gây áp lực cho giáo viên thì càng áp lực”, cô Như Ngọc bày tỏ.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thì chia sẻ: nên tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ, cần rốt ráo kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện.
Cái gốc là nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục. “Chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn; mở thêm các trường mầm non công lập; tăng thêm lương cho giáo viên mầm non, để họ chuyên tâm với nghề...”, bà Nữ nêu ý kiến.
Cuối cùng, tất cả mọi người hãy giám sát các cơ sở nuôi dạy trẻ nhiều hơn, không một hành vi bạo hành trẻ em nào được bỏ qua, mỗi vụ phát hiện hãy nhanh chóng đưa ra dư luận để cộng đồng cùng lên án, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm - luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh!
Cuối tháng 11-2017, phóng sự “Kinh hoàng bạo hành trẻ mầm non” do Báo Tuổi Trẻ thực hiện tại Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh gây bức xúc, dư luận phẫn nộ. Hiện chủ cơ sở đã bị bắt, công an đã vào cuộc điều tra, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu kiểm tra hoạt động của các trường mầm non trên địa bàn TP... |
N.Danh
Địa chỉ: 419/11 Cách Mạng Tháng 8, Ward 13, Distric 10, Ho Chi Minh City
Điện thoại: 0918 205 182 - Email: buudapagoda@gmail.com