"Cảm ơn anh hai đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho em", Thảo, 23 tuổi viết trên trên trang cá nhân. Đoạn video ghi lại khoảnh khắc người anh lúng túng mặc bộ quần áo cử nhân trong khi cô em gái cười hạnh phúc lập tức "gây bão" khắp các trang mạng xã hội.
Thảo cho biết tấm bằng cử nhân mà cô đang cầm trên tay là nhờ công sức, mồ hôi của anh trai Đỗ Văn Ban, 35 tuổi, người đã quyết định nghỉ học vào TP HCM lập nghiệp sớm, thay bố mẹ nuôi em gái đến trường.
"Cuối cùng tôi đã hoàn thành xong tâm nguyện của bố mẹ, lòng thật nhẹ nhõm. Nhưng tiếc là họ không còn nhìn thấy khoảnh khắc này", anh Ban nói.
Gia đình Thảo có 6 người gồm bố mẹ, anh trai, hai chị song sinh và cô. Bố mẹ và một chị đã mất. Hiện Thảo sống cùng anh hai ở Bình Dương, chị ba có gia đình riêng ở Lâm Đồng. Vì hoàn cảnh khó khăn nên buổi lễ tốt nghiệp của cô cũng là lần đầu tiên sau 7 năm, ba anh em mới được hội ngộ.
Mẹ Thảo mất năm cô mới 3 tuổi. Hôm đó, mẹ cùng chị gái tranh thủ đi làm ngày cuối để kiếm thêm chút tiền đón Tết. "Trước khi đi còn dặn về sẽ mua cho anh hai chiếc quần bò nhưng mẹ cùng chị ba mãi không về nữa", Thảo rớm nước mắt kể lại vụ tai nạn đắm thuyền ở Thanh Hóa 20 năm trước.
Mẹ mất, gia đình khó khăn, anh Ban phải bỏ học vào TP HCM kiếm tiền ở tuổi 16. Những ngày tháng xa quê, chàng trai làm đủ thứ nghề từ thợ hồ, bảo vệ đến công nhân, ai thuê gì làm nấy. "Tôi đi để thay đổi hoàn cảnh gia đình, để bố và các em có cuộc sống tốt hơn", chàng trai gốc Thanh Hóa nói.
5 năm sau khi mẹ mất, bố Thảo ngã bệnh. Anh Ban ở Sài Gòn lăn lộn kiếm tiền để chạy chữa cho bố. Nhưng ông không qua khỏi, bỏ lại anh và các em đi gặp mẹ. Lần về phép thứ hai, Ban rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh nhà tan nát. Bố chỉ còn là di ảnh trên bàn thờ bên cạnh mẹ. Khi đó anh Ban nhận thấy cuộc sống như rơi vào ngõ cụt và không biết phải đối diện với những tháng ngày tiếp theo thế nào.
"Có lần tôi đã cầm chiếc dao lam định cứa vào tay, trong đầu bất giác vọng tiếng em gái, tôi mới giật mình tỉnh ngộ", anh kể và lấy lại động lực vào lại Sài Gòn làm việc, thay bố mẹ tiếp tục lo em gái ăn học.
Thảo vào cấp 2, không có bố mẹ và anh chị bên cạnh. Cô dần sống khép mình và mất nhiều năm để nguôi đi nỗi đau. "Anh hai đã dành dụm mua cho tôi chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Dù bận rộn nhưng anh không quên dặn dò mỗi ngày rằng nhớ giữ sức khỏe, học tập thật tốt rồi anh về thăm", Thảo nhớ lại.
Cô kể, giai đoạn bước vào tuổi dậy thì là khoảng thời gian thật sự khó khăn. Khi ấy, anh trai liên tục gọi về cho Thảo như người mẹ dặn dò con gái. "Đến kỳ kinh nguyệt em phải làm như thế này thế kia, đau bụng nhiều thì phải đi bác sĩ, không chút ngại ngùng", Thảo kể.
Ngày em gái chuẩn bị vào đại học, anh Ban trở về nhà trong bộ quần áo cũ. Anh chưa từng kể về những ngày nhịn ăn nhịn mặc, tiết kiệm từng đồng để gửi về nhà cho em gái. Anh cũng không kể về những ngày lang bạt, bị đánh đập nơi đầu đường xó chợ. "Mỗi nỗi đau, tủi hờn tôi đều tự mình cam chịu, không nói ai sợ họ lo thêm", anh nói.
Lần đó về quê, họ hàng đến khuyên Ban về chuyện cho Thảo lên đại học. Họ nói: "Con gái học tới lớp 12 là đã được rồi, nên đi làm kiếm tiền phụ anh hai". Bỏ ngoài tai, Ban vẫn động viên em gái học tiếp dù biết phía trước sẽ là chặng đường nhiều khó khăn.
Anh kể bản thân không được ăn học tử tế nên không có nhiều kinh nghiệm để định hướng cho em gái chọn ngành nghề. Biết em thích làm công an, Ban động viên Thảo đăng ký. "Một phần thực hiện được ước mơ của em, mặc khác tôi cũng đỡ lo chi phí học tập cho Thảo", anh kể. Nhưng Thảo bị thiếu hai điểm.
Vụt mất ước mơ, Thảo chọn bừa một trường đại học khác với ngành tiếng Hàn. Thảo kể, khi đó không có ai thân quen để tư vấn cho mình về trường và học phí. Ngày nhận tờ giấy nhập học với số tiền 20 triệu đồng cho học kỳ đầu, Thảo đã sốc và nói anh trai xin nghỉ.
Nhưng anh Ban quả quyết sẽ nuôi em ăn học đến cùng cho vẹn toàn tâm nguyện của bố mẹ.
"Tôi không nuôi em học thành tài để hưởng hoa thơm trái ngọt. Chỉ mong cuộc sống của em gái bớt nhọc nhằn, không như tôi bây giờ", anh nói. Lần đó anh dùng hết số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng đóng học phí cho em gái. "May mắn vợ thấu hiểu cho hoàn cảnh của tôi nên cùng nhau chăm lo Thảo. Tôi luôn biết ơn cô ấy", anh kể.
Thảo chính là niềm hy vọng của người thân nên cô luôn phấn đấu để có thành tích tốt. Suốt thời gian đại học, lúc rảnh, Thảo phụ trông cháu giúp chị dâu, đêm bán hàng online để có thêm tiền sinh hoạt. Đặc biệt cô luôn cố gắng giành học bổng phụ anh hai trang trải học phí.
Thấy em gái vất vả 5h sáng đón xe buýt từ Bình Dương lên Sài Gòn học mỗi ngày, Ban đã xin nghỉ việc chỗ cũ để rút tiền bảo hiểm mua cho vợ chiếc xe máy nhường xe đạp điện cho em gái.
Nuôi em gái ăn học suốt bốn năm qua, Ban đã vất vả nhiều. Hôm nhận tin em gái tốt nghiệp, anh mừng nhưng cũng xen nhiều nỗi lo. "Đây chỉ là bước khởi đầu, chặng đường phía trước của em gái sẽ còn nhiều thử thách", anh nói.
Đêm trước ngày em gái nhận bằng tốt nghiệp, Ban cùng vợ chuẩn bị sẵn một bó hoa thật to để chúc mừng, rồi thao thức cả đêm không ngủ được.
Giây phút được em gái tự tay khoác chiếc áo cử nhân, Ban vừa bất ngờ, ngượng ngùng nhưng không giấu được niềm vui trên khuôn mặt rám nắng. Anh ôm em gái vào lòng và thì thầm: "Sau này tự lực bay đi, khi nào mệt mỏi cứ quay về, có anh lo", Ban bộc bạch.
Có mặt tại lễ tốt nghiệp, Dương Thị Linh, bạn cùng học cấp ba của Thảo cũng đã xúc động trước tình cảm của hai anh em. Linh cho biết bao năm qua Thảo luôn cố gắng chăm chỉ học tập để không phụ lòng anh trai. Có giai đoạn, bố mất, Thảo rơi vào trầm cảm nhưng không nói ai vì sợ họ lo lắng, nhất là anh hai.
"Thảo luôn xem anh hai là thần tượng để học tập. Tôi đã xúc động khi thấy bạn mình mặc chiếc áo cử nhân cho anh trai. Anh thì hy sinh và em gái thì biết ơn. Tình cảm gia đình đúng là khó có thể nói hết bằng lời", Linh chia sẻ.
Minh Tâm