Đá sỏi lẫn ngọc châu

Thứ hai, 14/10/2019, 11:22 GMT+7

   

bdecfe7ca8c7cfe4370ca6f968ea19fd33adcc74

    Chiếc giỏ bàng căng bụng bởi chục bó nhang, vài cặp đèn, mớ trái cây mới hạ xuống từ chánh điện, còn nữa bao gạo, vài chai nước tương đã ngồi chờ ngoài xe. Thầy bảo trên đường Mộ (xóm quê cạnh nghĩa địa) có đám nghèo mới xin giờ mở màn cho tang lễ, mang lên đó góp sức cho người đi qua khốn khó.

     Đám con nít quê tôi những ngày cháy túi không còn gì đổi lấy trái ổi que kem thường bâng quơ đi lạc… vô chùa. Ở đó có ông Thầy già giả vờ lẩm cẩm nhai trầu bỏm bẻm ngồi gốc me chờ mấy đứa nhỏ đi lạc để dúi cho vài đồng lẻ, mớ trái cây ngủ lâu trên bàn Phật nên héo que héo quắt…

    Với chúng tôi mái chùa là cả khối hồn của dân tộc, từ đó biết bao thế hệ đã lớn lên với nền tảng đạo đức vững vàng dù không phải là bậc sĩ, học vị cao ngời nhưng không vì thế mà khiếm khuyết về đời sống hay tâm hồn.

    Quả thật trong ngôi nhà Thiền đầy đủ những thành phần của xã hội, cao sang đến bần cùng, thượng lưu đến hạ tiện… ai ai cũng có thể khoác áo nâu sồng sống đời Tăng sĩ. Bởi vì trong cái nhìn đại bi của Phật không có sự phân biệt giữa đá sỏi và châu ngọc “người hạ tiện mà biết phát tâm và tinh tấn tu học thì cũng tinh khiết thơm tho như hoa sen giữa bùn lầy”. Cao sang quyền quý hay bần cùng hạ tiện không phải do vị trí mình đứng mà định hình bởi tư duy và lối sống của mình.

    Tất nhiên cội cây nào dù sức sống có mãnh liệt cũng luôn có những chiếc lá sâu len lõi (vì có những con sâu len lõi). Nhưng không vì những chiếc lá cá biệt đó, vì những cành nhánh khô gãy mà đánh mất đi cả một tán lá xanh tốt sum suê đang đóng góp tinh anh cho đời.

    “Suốt chặng đường 2500 năm ôn hoà của Phật giáo, không giọt máu nào đổ xuống vì sự truyền bá chánh pháp, không có sự cảm hoá bằng võ lực hay bất kỳ một phương tiện cưỡng bách nào khác.” Bởi vì:

    “Có những quốc gia hưng thịnh rồi suy tàn. Có những đế quốc được xây dựng trên bạo lực và cường quyền đã trở nên thịnh vượng rồi cũng bị tan rã, nhưng vương quốc chánh pháp do Ðức Phật lập ra bằng tình thương, lòng từ bi và tuệ giác vẫn đang phồn thịnh và sẽ tiếp tục thịnh vượng trên thế gian này.”

    Trong sự vận động của thế giới tự nhiên Phật giáo vẫn không thể đi riêng một mình, cũng như vạn pháp thịnh suy thăng trầm là điều tất yếu, và tất nhiên khi đang SUY ta biết rằng ngày mai sẽ đến lúc hưng vượng đó là quy luật. Như vầng dương kia phải có lúc ngủ vùi sau núi để người thức đón bình minh...


Ck.

Ý kiến của bạn