Ngày vía Quán Thế Âm thành đạo 19.6 âm lịch: Thực tập nuôi tâm không sân giận

Thứ bảy, 05/08/2023, 16:32 GMT+7

Ngày vía Quán Thế Âm thành đạo 19.6 âm lịch để tưởng nhớ vị bồ tát gần gũi với chúng sinh, nhắc nhở Phật tử sống thiện lương, không oán thù, luôn bao dung để bản thân ngày một tốt đẹp hơn. Bồ tát Quán Thế Âm (hay còn gọi là bồ tát Tự Tại) là hình ảnh quen thuộc với biểu hiện của tình yêu thương, với lộ tướng là tay cầm nhành liễu, tay cầm bình cam lộ. Mỗi năm có 3 ngày vía Quán Thế Âm bồ tát, trong đó ngày 19.6 âm lịch là ngày vía Quán Thế Âm thành đạo.

Bồ tát Quán Thế Âm là ai?

Ni sư Hương Nhũ, Phó phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN, trụ trì chùa Thiên Quang (Dĩ An, Bình Dương) cho biết, Quán Thế Âm bồ tát là một trong 4 vị bồ tát quan trọng trong Phật giáo Đại Thừa. Bồ tát Quán Thế Âm với hạnh nguyện từ bi, cứu khổ cứu nạn, sẵn sàng cứu vớt mọi chúng sinh nếu niệm danh hiệu của ngài.

Bồ tát Quán Thế Âm là hình tượng quen thuộc với lộ tướng là tay cầm nhành liễu, tay cầm bình cam lộ

Bồ tát Quán Thế Âm là hình tượng quen thuộc với lộ tướng là tay cầm nhành liễu, tay cầm bình cam lộ

Bồ tát (với tên gọi đầy đủ là Bồ đề Tát Đỏa) nghĩa là giác hữu tình - hữu tình đã giác ngộ, trở lại giác ngộ hữu tình khác. Hằng năm Phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía bồ tát Quán Thế Âm trong các ngày âm lịch 19.2, 19.6 và 19.9. Trong đó:

  • Ngày 19.2 là ngày vía Quán Thế Âm đản sanh
  • Ngày 19.6 ngày là vía Quán Thế Âm thành đạo
  • Ngày 19.9 là ngày vía Quán Thế Âm xuất gia

"Hình ảnh Quán Thế Âm bồ tát nhắc nhở Phật tử tu tập tâm từ bi. Thương yêu, tha thứ, bao dung là chất liệu cần thiết cho cuộc sống hôm nay vì bản chất cuộc đời vốn là đau khổ. Nếu con người thiếu từ tâm thì khó có được hạnh phúc và an vui. Tâm từ bi là đức tính của người luôn hy sinh cho hạnh phúc và bình yên của người khác, rộng hơn là luôn nghĩ đến lợi ích của tất cả chúng sinh", ni sư Hương Nhũ chia sẻ.

Bồ tát luôn có mặt trong ta

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, viện chủ tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) cho biết, bồ tát Quán Thế Âm hay còn gọi là bồ tát Tự Tại là biểu hiện của tình thương, với lộ tướng là tay cầm nhành liễu, tay cầm bình cam lộ. 

"Bồ tát luôn có mặt trong ta, ngoài ta trong từng phút giây. Hạnh nguyện của người là có khả năng lắng nghe, cứu khổ, cứu độ chúng sinh. Nơi nào trong khắp mười phương thế giới có tiếng đau khổ kêu cầu thì ngài liền ứng hiện cứu giúp. Vì vậy, khi niệm danh hiệu "Nam mô đại từ đại bi", chúng ta có cảm giác như đó là một câu thần chú để nhắc nhở tự thân mở rộng tâm đại từ, tâm đại bi, tấm lòng thương yêu và san sẻ tình thương đó đến vạn loài chúng sinh", Thượng tọa Trí Chơn phân tích.

Thầy Trí Chơn khuyên Phật tử thực tập hạnh bồ tát trong từng giây phút với sự chánh niệm, tỉnh giác để có được tâm mát mẻ, thanh lương trong đời sống hằng ngày

Thầy Trí Chơn khuyên Phật tử thực tập hạnh bồ tát trong từng giây phút với sự chánh niệm, tỉnh giác để có được tâm mát mẻ, thanh lương trong đời sống hằng ngày

Theo Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, bồ tát giúp chúng ta nhận chân được bản chất của cuộc sống để thấy rằng mọi thứ đều vô thường, luôn đổi thay biến chuyển liên tục, mọi thứ đều trôi chảy và không chiều chuộng bất kỳ ai.

Vị Thượng tọa cho rằng, người học Phật cần phải thấy khổ đau là một thực tại màu nhiệm của cuộc sống. Khổ đau giúp mỗi người thấy giá trị của cuộc đời thật cao cả. Từ đó, bồ tát Quán Thế Âm xuất hiện với tấm lòng thương xót, quảng đại, đi vào cuộc đời để cứu độ chúng sinh. Thực tập hạnh nguyện của ngài là thực tập nếp sống cao thượng, vĩ đại.

"Hình tượng bồ tát không phải là một hình tượng viễn vọng, cao xa, mà đó là cái tâm không sân giận, không làm tổn hại đến ai đó chính là hình tượng bồ tát cao đẹp nhất. Người Phật tử cần phải thực tập hạnh bồ tát trong từng giây phút với sự chánh niệm, tỉnh giác thì sẽ có được tâm mát mẻ, thanh lương trong đời sống hằng ngày", Thượng tọa Thích Trí Chơn đưa ra lời khuyên.

Thượng tọa nhắc nhở mỗi người cần phải tự nuôi dưỡng đức tin nơi bồ tát Quan Thế Âm, với sự nương tựa vững chãi ở tự thân thì mỗi người không chỉ có khả năng giúp được bản thân mà còn có thể giúp đỡ những người đang gặp khó khăn xung quanh, có được cuộc sống hạnh phúc và yên vui.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Ý kiến của bạn