Việc tu hành đối với chúng ta là quan trọng, nhưng tu thế nào để đạt được kết quả tốt đẹp còn quan trọng hơn, vì có người tu không được kết quả gì, thậm chí lãnh lấy kết quả xấu.
Tu có kết quả theo Thanh văn là chứng được Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Theo Bồ-tát hạnh phải trải qua từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng đến Thập địa, đó là lộ trình tu Phật vẽ ra cho chúng ta, gọi là Tam thừa giáo.
Đảnh lễ Tam bảo - Ảnh minh họa
Thanh văn lấy hạnh xuất gia là chính, nhưng Bồ-tát thừa hay Đại thừa nhiếp được cả hai chúng xuất gia và tại gia. Vì vậy, Thanh văn lấy hạnh xuất gia là chính và tính tuổi hạ theo năm tháng tu hành. Nhưng Đại thừa tính từ khi phát tâm tu là Bồ-tát.
Phật dạy có hai hạng Bồ-tát. Bồ-tát lớn là Bồ-tát từ quả hướng nhân và Bồ-tát mới phát tâm là Bồ-tát từ nhân hướng đến quả. Bồ-tát từ quả hướng nhân nghĩa là Bồ-tát đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì thương nhân gian mà các Ngài hiện thân lại cuộc đời này để giáo hóa độ sanh. Còn Bồ-tát mới phát tâm có niềm tin Phật, tin Tam bảo, nhưng điều quan trọng là phải giữ được niềm tin lâu dài mới có kết quả.
Tuy nhiên, đa số chúng ta không giữ được niềm tin lâu dài, nên bị ngoại đạo, tà giáo quấy nhiễu; vì vậy, phát tâm tu rồi lại thoái tâm. Thực tế cho thấy nhiều người đang tu pháp môn này, nghe bạn nói pháp môn khác hay hơn thì vội vàng tu theo pháp môn khác, bỏ pháp môn mình đang tu. Tổ gọi đó là cuồng hoa vô quả, tu đủ thứ mà không được gì. Ngoài đời cũng vậy, làm đủ thứ nhưng vẫn trắng tay, gọi là lãng tử. Tu mà không được gì, trở thành vô dụng, thì phí công vô ích.
Người xuất gia tu nhưng không được kết quả, rồi hoàn tục cũng không được gì và chết vô ba đường ác. Phật dạy chúng ta nên tránh sai lầm này, đừng biến mình thành kẻ vô dụng.
Tu hành, trước nhất, chọn pháp môn thích hợp với mình và quyết tâm tu cho đạt được kết quả tốt đẹp. Tôi được như ngày nay nhờ quyết tâm cao và hạ quyết tâm tìm cho được và thể hiện được nghĩa lý sâu xa vi diệu mà Phật dạy trong đời tu của mình.
Ý này được thể hiện rõ nét trong đời tu của Đức Phật. Khi Phật ngồi tư duy ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài quyết tâm rằng nếu không thành Phật thì dù có rũ xương chết cũng không đứng dậy.
Trên bước đường tu, nhiều khi niềm tin chúng ta không vững, mới bị ma quỷ tác động khiến chúng ta sợ, bỏ tu. Riêng tôi thấy rõ từ khi tôi xuất gia năm 1950 và tiếp theo những thập niên 1960, 1970, 1980, khoảng thời gian này vô cùng khó khăn. Nhiều người gặp khó đã bỏ cuộc. Nhưng đối với tôi, càng khó tôi càng quyết tâm, tức sống thì quyết tâm tu theo Phật dạy và chết nhất định về Phật, không sợ. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là vì pháp không tiếc thân mạng.
Như đã nói, nhiều người nay tu pháp môn này, mai tu pháp môn khác, thậm chí theo tà giáo, ngoại đạo và lòng tham nổi lên thì càng dễ theo nó, bị nó sai khiến.
Đối với chúng ta, sống chết cũng là Phật tử. Người tu Pháp hoa phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm hành giả Pháp hoa kinh, nghĩa là quyết tâm tu Bồ-tát đạo, mất mạng này, mạng sau phải tốt hơn, là ở giai đoạn Thập tín, không ai có thể làm chúng ta lung lay, thay đổi nguyện này. Họ cám dỗ không được, họ đe dọa, ta cũng không sợ, phải quyết tâm vững chắc như vậy. Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn nhắc nhở và từ đó đi vào biển Pháp giới của Phật, đi vào con đường hoàn chỉnh thân tâm chúng ta.
Theo Bồ-tát thừa, xuất gia hay tại gia cũng là Bồ-tát, không tính năm tháng, nhưng căn cứ vào đạo đức và trí tuệ của hành giả. Ai có đạo đức cao, làm được nhiều việc cho đạo, cho đời thể hiện mẫu người đáng kính trọng và người có hiểu biết chính xác đưa ra quyết định đúng đắn, lợi lạc cho nhiều người. Đạo đức và trí tuệ như vậy là Bồ-tát, không nhứt thiết là xuất gia hay tại gia.
Chúng ta là Bồ-tát từ nhân hướng quả, nhưng Bồ-tát lớn từ quả hướng nhân vì thương nhân gian mà tái sanh lại cuộc đời để độ sanh. Chúng ta thấy rõ nhất là Bồ-tát Quan Âm thành Phật rồi, Ngài hiện thân làm phụ nữ, nên người ta thường gọi Ngài là Phật Bà.
Thực sự Quan Âm là Bồ-tát từ quả hướng nhân, nên muốn độ ai thì Ngài phải hiện thân đồng sự với họ để đáp ứng yêu cầu của họ, họ mới theo. Vì vậy, có lúc cần hiện thân làm Tỳ-kheo, Ngài làm người tu; nhưng có lúc cần làm quan, làm vua, làm tướng, làm cư sĩ thì người phát tâm nên Ngài làm như vậy, hoặc Ngài làm thầy thuốc, làm công nhân, làm nông dân cũng được, miễn là làm cho người phát tâm.
Bồ-tát lớn hay hiện thân làm vua, tức từ Sơ địa Bồ-tát mới được làm vua. Còn Bồ-tát từ nhân hướng quả như chúng ta phải tu từ Thập tín đến Thập hồi hướng, tức trải qua 40 giai đoạn rồi, chúng ta còn phải trang bị phước đức và trí tuệ, vì Bồ-tát lấy phước đức và trí tuệ là việc chính yếu.
Tu Thập hồi hướng nghĩa là bao nhiêu công đức chúng ta có được đều hồi hướng Vô thượng Bồ-đề là hồi hướng quả vị Phật. Thứ hai là hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh, vì tu Thanh văn lấy giải thoát làm chính nên tu một mình. Nhưng tu Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sanh thì phải có nhiều người hợp tác, ta mới làm được.
Tượng Bồ-tát Quan Âm có ngàn mắt ngàn tay là biểu tượng, không phải con người thật. Phật dạy Quan Âm tu phải độ sanh, độ người. Độ được một người là Bồ-tát có thêm hai mắt, hai tay. Người xưa thường lấy số trăm, số ngàn để nói đến số nhiều, như bá hộ là người có 100 người theo. Quan Âm ngàn mắt ngàn tay tiêu biểu cho 500 người theo và sống chết với Ngài.
Chúng ta tu hồi hướng Pháp giới chúng sanh, vì biết một mình ta tu hành đắc đạo, nhưng cũng biết một mình không làm được, nên ta cần bạn đồng hành, đồng sự. Quan Âm độ thêm 1.000 người thì Ngài có 2.000 mắt và 2.000 tay. Cũng theo tinh thần này, chúng ta xây dựng được Việt Nam Quốc Tự vì nhờ có toàn thể Tăng Ni, Phật tử thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ; nói cách khác, chúng ta có vô số con mắt, vô số cánh tay cùng trợ lực, nên chỉ trong 3 năm, chúng ta xây xong ngôi chùa này.
Khi tôi khởi xướng xây Việt Nam Quốc Tự, các thầy đã nói khó lắm, nhưng Tăng Ni, Phật tử thành phố và cả nước ngoài đồng lòng hỗ trợ mới thành công.
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đặc thù. Thật vậy, điểm lại 5 năm qua, Phật giáo thành phố chúng ta đã làm từ thiện trên 2.000 tỷ đồng. Vì vậy, Chủ tịch Nước đã tặng Thành hội Phật giáo Huân chương Lao động hạng nhất. Báo Giác Ngộ được Huân chương Lao động hạng nhì, vì báo này là cơ quan ngôn luận của Phật giáo thành phố kêu gọi được nhiều người theo đạo Phật thể hiện tấm lòng từ bi, làm nhiều việc lợi ích cho xã hội.
Vì vậy, hành Bồ-tát đạo, việc chính là cứu nhân độ thế, tức làm được những việc lợi lạc cho nhiều người; không làm được gì thì trở thành than nguội củi mục, vì chưa tu thì còn làm được, nhưng tu rồi lại thành vô dụng. Làm được nhiều việc tốt cho đạo, đẹp cho đời là thể hiện tinh thần Đại thừa.
Đa số người Việt Nam theo Đại thừa, chúng ta tu, phát tâm Đại thừa là tốt, nhưng nếu phát tâm Đại thừa mà mất gốc căn bản là bỏ quên Phật giáo Nguyên thủy sẽ dễ lạc vào tà giáo, ngoại đạo. Vì vậy, một số người tu theo Nguyên thủy thường chê người tu Đại thừa là Bà-la-môn.
Tu hành đừng để mất gốc. Gốc là pháp mà chính Đức Phật đã tu, đã dạy. Hiểu như vậy, làm việc gì, chúng ta cũng phải kiểm tra xem có trái lời Phật dạy hay không, xem lời nói, việc làm, suy nghĩ của mình có giống Phật hay không.
Muốn không trái lời Phật dạy, quý vị nghĩ sao. Trước nhất, chúng ta phải có quyết tâm vững chắc, dù ngoại đạo cám dỗ, chúng ta không nghe, vì ta chỉ tin Phật, nghe Phật. Thật vậy, Phật đã làm được những gì Ngài dạy và Phật đã thành Phật. Ngài đến Lộc Uyển thuyết pháp Tứ Thánh đế dạy năm anh em Kiều Trần Như tu đắc La-hán. Trước kia họ tu ngoại đạo mà khổ chồng lên khổ; nhưng họ chỉ áp dụng Tứ Thánh đế là pháp căn bản thì liền đắc Thánh quả.
Vì vậy, Phật tử, Tăng Ni và cả tôi cũng vậy, dù tu Đại thừa phải luôn đối chiếu với Tứ Thánh đế để tự sửa mình cho hoàn thiện. Thể hiện yếu lý căn bản của Tứ Thánh đế, trước khi Phật vào Niết-bàn, A Nan hỏi Phật nếu không còn Phật mà gặp việc khó thì hỏi ai. Phật trả lời rằng khi gặp việc khó, các thầy nên an trụ Tứ niệm xứ quán, nương theo pháp căn bản này thì được an lạc, giải thoát.
Riêng tôi trao đổi với các cao tăng Nguyên thủy, các ngài đều nói giống nhau rằng dù đã tu 50 năm, 60 năm, nhưng không bao giờ dám rời Tứ niệm xứ. Pháp Tứ niệm xứ giúp tâm chúng ta được yên tĩnh lại, không bị vật chất cám dỗ, không bị ngoại đạo, tà giáo mua chuộc.
Thực tế cho thấy trên đời này đa số người đều bị tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục lôi kéo vào con đường tội lỗi. Người còn bị những thứ này cám dỗ, lôi cuốn, chắc chắn mất đạo tâm. Thí dụ ham sắc đẹp, họ sẽ dùng sắc đẹp dụ dỗ. Tôi thấy có người ham mê sắc dục quá đến mức thiếu suy nghĩ, điên cuồng, nhảy lầu tự tử. Nhưng nếu nghe lời Phật dạy, quán thân bất tịnh thì thấy đối tượng là thùng phân biết đi, là đãy da đựng đồ ô uế, là bộ xương khô…, làm sao dám ưa thích nữa. Quán thuần thục Tứ niệm xứ, giúp chúng ta đoạn trừ tâm tham dục, tham ái thì trí tuệ phát sinh.
Đoạn tình thế gian trở thành Thánh La-hán và Phật dạy đoạn tình rồi thì phát Bồ-đề tâm độ sanh. Nhưng nếu đoạn tình rồi mà không phát Bồ-đề tâm, không phát nguyện độ sanh thì hành giả vào Niết-bàn, không ở trong sinh tử. Nếu phát Bồ-đề tâm thì hành giả trở lại thế gian này để độ sanh, nhưng không bị tình cảm cám dỗ, lúc đó tình thương tầm thường sẽ trở thành tình thương cao thượng đáng quý của vị Thánh La-hán phát tâm Đại thừa độ sanh.
Nhưng tình thương kéo xuống thấp là tình thương giả dối. Thí dụ có người nói thương mình, nhưng mình không làm vừa lòng họ thì họ chửi, đánh, giết mình. Đó là tình thương phát xuất từ sự chiếm hữu để mình làm nô lệ cho họ, tức lòng tham của họ quá lớn.
Và từ tình cảm con người chuyển sang ái là đã có chút tham và hạ thấp nữa, có dục, nên rơi vô sinh tử luân hồi là tình yêu nam nữ; đến đó thì sanh ra đủ thứ chuyện trên cuộc đời.
Theo Phật, muốn xuất gia phải đoạn dục, khử ái và ly tình. Hòa thượng Thiện Hòa cho biết từ khi xuất gia cho đến cuối đời, Ngài chưa bao giờ về thăm nhà. Nhờ gặp bậc chân tu như vậy, tôi cũng học được hạnh này. Vì vậy, tôi đi tu từ năm 1950 đến năm 1975, lần đầu mới về thăm nhà, thăm mộ ông bà. Điều này là dứt tình, tức xuất gia không thờ vua, không tham dự chính sự, không nối dòng, nghĩa là đoạn tình.
Các Phật tử có gia đình đi xuất gia phải được chồng hay vợ ký tên đồng ý cho tu, không được về nhà nữa. Tôi biết có một thầy bán thế xuất gia, nhưng ở chùa một thời gian buồn quá, nhớ nhà không chịu được. Việc đoạn tình không dễ, ở nhà thì gây nhau, giận thì lên chùa, nhưng ở chùa vắng lặng lại nhớ nhà. Một cư sĩ khác nói mùa an cư cho ông ở chùa ba tháng, giao việc nhà cho vợ con. Nhưng mới ở một tuần, ông rầu rầu khóc hoài, nhưng không dám xin về, mà càng ráng ở chùa, ông càng nhớ nhà. Cuối cùng ông lạy Hòa thượng xin về thăm nhà. Cái tình rất khó đoạn. Và về đến nhà, ông liền la rằng bộ mẹ con bay tưởng tao chết rồi hả, sao không lên thăm.
Đoạn dục, khử ái khó nhất, nhưng không làm được như vậy không thể ra khỏi sinh tử luân hồi. Đây là pháp căn bản nhất mà Phật giáo Nguyên thủy luôn hành trì.
Tất cả chúng ta và cả tôi tu Đại thừa không dám rời pháp căn bản theo Nguyên thủy, luôn ghi nhớ trong lòng rằng còn sanh khởi thương ghét buồn giận là còn ở trong sinh tử luân hồi. Nhưng càng buồn giận, hoàn cảnh xấu sẽ tới nhiều hơn và đọa thêm nữa thì rất khó lên. Lúc đó, có cách tu sám hối
Theo Phật giáo Nguyên thủy, quán Tứ niệm xứ là sám hối cho tâm thuần thục, tâm không lệ thuộc hoàn cảnh bên ngoài, không lệ thuộc bất cứ ai, bất cứ việc gì và cuối cùng không lệ thuộc thân là không lệ thuộc cơm ăn, chỗ ở. Vì còn lệ thuộc thân và sở hữu của thân thì sự lệ thuộc này càng mở rộng ra, bao vây mình kín mít.
Thật vậy, người giàu khổ hơn người nghèo, phải giữ nhà, dọn quét; nghèo không sợ mất đồ. Những người xuất gia đệ tử Phật không có sở hữu, nhưng Phật nói họ hạnh phúc hơn ông vua. Điển hình là Thuận Trị hoàng đế than rằng ông khổ quá, 17 năm chinh chiến để lo cho nước, lo cho dân mà phải tự khổ, ông ước phải chi đi tu sướng hơn.
Sám hối không phải tụng suông, nhưng nhắm vô liên hệ giữa lệ thuộc của chúng ta đối với vật chất, danh vọng, địa vị, quyền lợi có cắt được không.
Tu theo Nguyên thủy chỉ quán Tứ niệm xứ là đoạn dứt những lệ thuộc này. Còn chúng ta tu Đại thừa muốn độ sanh phải có điều kiện độ, tức muốn làm Phật giáo hưng thạnh phải xây dựng chùa, giảng pháp, làm từ thiện...
Ở chùa Ấn Quang, khi có vài trăm người về dự lễ là không có chỗ để xe. Tôi nghĩ phải làm sao có chùa rộng chứa cả ngàn người; nghĩ việc này thì bắt đầu khổ rồi. Vì có nhiều người phát tâm tu hành, mình phải tạo điều kiện cho họ tu thì cũng bắt đầu khổ. Nhưng nguyện và hạnh của mình theo hướng Đại thừa được Phật hộ niệm. Nếu xin cho mình thì không được, nhưng xin cho Phật giáo thì Phật cho. Thí dụ tôi xin khu đất này làm trung tâm văn hóa, tâm linh, Nhà nước cho; nếu xin cho cá nhân tôi, chắc chắn không được.
Việc này, nguyện này là của chư Phật, Bồ-tát, nhưng mình làm thay Phật, Bồ-tát, nên các Ngài gia hộ cho mình làm được. Vì vậy, chùa này không phải tôi xây dựng, nhưng chùa của Phật và Tăng Ni, Phật tử toàn thành phố xây dựng, kể cả nước ngoài cũng góp phần.
Tuy nhiên, khi chúng ta phát tâm Đại thừa, mới đầu nghĩ làm cho mọi người, nhưng làm được rồi lại nghĩ đây là của mình; nghĩ như vậy là đọa liền. Vì vậy, tu Đại thừa rất khó, vì làm đã khó mà giữ được tâm thanh tịnh còn khó hơn. Chính vì lý do đó mà tu lên được rồi lại bị rớt xuống. Cho nên Phật nói đắc La-hán rồi phát tâm Đại thừa thì giữ được công đức dễ hơn.
Còn chúng ta chưa đắc La-hán, hành Bồ-tát đạo rất khó, vì chưa có công đức, chưa làm được, tâm ta nghĩ khác, nhưng thành tựu rồi, lòng tham dễ nổi dậy. Tôi có người bạn làm cách mạng nói rằng ông suốt đời ở trong chiến khu, chỉ có cái ba-lô thôi mà thấy nặng, muốn bỏ. Nhưng về thành phố có nhà cao cửa rộng, có xe ô-tô sang trọng, lại thấy chưa đủ.
Mình tu cũng vậy, được rồi coi chừng lòng tham sanh ra thì muốn giữ riêng cho mình, mà muốn giữ là tai họa ập tới. Có cái nhà ở được rồi, lại muốn cái biệt thự lớn hơn, đẹp hơn và cuối cùng kết thúc ở trong nhà tù.
Tu sám hối thật, cứ luôn suy nghĩ việc gì chúng ta làm có trái lời Phật không. Những nghiệp mình đã làm cắt lần cho đến hết. Theo kinh nghiệm riêng tôi, nếu nghiệp đời trước còn, chúng ta nhất định có oan gia theo phá. Vì đời trước ta thiếu họ, nên đời này họ luôn nghĩ xấu về ta.
Vì vậy, sám hối nhớ là bao giờ người xung quanh còn nghĩ xấu về mình, nên tự biết tiền khiên nghiệp chướng mình còn. Họ nghĩ tốt về mình là biết công đức mình sanh.
Chưa làm nhưng có ý tưởng tốt sanh thì phước đã sanh, công đức đã sanh. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi một câu rất dễ thương là Ngài tin Bồ-tát Quan Âm gia hộ Ngài. Tôi cũng nói tôi tin Quan Âm. Tôi hỏi Ngài Quan Âm gia hộ như thế nào. Ngài nói khi hành hương ở Bồ Đề Đạo Tràng ăn trúng thực, bị lủng ruột, đau lắm.
Trên đường xe chở Ngài đến bệnh viện, Ngài thấy bên vệ đường có người bệnh, người đói. Ngài khởi tâm thương họ đến quên mất cơn đau và tới bệnh viện thì Ngài được bác sĩ cứu sống.
Có thể hiểu rằng niệm thương người của Ngài đồng với niệm cứu khổ của Bồ-tát Quan Âm, nên được Quan Âm gia hộ và thực tế là được bác sĩ cứu chữa kịp thời, vì chỉ trễ một chút là không thể sống.
Khi tâm chúng ta đồng với chư Phật, Bồ-tát thì các Ngài gia bị cho ta, tức lấy công đức của Phật và Bồ-tát tự trang nghiêm thân tâm mình, đó chính là sám hối. Vì ta muốn độ sanh đồng với hạnh nguyện của Phật, nên ta là Hóa thân Phật. Thật vậy, Phật đã đi vào lòng ta khiến ta có suy nghĩ đồng với Phật mà Bổn môn Pháp Hoa gọi là Bổn Phật. Nhờ Phật lực gia bị, lòng chúng ta trở nên sáng suốt, thanh tịnh và làm được việc khó; lúc ấy người quý trọng mình là quý trọng Phật. Nhưng nếu được như vậy, mình lại khởi niệm mình là Phật thì bị đọa liền, nghĩa là không được người quý mến nữa và không làm được việc nữa, dù là việc dễ.
Thực tế có thầy nói với tôi rằng khi ông không muốn làm, chỉ cầu giải thoát, nhưng Phật tử cúng dường đất đai, tiền bạc. Bấy giờ, lại khởi niệm mình có đất rồi, nên lo cất chùa, nhưng xin tiền cất chùa, người lại không cho và mượn cũng không được, tức chết!
Phải luôn nhớ rằng việc Phật sự là việc của Phật, Bồ-tát làm, mình chỉ là người đại diện cho các Ngài, nếu tự cao, tự mãn mà nghĩ rằng mình làm được thì chết như chơi.
Lạy Phật, sám hối là đem Phật vào lòng, đem đức hạnh của Phật để vào lòng mình. Lạy Phật, sám hối là đem Phật vào lòng, đem đức hạnh của Phật để vào lòng mình. Lạy Phật, nghĩ về thân tướng hảo của Phật, nghĩ về lời nói và việc làm của Phật là trong lòng mình có Phật ngự thì có công năng xóa trừ nghiệp chướng trần lao của mình. Mất tâm này, mình mất tất cả.
Chúng ta chọn Hồng danh sám hối để sám hối thường kỳ mỗi nửa tháng. Đọc tên Phật, suy nghĩ về tên Phật, suy nghĩ về Phật. Lòng chúng ta cứ nghĩ như vậy mà tội chướng chúng ta tiêu dần. Nghĩ Phật nào nhiều thì thân chúng ta, lời nói và việc làm của chúng ta giống Phật đó. Thường nghĩ về Phật như vậy, chúng ta làm theo Phật, thì chúng ta là Hóa thân Phật, hay còn gọi là Phật sống. Điển hình như Đức Đạt Lai Lạt Ma được nhiều người tôn kính là Phật sống, vì Ngài nghĩ về Phật, thay Phật cứu độ chúng sanh và việc làm của Ngài giống với Phật. Có thể nói tất cả chúng ta đều có thể biến thành Phật sống nếu luôn luôn kiên trì giữ vững tâm Phật và thể hiện việc làm đồng với Phật.
Phần mở đầu sám hối, chúng ta đọc quy y Phật, quy Pháp và quy y Tăng; nghĩa là chúng ta giữ tâm trí luôn sáng suốt là Phật, nên cái thấy không sai lầm, đúng với chân lý là Pháp và tâm luôn yên tĩnh là Tăng. Ba điều căn bản Phật Pháp Tăng như vậy luôn hòa quyện trong cuộc sống của chúng ta.
Sau đó, chúng ta đọc: Nam-mô quy y Kim Cang Thượng sư. Kim Cang Thượng sư chỉ cho tâm kiên định của Phật ví như kim cang cắt được tất cả vật, nhưng không vật gì phá hủy được nó. Ý này được thể hiện qua tâm kiên định của Đức Phật Thích Ca rằng nếu không tìm thấy con đường giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi cho mình và cho tất cả chúng sanh thì Ngài không rời khỏi cội bồ-đề. Vì vậy, bước theo dấu chân Phật, chúng ta cũng dứt khoát kiên định quyết tâm của mình sống theo tinh thần Phật dạy, không bao giờ thay đổi, lui sụt.
Chí thành sám hối - Ảnh minh họa
Tiếp theo, chúng ta đọc: Con nay phát tâm không vì tự cầu phước báo nhân thiên, Thanh văn, Duyên giác, cho đến quyền thừa Bồ-tát, quyết lòng cầu Tối thượng thừa. Nguyện cùng Pháp giới chúng sanh nhứt thời đồng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đương nhiên chúng ta quy y Phật, Pháp, Tăng và Kim Cang Thượng sư không phải xin Ngài cho tiền bạc, cho nhà cửa, hay cho chức quyền trong xã hội. Vì đây là phước báo nhân thiên có cũng được, không có cũng không sao; nhưng chúng ta cần có trí tuệ để nhận thức mọi việc hoàn toàn đúng đắn, cần không có phiền não phá rối cuộc sống. Thật vậy, dù cuộc sống nghèo, nhưng không buồn phiền là sướng rồi. Tôi có bà dì làm dâu nhà cai Tổng trong làng. Ai cũng nghĩ bà sướng nhất, nhưng bà than khổ hơn mọi người.
Sống theo Phật, chúng ta chỉ cầu làm Phật và được làm người quan hệ với Phật thì cuộc sống chắc chắn an lành. Pháp Tạng Tỳ-kheo nói Ngài không cầu làm vua, nhưng cầu thành Phật. Ngài cho biết ai sanh về nước của Ngài là nơi không có tham lam, bực tức và si mê. Tu Tịnh độ, nhớ cắt bỏ ba tâm xấu này, Phật mới rước. Còn ham muốn thì phải tiếp tục ở lại thế giới này để gánh chịu khổ đau. Còn bực tức thì phải thọ quả báo.
Ở Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà không có tên ba đường ác, vì quy y Phật không đọa địa ngục, quy y Pháp không đọa ngạ quỷ, quy y Tăng không đọa súc sanh. Nhưng nếu Phật tử đọc suông ba pháp quy y này, nhất định không thể vào thế giới Phật.
“Nguyện cùng Pháp giới chúng sanh nhứt thời đồng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Đọc câu nguyện này là nguyện của Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, Ngài nguyện tất cả mọi người đều hoàn hảo, trọn lành, đều thành tựu Phật quả thì Ngài mới mãn nguyện. Cũng như Bồ-tát Địa Tặng nói rằng nếu mọi người đều thành Phật, thì Ngài không cần thành Phật cũng được.
HT.Thích Trí Quảng