GNO - Sáng nay, 12-5-2019 (nhằm ngày mùng 8 tháng 4-Kỷ Hợi), tại Trung tâm hội nghị quốc tế chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, đã trọng thể diễn ra lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) - Vesak 2019, cũng là Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 16, do GHPGVN đăng cai tổ chức.
Quang lâm chứng minh, tham dự có chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo cao cấp Hội đồng Chứng minh (HĐCM), Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN, cùng 1.650 đại biểu quốc tế là chư vị Đại Tăng thống Vương quốc Campuchia, lãnh đạo các Giáo hội, tổ chức, truyền thống, hệ phái Phật giáo đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham dự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Đại lễÔng U Win Myint, Tổng thống Myanmar; Ông K.P Sharma Oil, Thủ tướng Nepal; Ông M.Venkaiah Naidu, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ; Ông Tashi Dorji, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan; Bà Amida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký LHQ… cùng nhiều vị đứng đầu các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam cùng tham dự.
Lễ đài chính được đặt ở tầng một của toà nhà trung tâm hội nghị, đại biểu tham dự còn được bố trí ở tầng hai theo dõi qua màn hình trực tiếp, với tổng số 4.500 đại biểu chính thức.
Các đại biểu đã được thưởng thức chưong trình hợp xướng đặc sắc do Dàn Giao hưởng Quốc gia Việt Nam trình diễn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nepal và Phu nhân cử hành lễ Tắm Phật tại lễ đài kim tướng Đức Phật sơ sinh tôn trí ở sảnh của trung tâm hội nghị.
Đề cập tới Ngày Vesak - Kỷ niệm ba sự kiện quan trọng liên quan tới cuộc đời của Đức Phật, Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ nhắc lại ý nghĩa sự thị hiện của Đức Phật giữa cuộc đời bằng lời kinh tạng Nguyên thủy, xác quyết về lòng Đại Từ bi của Ngài: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Đó là Đấng Như Lai Chánh đẳng Chánh giác”.
Thông điệp đã có lời thăm hỏi chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo các truyền thống trên thế giới đã đến Việt Nam tham dự Đại lễ Phật đản - Vesak LHQ do GHPGVN đăng cai tổ chức. Nhân đây, Đức Pháp chủ kêu gọi mọi người con Phật năm châu tích cực ứng dụng giáo pháp vào đời sống hàng ngày.
"Đây là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế Tôn đã để lại cho nhân loại chúng ta trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững", thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN nhấn mạnh. (xem toàn văn tại đây)
Hòa thượng cũng nhấn mạnh đó chính là ý nghĩa mà Đại hội đồng LHQ thông qua việc công nhận Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa của toàn nhân loại. Đó cũng là dịp để nhắc nhở loài người về giải pháp hòa bình, giá trị hạnh phúc thực sự và bền vững, biểu hiện qua cuộc đời của Đức Phật và giáo lý mà Ngài đã giảng dạy.
Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN cũng đã nhắc lại chủ đề chính cũng như các các chủ đề nhánh của 5 diễn đàn tại hội thảo quốc tế trong khuôn khổ của Đại lễ, cùng tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng cũng như những thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho con người mang tính thời đại. "... thông qua cuộc đời của Đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng hạnh phúc thực sự của mỗi con người không phải chỉ tìm trong vật chất, mà thay vào đó, phải đi tìm sự an lạc trong tâm hồn", Hòa thượng nói. (xem toàn văn tại đây)
Hòa thượng cũng nhắc lại quá trình 15 kỳ Đại lễ vừa qua, hầu hết được tổ chức tại Thái Lan, Việt Nam đăng cai tổ chức năm nay là lần thứ ba, Sri Lanka một lần. Mỗi năm có một chủ đề, liên quan mật thiết với mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Nói về chủ đề năm nay, Hòa thượng cho biết sẽ được các đại biểu thảo luận và sẽ được đúc kết trong Tuyên bố chung Hà Nam, sau đó thông báo cho toàn thế giới cũng như báo cáo đến Hội đồng kinh tế, xã hội của LHQ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đại lễ Vesak LHQ đã vượt trên một lễ hội văn hoá tôn giáo thông thường, đây là dịp nhằm phát huy tinh hoa của đạo Phật và trao truyền tới tất cả chúng ta thông điệp lâu đời của Đức Phật Thích Ca về hoà bình, hoà hợp, khoan dung và nhân ái mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó cũng là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và là chất liệu để góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, đem đến hòa bình, thịnh vượng và phát triền bền vững, vì lợi ích tốt đẹp của nhân loại.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao chủ đề của Đại lễ Vesak 2019 do GHPGVN đăng cai tổ chức, với sự hỗ trợ của ICDV.
Thủ tướng cho biết, Phật giáo là tôn giáo có lịch sử từ lâu đời, gắn bó sâu sắc với văn hóa truyền thống và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, với tấm gương sáng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Từ hào quang của ngôi vương cao quý, niềm kiêu hãnh anh dũng chiến thắng ngoại xâm, Ngài đã đến với chân lý anh minh, từ bi, hỷ xả của giáo lý Phật giáo và hành đạo cứu giúp muôn dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2019, chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật và cùng suy ngẫm về chân lý hòa bình, về tinh thần khoan dung, lòng từ bi; đồng thời phát huy những chân lý đó vào thực tiễn cuộc sống, giảm thiểu xung đột và khổ đau, thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc và cùng xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc cho toàn nhân loại. Đó là một sự đồng điệu với các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 của LHQ về phát triển bền vững, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau, mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.
“Chúng ta hãy cùng tĩnh tâm, chiêm nghiệm lời Phật dạy để tìm ra giải pháp và cùng nhau hành động để bảo vệ, kiến tạo cho thế giới ngày càng an lạc, tốt đẹp hơn”, Thủ tướng kêu gọi.
Từ cái nhìn của một nhà lãnh đạo đất nước, đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao của Ấn Độ, ông M.Venkaiah Naidu đã nhấn mạnh giá trị của giáo lý mà Đức Phật đã dạy hơn 2.500 trước vẫn nguyên giá trị, ngày nay được con người ứng dụng khắp nơi trên thế giới.
Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ cũng nhắc lại kinh nghiệm của Ấn Độ, một đất nước đông dân nhất thế giới, và những kinh nghiệm của các nhà lãnh đạo đất nước này qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là vua Ashoka.
Ông đề cao giáo lý Bát Chánh đạo, mà nếu mọi người áp dụng vào đời sống thì sẽ có một kết quả tốt đẹp. Ông cũng đánh giá cao chủ đề của Đại lễ năm nay do GHPGVN đăng cai tổ chức.
Đại lễ Vesak LHQ là dịp để mọi người cùng chiêm nghiệm lại những lời dạy của Đức Phật, về sự nỗ lực và không ngừng để tự hoàn thiện bản thân, trong đó, Bát Chánh đạo như kim chỉ nam, giúp mọi người có được sự cân bằng, hòa bình tự nội. Đó là phương pháp để xây dựng hòa bình thực sự.
"Xã hội bền vững là hoàn toàn có thể đạt được nếu con người có sự tiêu thụ bền vững, sản xuất bền vững. Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải lánh xa lòng tham lam. Bởi chính lòng tham gây nên sự hủy hoại môi trường sinh thái, mất công bằng xã hội và gây ra những xáo trộn trên thế giới", nhà chính trị 70 tuổi từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp, hiện là Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ khẳng định trong bài thuyết trình của mình trước toàn thể đại biểu quốc tế và Việt Nam.
Trước lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oil và Phu nhân đã cử hành lễ Tắm Phật, tại lễ đài kim tướng Đức Phật Sơ sinh tôn trí trang nghiêm trước sảnh của tòa nhà trung tâm hội nghị.
Trong chiều nay, chương trình Đại lễ sẽ được tiếp tục tại hội trường chính. Nhóm PV Báo Giác Ngộ có mặt tại Hà Nam tiếp tục cập nhật thông tin tổng hợp đến bạn đọc quan tâm.