Hồi đó có bao giờ kêu mẹ đâu, sinh ra là đã bắt chước anh chị kêu tiếng má. Má về! má tiền sáng, cơm chín chưa má? sao nay má buồn vậy? nhà mình có chuyện gì hả má?
Mọi thứ từ lớn đến bé đều kêu má, má như một phép mầu, chỉ cần có má là mọi thứ sẽ ổn, sẽ được bảo vệ, có người lo.
- Đi xa quá rồi, gọi mẹ hồi nào không hay, giờ kêu má lại thấy lạ. Lạ đến nỗi mà khi má nghe, má hỏi: -người Sài-gòn họ gọi vậy hả sư?
Mình đâu phải người Sài-gòn, mình chỉ bắt chước cái giọng Sài-gòn cho sang, cho đỡ tiếng vùng miền, nói để người ta không hỏi lại, thỉnh thoảng cười trêu.
- Có lần, má không cho kêu má, cũng không cho kêu mẹ. Má bắt phải kêu Thí-chủ, má bảo: -người xuất gia phải gọi cha mẹ là Thí-chủ để không còn quyến luyến tình cảm gia đình cá nhân, coi chúng sanh chung là thân bằng quyến thuộc. Mình hỏi: -sao má biết? Má đáp: - thì má thấy mấy sư ở chùa gọi vậy.
Thí-chủ đơn giản chỉ là một Phật tử bình thường khi có con là người xuất gia học đạo.
- Nghe lời má, chuyển sang kêu Thí-chủ một thời gian thì lại thấy nhớ. Nhớ tiếng má thiêng liêng mỗi khi thấy mình lạc lõng.
Má là một người tu đạo thuần thành, má sợ tội, má sợ con trai mình không giống các sư, làm sai phép đạo, có lỗi với Phật, với Tăng đoàn.
Nhưng má đâu biết, ai cũng cần có mẹ, có má, được kêu tiếng mẹ, tiếng má thôi là hạnh phúc lắm, thấy mình vẫn còn cơ hội, khi chênh vênh, buồn tủi.
- Má cũng chẳng bao giờ dám gọi tiếng con, bởi má sợ mình lỗi đạo. Tiếng đầu cũng sư, tiếng sau cũng sư. Cuộc đời của má luôn hy sinh âm thầm như thế. Má đã hành xử rất văn minh, văn minh theo cách của một người Phật tử vùng quê, tôn thờ, gìn giữ nếp đạo thiêng liêng bao đời của dân tộc.
- Má có thể không gọi con, nhưng con sẽ gọi má, còn được gọi tiếng má để có đi xa đến đâu cũng nhớ nơi mình bắt đầu, có hình ảnh của má tất bật sửa soạn bữa cơm chiều. Má bảo: -Sư dạo này ốm quá, ráng độ cho nhiều vào, Thí-chủ nấu toàn những món sư hảo.
- Là người xuất gia, con thấy lòng mình nghẹn lại khi không thể "mang tiền về cho mẹ" như Đen Vâu, nhưng đi đâu con cũng sẽ "mang lòng nhân hậu, đức hy sinh của má đi cùng".
Sư Giác Minh Luật